Aa

Muốn phát triển bất động sản công nghiệp, sản xuất hàng hóa phải nâng cấp

Thứ Bảy, 27/04/2019 - 21:01

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung trước những chia sẻ về bối cảnh phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp trong nước.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 73%. Các dự báo cho rằng, phân khúc này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2019, tiếp đà từ sự bùng nổ trong 2 - 3 năm trước đó. 

Tại diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phân khúc bất động sản Việt Nam đang vừa có những thách thức, vừa có những cơ hội để phát triển trong bối cảnh nền kinh tế vừa chuyển dịch và biến động như hiện nay. 

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thứ nhất, những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã khôi phục. Theo đó, kể từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế dao động từ 5,48% - 6,89%. Tỷ trọng thương mại quốc tế so với GDP năm 2017 đạt mức cao nhất trong số 20 quốc gia đông dân nhất thế giới. Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng: phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường, tăng trưởng theo chiều sâu trên nền tảng của KHCN và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, cơ cấu công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng: phát triển các ngành công nghiệp chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng công nghệ 4.0. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi

Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên sự phát triển về nền tảng công nghệ số, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, công nghệ đám mây… Trong khi đó, thương mại điện tử cũng đã thay đổi cách thức tiếp cận từ mô hình kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn, có tính chiến lược. Theo dự báo, thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD vào năm 2025. Bối cảnh này đã đặt ra những nhu cầu về nhà kho lớn và các nhà kho “last – mile” (một thuật ngữ được sử dụng trong quản lý chuỗi cung ứng và kế hoạch vận tải, mô tả sự vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách đến điểm đích cuối cùng). Nhu cầu về hạ tầng và công nghệ hiện đại, kết nối xuyên suốt và đồng bộ được đặt ra.

Thứ ba, Việt Nam đang trở thành quốc gia thu hút lượng vốn FDI mạnh mẽ. Năm 2018, tổng số vốn FDI cam kết đạt gần 35,46 tỷ USD. Trong khi đó, tổng vốn FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế và vốn tăng thêm, đạt trên 8,3 tỷ USD. Nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặc biệt trong phát triển lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, chiến lược thu hút FDI đang được xây dựng hướng tới nguồn vốn FDI thế hệ mới với tiêu chuẩn cao về công nghệ và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện tại, các dự án nước ngoài đang đổ vào Việt Nam với tốc độ nhanh nhưng nguồn cung bất động sản công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.

Thứ tư, dòng vốn trên thị trường quốc tế đang có xu hướng chuyển đến Việt Nam. Điển hình là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các công ty nước ngoài và Trung Quốc đẩy mạnh việc đảm bảo năng lực sản xuất ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chi phí lao động được đánh giá là thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Ngoài ra, giá đất công nghiệp của Việt Nam thấp so với nhiều thành phố lớn của các nước. Đây là những điểm thu hút của Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh mạnh về thu hút vốn FDI từ các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar.

Bối cảnh hiện tại đã đặt ra yêu cầu cần phải phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng. Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp chủ đạo hiện nay phần lớn vẫn là ngành sản xuất cơ bản, chủ yếu là thâm dụng vốn lao động với hạ tầng, nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Để phát triển bất động sản công nghiệp, đòi hỏi phải dịch chuyển sản xuất hàng hóa lên bước cao hơn như: những ngành nghề “xanh”, sử dụng lao động hiệu quả và hàm lượng công nghệ cao sẽ là thế hệ khách thuê bất động sản công nghiệp mới”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top