Lực đẩy phát triển cho thị trường BĐS Việt Nam 2017
Theo nhận định của giới chuyên gia ngành BĐS, thị trường BĐS đã phục hồi mạnh mẽ và năm 2017 vẫn sẽ phát triển tiếp đà phục hồi đó với nhiều động lực.
Tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Thị trường BĐS năm 2017: Xu hướng và Dự báo” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 24/11 vừa qua, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, có 3 yếu tố sẽ tạo lực đẩy cho thị trường BĐS năm 2017.
Thứ nhất, kinh tế phát triển ổn định, năm 2017 được dự báo là phát triển kinh tế tốt hơn 2015, 2016.
Thứ 2, các yếu tố liên quan của thị trường BĐS đều đang có triển vọng rất tốt. Nợ xấu tiếp tục được xử lý rốt ráo, nguồn vốn trong dân bắt đầu mong muốn tham gia vào thị trường BĐS.
Yếu tố thứ 3 nằm ở chính sách và các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, định hướng, hỗ trợ thị trường BĐS Việt Nam. PGS.TS Trần Kim Chung nhấn mạnh: “Quản lý nhà nước hướng tới minh bạch, ổn định, dự báo giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng yên tâm đầu tư vào thị trường BĐS. Ngoài ra, tình hình thế giới, xu thế không có những đột biến hay bùng nổ mà chỉ là điều chỉnh để định hướng chính sách, chứ không có những bất cập ngoài dự kiến. Hơn nữa Việt Nam vẫn nằm trong khu vực phát triển ổn định, không có những xung đột tiềm ẩn”.
Do đó, PGS. TS Trần Kim Chung cho rằng, với những chính sách điều tiết hợp lý của nhà quản lý thời gian qua, thị trường BĐS đã bước qua thời kỳ khủng hoảng nhất và đang tiếp tục có dấu hiệu tốt lên trong năm 2017.
Tuy nhiên, một trong những lo ngại hiện nay đó là tình trạng sụt giảm lượng vốn đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ dẫn đến nguồn cung phân khúc này giảm rõ rệt trong năm 2016. Không ít ý kiến lo ngại, bong bóng BĐS có thể “tái hiện” khi các nhà đầu tư quá tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp.
Nhà giá rẻ “lên ngôi”
Về thực trạng này, TS. Trần Ngọc Quang - Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Trên thực tế, hiện nay có nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc cao cấp. Điều này tạo ra số lượng sản phẩm trong phân khúc này hiện nay đang quá lớn, vượt xa so với nhu cầu của thị trường (khoảng 65 – 70% nhu cầu của thị trường là ở phân khúc trung cấp), điều này là một trong những thách thức của thị trường BĐS mà chúng ta đang gặp phải”.
Thực trạng này cũng khiến những người có nhu cầu ở thực nhưng thu nhập thấp lo ngại các nhà đầu tư chỉ muốn tập trung vào phân khúc BĐS cao cấp vì lợi nhuận cao mà bỏ quên phân khúc nhà ở giá rẻ. Về điều này, thiết nghĩ thị trường sẽ phải tự điều tiết, đặc biệt khi nguồn cung phân khúc phát triển ồ ạt, các doanh nghiệp địa ốc bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, nhà đầu tư BĐS cao cấp cũng phải căn cứ vào tình hình này để tạo ra hướng đi khác biệt mới chinh phục được các “thượng đế” khó tính.
Theo ông Quang, trong giai đoạn 2016, việc các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc nhà ở trung bình và giá rẻ có giảm, điều đó là thực tế nhưng theo góc nhìn của vị chuyên gia này, các nhà đầu tư trong những năm tới sẽ không bỏ cuộc với phân khúc này bởi đó là phân khúc đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người dân. Tuy nhiên trong năm 2017, phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ có cơ hội là phân khúc mạnh của thị trường.
Vị Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lý giải rằng, nhu cầu của thị trường đối với phân khúc này chiếm khoảng 65 – 70%. Trong giai đoạn 2015 – 2016, các sản phẩm cao cấp đang ra quá nhiều, vượt quá sức cầu của thị trường thì chắc chắn các chủ đầu tư lớn cũng sẽ tìm hiểu đến phân khúc đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận khách hàng. Khi các chủ đầu tư lớn đầu tư vào phân khúc này chắc chắn sẽ giúp cho phân khúc này phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Quang, Nhà nước đã tạo điều kiện cho phân khúc này phát triển bằng cách ban hành các chính sách, cơ chế về tín dụng, các quy định pháp luật trong luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS và các thông tư nghị định kèm theo. Hiện nay nhà nước đang tiếp tục có những quy định hướng dẫn để triển khai thực hiện định hướng này.
Điều này chứng tỏ nhà nước trong năm qua đã có định hướng phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, sự tác động của định hướng Nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp, cũng sẽ hướng tới hỗ trợ cho việc phát triển phân khúc này.
Mặt khác, nhà ở cho công nhân trong các KCN hiện nay đang là một vấn đề rất là cấp bách khi có hơn 300 KCN trong đó hơn 200 KCN đang hoạt động rất mạnh mẽ với khoảng hơn 3 triệu công nhân.
Việc có nhiều KCN hoạt động trên địa bàn cả nước đã tạo ra một nhu cầu vô cùng lớn về nhà ở giá rẻ. Do đó, phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng để đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân lao động trong các KCN và là mục tiêu quan trọng của Nhà nước đang tập trung hướng tới.
“Chính vì vậy trong những năm tới, tôi cho rằng phân khúc này sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trên thị trường và các doanh nghiệp, với kinh nghiệm đầu tư của mình sẽ áp dụng những công nghệ mới, thông minh để làm hạ giá thành sản phẩm”, ông Quang khẳng định.