Trung Quốc, Úc và Brazil sẽ quyết định giá quặng sắt
Trong số các nguyên liệu làm thép, giá quặng sắt được kì vọng giảm trong năm 2017 do tình hình giảm giá chung trên thế giới. Nguyên nhân là tình hình tiêu thụ quặng sắt tại Trung Quốc đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây do ngành thép đang trong tình trạng dư cung và có xu hướng chuyển dịch sang sản xuất bằng lò điện (tăng tỉ lệ sử dụng lò điện từ 5% lên 30% cho tới năm 2020) bởi những ưu điểm linh hoạt trong vận hành và bảo vệ môi trường.
Trích dự báo triển vọng ngành thép của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sản lượng tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc đang tiến gần tới đỉnh cũ trong năm 2014 - 2015. Trong khi đó, Trung Quốc đang có kế hoạch cắt giảm công suất sản xuất thép. Đây là dấu hiệu cho thấy trong năm nay, nhu cầu quặng sắt tại quốc gia này sẽ chậm lại.
Một mặt, những nhà xuất khẩu lớn tại Úc và Brazil đang có động thái tăng công suất để tranh giành thêm thị phần. Việc hai nước lớn bắt tay nhau để cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá là không cao bởi cả 2 nước đều có khả năng khai thác quặng sắt với mức chi phí thấp.
Cụ thể, tại Úc, sản lượng xuất khẩu được dự báo tăng trưởng 3% trong 5 năm tới dựa trên việc mở rộng công suất của nhà khai thác quặng lớn nhất là Rio Tinto tại khu mỏ Hamersley và 2 dự án mới là Koodaidery và Turee Syncline. Bên cạnh đó, các khu mỏ lớn bao gồm RoyHill (55 triệu tấn/năm) và Hancock Prospecting cũng được khởi động trong năm nay.
Tại Brazil, sản lượng xuất khẩu được dự báo tăng trưởng 5% trong những năm tiếp theo nhờ việc Vale mở rộng khu mỏ S11D tại khu liên hợp Carajas. Đây là dự án mỏ quặng lớn nhất thế giới với công suất 90 triệu tấn/năm và chi phí sản xuất thấp, được kì vọng là động lực mở rộng nguồn cung quặng sắt trong năm tới. Bên cạnh đó, khu mỏ Samarco (dự án liên kết giữa BHP Billiton – Vale, hiện đang dừng hoạt động sau sự cố sập hầm mỏ hồi tháng 11/2015) đang trong tình trạng xin cấp giấy phép trở lại. Nếu dự án được cấp trở lại, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng từ Brazil có thể tăng trưởng nhanh hơn dự báo.
Dựa trên những dự báo về công suất sản xuất và tiêu thụ tại các thị trường chính trong năm tới, VCBS cho rằng, giá quặng sắt (62% Fe) sẽ giảm về vùng 65 USD/tấn trong năm 2017. Hiện tại, giá quặng sắt đang được giao dịch với mức giá 74 USD/tấn
Than cốc được dự báo giảm giá do nguồn cung được cải thiện trở lại tại Úc
Trong thời gian gần đây, giá than cốc tại Trung Quốc tăng hơn 2 lần trong vòng 1-2 tháng, đạt hơn 300 USD/tấn. Trung Quốc mạnh tay cắt giảm sản lượng thông qua việc giảm số ngày sản xuất từ 330 ngày/năm xuống còn 260 ngày/năm. Trong khi đó, nhà sản xuất lớn trên thế giới là Úc tiếp tục tăng công suất trở lại sau sự cố về hầm mỏ và thời tiết. Công suất tăng thêm từ Úc sẽ phần nào bù đắp cho sự sụt giảm tại Trung Quốc.
Được biết, than cốc và quặng sắt là 2 mặt hàng đi kèm với nhau trong sản xuất thép, việc sụt giảm trong nhu cầu của quặng sắt như đã phân tích ở trên cũng kéo theo sụt giảm nhu cầu từ than cốc, phần nào cân đối lại nguồn cung bị cắt giảm tại Trung Quốc. Theo đó, giá than cốc dự đoán sẽ giảm trở lại mức khoảng 175 USD/tấn trong năm 2017.
Giá than nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao bởi sụt giảm công suất sản xuất tại Indonesia
Do thiên tai và chi phí tài chính quá lớn khiến các nhà khai mỏ cỡ vừa và nhỏ gặp khó khăn phải đóng cửa. Đồng thời, xuất khẩu than tại Mỹ sẽ giảm mạnh trong năm tới khi nhà sản xuất than tư nhân lớn nhất thế giới là Peabody Energy (US) phá sản trong tháng 4/2016. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ không có sự biến động lớn, theo đó mức dư cung sẽ được thu hẹp từ 223 triệu tấn (2016F) về 192 triệu tấn trong năm 2017.
Thép phế biến động ngược chiều với quặng sắt và than cốc.
Về bản chất, thép phế là thành phẩm từ quặng sắt và than cốc đã qua sử dụng. Do đó, sự vận động của thép phế luôn có độ trễ đối với 2 loại nguyên liệu còn lại. Mức bật tăng của giá quặng sắt và than cốc trong năm 2016 sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới giá thép phế trong năm 2017. Nhu cầu thép phế sẽ tăng cao khi Trung Quốc dần dịch chuyển công nghệ sản xuất thép từ lò cao sang lò điện. Theo đó, giá thép phế trung bình kỳ vọng sẽ duy trì ở mức 280USD/tấn trong năm 2017.
Chi phí sản xuất tăng lên khiến mặt bằng giá thép có thể lên tới 10,8 triệu đồng/tấn. Mặt bằng giá bán thép tăng còn do đồng USD tăng giá khiến chi phí nhập nguyên liệu quặng sắt và thép phế tăng lên.