Theo trang Construction Global, Mjøstårnet, một công trình cao hơn 80m ở Na Uy sẽ trở thành công trình bằng gỗ cao nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại. So với công trình bằng gỗ cao nhất ở thời điểm gần nhất, công trình nói trên sẽ cao hơn 30m.
Nhà đầu tư và kinh doanh khách hàng của Mjøstårnet, Arthur Buchardt cho biết: “Mjøstårnet sẽ đặt ra một tầm cao mới cho những công trình bằng gỗ. Nó gần giống như một tòa nhà chọc trời bằng gỗ”.
Mjøstårnet được đặt tên theo hồ lớn nhất của Na Uy nằm gần khu vực công trình được xây dựng, hồ Mjøsa. Công trình phá kỉ lục này sẽ nằm ở rìa phía đông bắc của hồ ở thị trấn nhỏ Brumunddal, mất khoảng 1 tiếng rưỡi đi xe từ phía bắc Oslo.
Công trình sẽ có hơn 18 tầng, bao gồm cả các căn hộ, hồ bơi trong nhà, khách sạn, văn phòng, nhà hàng và không gian cộng đồng. Dự kiến nó sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2018. Moelven, một tập đoàn công nghiệp Scandinavian ở vùng Mjøsa, sẽ cung cấp vật liệu gỗ từ rừng cây vân sam địa phương để xây dựng tháp và khu vực hồ bơi.
Timber Design and Technology thông tin thêm: Mjøstårnet sẽ có tổng cộng 62 căn hộ với 11 căn hộ có 1 phòng ngủ (43m2) và 51 căn hộ có 2 phòng ngủ (64-66m2). Những căn hộ ở tầng 5 và 10 sẽ nhỏ hơn do phối kết hợp với thiết kế kiến trúc.
“Việc lắp ráp và xây dựng công trình được áp dụng những kĩ thuật hiện đại nhất của thế giới và được quản lý mà không cần hệ thống giàn giáo bên ngoài mặc dù công trình khá phức tạp với độ cao lớn. Chúng tôi chủ yếu sử dụng cần cẩu, và sử dụng thang máy nếu cần thiết. Hiện công trình đã chạm đến độ cao 33m theo kế hoạch và sẽ nhanh chóng tiến đến độ cao 48m theo đúng lộ trình”, Buchardt cho biết thêm.
Theo Mediaroom, qua công trình này, Buchardt cũng muốn hòa chung vào xu hướng thân thiện với môi trường nhờ vật liệu xanh. “Một nhóm dự án được tạo lập bởi đơn vị quản lý đường phố của Na Uy đã nghiên cứu về công trình của chúng tôi. Báo cáo của họ chỉ ra rằng công trình với gỗ thay vì bê tông có thể giảm sự phát thải CO2 xuống 30% (tương đương 21 nghìn tấn)”. Đồng thời, đây cũng là lời ủng hộ đối với mục tiêu được đề ra trong Hội nghị biến đổi khí hậu mà Na Uy muốn hiện thực hóa.
Chia sẻ về tiêu chuẩn quốc tế đối với ngành vật liệu nói riêng và ngành xây dựng nói chung, Buchardt cho biết: “Trong vòng 15 năm tới, tôi tin rằng vật liệu thân thiện môi trường sẽ trở thành tiêu chuẩn tự nguyện quốc tế của ngành xây dựng”.