Trả lời câu hỏi "Thời gian tới, nên đầu tư vào phân khúc BĐS nào để tránh rủi ro?", nhiều chuyên gia cho rằng, về bản chất, hoạt động đầu tư và kinh doanh nào cũng có rủi ro, ít rủi ro nhất có lẽ là đầu tư trái phiếu và gửi tiết kiệm ngân hàng.
PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Nhìn chung mua vàng thì vàng đang giảm giá phải bán ra, gửi ngân hàng thì ngân hàng cũng đang giảm lãi suất. Trong khi đó bất động sản đang tăng trưởng ổn định. Do vậy cần cân nhắc những chi phí lợi ích thì nhà đầu tư tự quyết định”
Cho rằng BĐS nghỉ dưỡng là một xu hướng tiềm năng ở thời điểm hiện tại, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group phân tích: trong 10 năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đã tăng mạnh mẽ. Năm 2015, chúng ta đã đón 8 triệu du khách nước ngoài và 45 triệu khách nội địa. Trong khi cả nước mới có khoảng 350.000 phòng khách sạn, tức là tỷ lệ điền đầy khoảng 41%, đây được đánh giá là một tỷ lệ tốt.
Nếu xét ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cao cấp thì tỷ lệ này còn tốt hơn rất nhiều. Các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đều đạt tỷ lệ đến 71%.
"Đối với loại hình đầu tư này, nhà đầu tư cần lưu ý ngoài việc thỏa mãn nhu cầu sử dụng cá nhân thì hiệu quả khai thác là một chỉ tiêu quan trọng. Hầu hết các chủ đầu tư lớn đều có cam kết về chỉ tiêu này (hiện nay khoảng từ 8 - 12%/năm trong 5 - 10 năm đầu) và có những chủ đầu tư còn có ngân hàng bảo lãnh cho lời cam kết của mình ví dụ như Movenpick Cam Ranh”, ông Hưng đánh giá.
Theo ông Hưng, để hạn chế rủi ro khi đầu tư, kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng các nhà đầu tư cần phân tích phương án khai thác của chủ đầu tư (hệ số phòng bán, tỷ lệ điền đầy, nguồn khách từ đâu, chi phí vận hành…). Thương hiệu của nhà quản lý cũng như các cam kết của chủ đầu tư là một yếu tố cần thiết nhưng thường chỉ được trong thời gian ban đầu. Vì vậy khi quyết định đầu tư vào một sản phẩm, nhà đầu tư cần có sự phân tích của riêng mình hoặc có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn.
Ông Hưng chia sẻ thêm: “Muốn đầu tư loại hình nào, khách hàng cần xác định loại hình đầu tư BĐS để khai thác hoạt động hay đầu tư tài chính thuần túy. Nếu đầu tư BĐS theo mục đích thu lợi nhuận từ việc tăng giá (tức là đầu tư tài chính thuần túy) thì phải phân tích theo từng dự án cụ thể và mỗi sản phẩm sẽ có những ưu thế cũng như rủi ro nhất định.
Ví dụ như biệt thự và liền kề sẽ có khả năng tăng giá trong tương lai nhưng thanh khoản lại thấp mà tổng mức đầu tư lại cao. Căn hộ chung cư giá rẻ sẽ có mức đầu tư thấp và thanh khoản tốt nhưng lợi nhuận biên lại hạn chế.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung và TS. Trần Ngọc Quang (Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam), một khi lựa chọn đầu tư vào BĐS, nhà đầu tư phải xác định đó là đầu tư dài hạn.
Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS cho rằng, mặc dù đầu tư BĐS thu được lợi nhuận tương đối lớn, tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp BĐS phải rút ra bài học của thị trường BĐS trong quá khứ để phát triển bền vững. Muốn thực hiện được điều đó, các doanh nghiệp nên đi đúng lộ trình, lựa chọn những dự án phù hợp với năng lực của mình cũng như phù hợp với dòng sản phẩm mà doanh nghiệp theo đuổi, không nên chỉ vì một cơ hội mà lựa chọn những dự án vượt quá so với nguồn lực thực tế.