Theo đó, GS. Đặng Hùng Võ nhận định: "Năm 2015, chúng ta lo lắng thị trường có thể xảy ra bong bóng vào năm 2016. Tuy nhiên 1 năm trôi qua, tình trạng thị trường BĐS sốt giá chưa xảy ra".
Đánh giá về phân khúc chung cư trong năm 2016, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có sự chênh lệch lớn về cung, cầu. Nếu như phân khúc cao cấp chỉ có lượng cầu 20% thì cung trên thị trường lại chiếm đến 80%. Ngược lại, phân khúc nhà giá rẻ nhu cầu chiếm tới 80% thị trường mà nguồn cung vẫn chỉ ở mức 20%.
"Đây là một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường hiện nay. Vậy trong năm 2017 thị trường BĐS sẽ đi lên, đi xuống hay đi ngang? Câu trả lời nằm ở sự chủ động của thị trường. Thực tế, nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam và người tiêu dùng khi đầu tư BĐS luôn có tâm lý trông chờ vào chính sách của nhà nước nhưng chúng ta cần chủ động, không nên lệ thuộc.
Trong năm qua, gói ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đã kết thúc, sau đó Chính phủ có Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/ năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo NĐ 100. Cho đến nay, chưa nhìn thấy nguồn lực này sẽ tác động vào phân khúc nhà ở xã hội như thế nào. Do đó, tôi cho rằng năm 2017, việc phát triển nhà ở xã hội sẽ khó khăn hơn về nguồn lực trợ giúp từ nhà nước. Tuy nhiên cuối năm 2016, thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực khi việc giải quyết vấn đề nhà ở thương mại giá rẻ bắt đầu được coi là mục tiêu trọng tâm hơn là tìm cách loay hoay với sự trợ giúp rất bao cấp của nhà nước. Điển hình là động thái chính thức tổng tấn công phân khúc nhà giá thấp tại 7 đô thị lớn với thương hiệu VinCity của Vingroup", ông Võ nhận định.
Tôi đánh giá rất cao ý kiến của tập đoàn Vingroup khi cung cấp những BĐS với giá thấp 700 triệu đồng. Ý tưởng này nhanh chóng tác động lớn vào thị trường về mặt nhận thức. Minh chứng là ngay sau đó, Mường Thanh cũng tuyên bố sẽ tham gia vào phân khúc này với giá thấp hơn. Cuộc chơi của thị trường vì thế cũng phụ thuộc vào ý tưởng của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiềm năng lớn. Các nhà đầu tư phải đặt mình vào tình hình của thị trường để tính toán như thế nào là có lợi nhất, nhằm giải quyết lệch pha cung – cầu như hiện tại” – GS.TS Đặng Hùng Võ khẳng định.
Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, năm 2017, một điều thấy rõ là cần phải xóa đi tình trạng thị trường chia làm 2 nửa, 1 nửa là phân khúc cao cấp, trung cấp (cầu yếu, cung cao), 1 nửa là phân khúc giá rẻ (cầu cao, cung yếu). Trong phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, cầu kinh doanh là chủ yếu, cầu nghỉ dưỡng lại không đáng kể.
“Tôi tin rằng, trong năm 2017, số lượng người đầu tư vào kinh doanh chuyển sang phân khúc du lịch nghỉ dưỡng nhiều hơn là mua để kinh doanh phân khúc giá cao.
Do đó, cần phải xóa đi tình trạng ngược nhau giữa phân khúc trung, cao cấp và phân khúc giá rẻ. Mặt khác tôi cho rằng về phân khúc nhà ở, trong năm tới, cầu về kinh doanh có tăng lên nhưng không diễn ra nhiều bằng nhu cầu phục vụ chỗ ở”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Vị Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: “Trong năm 2017, thay vì tập trung vào “lượng”, các doanh nghiệp sẽ đi vào “chất” nhiều hơn. Nói một cách đơn giản, thị trường sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm với giá cả bình ổn. Khả năng “sốt cao” ở một số phân khúc vì thế chưa xảy ra nhưng sức nóng 2017 có thể cao hơn thị trường BĐS 2016”.
Ở góc nhìn kinh tế - tài chính, nhận định tổng quan thị trường nhà đất năm 2016, theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, 9 tháng đầu năm 2016 có hơn 2.000 doanh nghiệp BĐS thành lập mới, chứng tỏ môi trường kinh doanh đã khá lên. Năm 2015 là năm cực kỳ ấn tượng về thị trường BĐS cho nên đến năm 2016, thị trường bắt đầu ổn định và chất lượng hơn. Tuy nhiên, các phân khúc liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp còn nhiều bất cập. Trong khi, phân khúc cao cấp đã có dấu hiệu cung cao hơn cầu.
Về mối quan tâm phân khúc nào sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2017, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Phân khúc nhà ở xã hội chắc chắn sẽ là phân khúc đột phá vào năm 2017. Bởi thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách tạo điều kiện cho phân khúc này phát triển như Nghị quyết phát triển nhà ở xã hội với lãi suất vay là 4,8% trong thời hạn vay 10-15 năm. Vừa rồi, Thủ tướng chính phủ cũng dành 2 ngày để bàn về nhà ở xã hội đồng thời có chỉ đạo về việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này, đây cũng là động thái điều chỉnh cân đối cung cầu của thị trường BĐS hiện nay.
Mặt khác, tất cả các số liệu cũng chỉ ra rằng, trong năm tới, nhu cầu về phân khúc trung cấp, phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội tiếp tục tăng cao vì nguồn cung các sản phẩm này đang rất thiếu. Ví dụ như Công ty Sam Sung với 300 nghìn công nhân nhưng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho hơn 1 nửa công nhân, còn hơn 100 nghìn công nhân khác phải đi thuê nhà ở những khu vực quanh KCN. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần xem việc cấu trúc lại thị trường BĐS như một trụ cột quan trọng thời gian tới, có như vậy thị trường thời gian tới mới phát triển ổn định và chất lượng hơn”.
Về câu hỏi đặt ra tại buổi hội thảo “Nếu có quá nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bình dân với giá “càng ngày càng rẻ” liệu có dẫn đến lo ngại về chất lượng sản phẩm không đảm bảo”, các chuyên gia đều cho rằng chưa đáng lo.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá: “Sự sàng lọc của thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Cạnh tranh càng lớn thì buộc các DN phải cân đối để có thể tồn tại và phát triển. Nếu một sản phẩm giá rẻ 800 triệu đồng mà chất lượng kém thì người tiêu dùng sẽ cố thêm 50 triệu nữa để sở hữu một căn nhà 850 triệu đồng mà chất lượng tốt hơn”.