BĐS cao cấp “kìm” thế “áp đảo”
Nhận định về thị trường BĐS năm 2016, bà Nguyễn Mai Khanh cho rằng, đó là năm của phân khúc cao cấp với sự "bùng nổ" hàng loạt dự án trong đó nổi bật như: Vinhomes Gardenia (Mỹ Đình), Vinhomes Liễu Giai, D’. Capitale Trần Duy Hưng, Vinhomes Green Bay Mễ Trì... Sắp tới, Vingroup còn “bung hàng” dự án Vinhome Sky Lake Phạm Hùng song theo bà Khanh, tính thanh khoản của những dự án này thời gian qua vẫn rất cao.
Theo bà chủ Công ty CP VHS, trên thực tế, chỉ một số ít lượng khách hàng chi tiền cho sản phẩm cao cấp để đầu tư còn chủ yếu là để ở, nhu cầu nhà ở cao cấp của ngời dân Hà Nội hiện rất lớn. Sau giai đoạn trầm lắng từ 2013 – 2014, năm 2015 thị trường BĐS bắt đầu phục hồi thì đến 2016 nở rộ BĐS cao cấp, hấp thụ hàng loạt dự án với hàng chục nghìn căn hộ của riêng Vingroup, chưa nói đến sản phẩm của các thương hiệu khác.
Đầu 2017, thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện một loạt dự án cao cấp ở Giảng Võ của Tân Hoàng Minh do Vingroup phân phối, Smart City ở Nguyễn Trãi… “Mức hấp thụ của thị trường 2016 theo tôi vẫn rất tốt. Ngoài các dự án thương mại ở Hà Nội, sản phẩm biệt thự biển và condotel cũng hút được lượng lớn nhà đầu tư. Đáng chú ý trong năm vừa qua, chủ đầu tư Vinpearl bán được hàng nghìn condotel. Điều này chứng tỏ thị trường cao cấp vẫn rất được người dân mong chờ”, bà Khanh nhận xét.
Cơ hội cho phân khúc bình dân, nhà giá rẻ
Bên cạnh đó bà Khanh cho rằng, thời điểm cuối 2016 - bước sang năm 2017, cảm nhận thị trường dường như có chững lại ở phân khúc BĐS cao cấp. Nguyên nhân do những người có nhu cầu mua nhà cao cấp để ở cũng đã mua được, lượng tiền đầu tư cạn dần, dòng tiền dịch chuyển từ chứng khoán, vàng cũng cạn đi trong khi những người có nhu cầu ở thật khác thì chưa đủ năng lực tài chính . Do đó, thị trường chuyển hướng sang phân khúc bình dân hơn. Những căn hộ với giá từ 2 – 2,5 tỷ đồng/căn ở Hà Nội, có tiện ích, quần thể, dịch vụ tốt sẽ là dòng sản phẩm thu hút khách hàng trong thời gian tới.
“Nhu cầu thị trường trong năm tới có sự chuyển dịch về dòng đầu tư, nguồn cầu phân khúc trung cấp và bình dân sẽ tăng lên, nguồn cung dòng cao cấp sẽ thu hẹp”, bà Khanh nhận định.
Song bà Khanh nhấn mạnh, dù thị phần cao cấp có bị thu hẹp trong năm tới thì Công ty VHS vẫn trung thành với dòng sản phẩm này, lý do là giao dịch của Công ty VHS đối với các sản phẩm của Vingroup vẫn chiếm thị phần khá tốt trên thị trường.
“Khi thu hẹp thị phần, nhiều công ty sẽ chuyển đổi sang phân khúc khác. Tuy nhiên, nếu mình có kinh nghiệm, làm tốt trong phân khúc này thì vẫn có thể bám sát thị trường, dòng sản phẩm này chỉ thu hẹp chứ không biến mất, vẫn có lượng khách nhất định trong xã hội đặc biệt ở Hà Nội, một lượng đáng kể khách hàng thu nhập cao vẫn có nhu cầu chuyển đổi nhà ở nên vẫn có nhu cầu mua bán”, bà Khanh chia sẻ.
Do đó, định hướng của VHS là tiếp tục “bám sát” phân khúc cao cấp nhưng có sự dịch chuyển đội ngũ nhân viên bán hàng thành 1 nhánh sang dòng trung cấp để đón “sóng” mới. Đội ngũ này phải cứng, tinh nhuệ để tiếp tục “chinh chiến” trên thị trường cao cấp bởi sang năm 2017, có những dự án rất lớn như Smart City Nguyễn Trãi với quy mô gần chục nghìn căn, dự án tại Giảng Võ, cuối Đại lộ Thăng Long…
Về cách thức bán hàng, nếu ở thời điểm từ nay cho đến 2017 vẫn phù hợp thì chưa cần thay đổi, quan trọng là đội ngũ nhân viên phải thích ứng được với chuyển động của thị trường. Ví dụ khi thị phần cao cấp thu hẹp, thay vì bán 10 dự án thì giảm xuống 5 và tăng số lượng dự án bình dân để bắt kịp nhu cầu thì lợi nhuận thu về cũng không bị ảnh hưởng. Hoặc ban đầu có 300 nhân viên bán sản phẩm cao cấp thì giảm xuống 150 nhân viên, còn lại “bành trướng” sang phân khúc khác.
Cũng theo bà Khanh, thị phần cao cấp thu hẹp sẽ là cơ hội cho phân khúc bình dân vì đó là quy luật điều tiết của thị trường. Khi nhu cầu người dân thay đổi, chủ đầu tư cũng phải căn cứ vào lượng cầu để xây dựng, nếu không sẽ vấp phải tình trạng như thời điểm 2012. Khi đó, thị trường cũng bùng nổ BĐS cao cấp, do lợi nhuận lớn nên ai cũng ồ ạt làm nhưng thị trường không hấp thụ được dẫn tới ế thừa nguồn cung.
Đề cập đến động thái của Vingroup gây xôn xao thị trường BĐS những ngày vừa qua khi tuyên bố triển khai 200.000 – 300.000 căn hộ giá rẻ mang thương hiệu Vincity ở đô thị vùng ven và các tỉnh, bà Khanh đánh giá: “Vingroup luôn là chủ đầu tư biết dẫn dắt thị trường và động thái này của Vingroup cũng thể hiện điều đó. Khi thị trường đang rất cần dòng sản phẩm bình dân, người khác chưa nghĩ ra phải làm thế nào thì Vingroup đã rục rịch hành động.
Có thể nói, động thái này của Vingroup là sự chứng tỏ khả năng “bành trướng” sang khắp các sản phẩm của BĐS, độc chiếm thị phần BĐS ở Việt Nam. Hiện tại, dòng sản phẩm cao cấp của thương hiệu Vinhomes đã áp đảo thị trường BĐS về uy tín, chất lượng”.
Vị nữ Tổng giám đốc này cho rằng, Vingroup không cạnh tranh về dòng sản phẩm bình dân, trung cấp nên các thương hiệu khác không cần quá lo lắng. Tuy nhiên động thái này của Vingoup như một lời cảnh báo đối với các chủ đầu tư khác, nếu muốn tồn tại bền vững trong bối cảnh hiện nay phải thay đổi cách thức làm việc.
Hiện tại phân khúc bình dân vẫn được nhiều nhà đầu tư phát triển ở Hà Nội nhưng họ chỉ quan tâm đến giá mà chưa chú trọng đến chất lượng. Trong khi đó, khi Vinroup tấn công vào thị trường bình dân, giá rẻ, họ chấp nhận đưa dự án đi xa 1 chút để đảm bảo giá thành, hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận song ngược lại sẽ bán được nhiều căn… để phát triển thương hiệu và uy tin của chủ đầu tư. Chính vì vậy, các chủ đầu tư khác trong thời gian tới nếu không muốn bị “lép vế” cần quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ, chú trọng tiện ích… mới có thể thu hút được khách hàng.