Đầu tiên phải nhắc tới dự án Palm City quận 2 với tổng diện tích 30,2 ha do liên doanh chủ đầu tư là công ty Keppel Land hợp tác với công ty Tiến Phước và công ty Trần Thái phát triển. Đây là quỹ đất có vị trí đẹp ngay đầu vào cao tốc TP.HCM Long Thành và nối vào khu Thủ Thiêm quận 2 để kết nối vào quận 1, bao quanh dự án là nhánh sông Sài Gòn.
Để có được quỹ đất này, năm 2014, Keppel Việt Nam cùng Tiến Phước thực hiện xây dựng 1.886 căn hộ và khu công viên cây xanh tại khu 17,3 ha ở phường Bình Khánh và phường An Phú quận 2. Sau khi hoàn thành dự án, cuối năm 2016 liên doanh nhà thầu này đã được TP.HCM cấp đất đồng thời tiến hành triển khai xây dựng hạ tầng giao thông, san lấp mặt bằng để thực hiện xây dựng dự án. Công trình có nhiều phân khu như khu nhà ở thấp tầng trên diện tích 3 ha gồm 135 căn hộ nhà liền kề, khu căn hộ cao tầng với diện tích 9,3 ha gồm 3.700 căn hộ, khu nhà căn hộ Heights với tổng số 816 căn hộ, diện tích khu thương mại 1,8 ha và trường học là 3 ha.
Ngoài ra, một đơn vị khác cũng đang được cho là sở hữu diện tích đất BT khá lớn và có kế hoạch phát triển dự án bất động sản năm nay đó là công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam. Được biết, mới đây Trung Nam đã bỏ ra 10.000 tỷ đồng xây dựng dự án giải quyết ngập do triều cường tại khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), đổi lại TP.HCM sẽ chi trả cho công ty này 84% là tiền mặt và 16% là đất để công ty phát triển dự án bất động sản.
Theo lãnh đạo Trung Nam, hiện nay công ty đã được chi trả hai quỹ đất tại quận 7 và quận 9, đồng thời công ty đang tìm kiếm thêm những quỹ đất phù hợp để thành phố chi trả.
“Chúng tôi đã từng phát triển những dự án bất động sản lớn tại Đà Nẵng, với việc được cấp những quỹ đất đẹp và rộng tại TP.HCM thì công ty sẽ sớm tiến hành xây dựng dự án bất động sản để thu hồi lại vốn bỏ ra khi thực hiện xây dựng dự án BT cho TP.HCM”, ông Nguyễn Tâm Tiến, Phó tổng Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết.
Một đơn vị khác cũng được đánh giá là có quỹ đất BT nhiều tại TP.HCM và sẽ “bung lụa” những quỹ đất này thành dự án bất động sản đó là công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt. Công ty này vốn được biết đến với điểm mạnh là phát triển các dự án hạ tầng cho TP.HCM để đổi lấy quỹ đất phát triển các dự án bất động sản. Trong đó dự án Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng đã được hoàn thành và TP.HCM đã có quyết định giao cho Phát Đạt quỹ đất tại khu đất số 257 Trần Hưng Đạo và khu đất số 3-3Bis Phan Văn Đạt. Dự kiến doanh nghiệp sẽ khởi công dự án vào quý I/2018.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng được đơn vị này hoàn thành việc phê duyệt các quỹ đất để thanh toán Hợp đồng BT và dự kiến khởi công dự án vào quý II//2018. Gần đây nhất, Phát Đạt công bố đã được TP.HCM phê duyệt chủ trương cho nghiên cứu, đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 kết nối quận 7 với Khu đô thị Sala (quận 2) với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng và các dự án BT trọng điểm để đổi hạ tầng lấy quỹ đất.
Chưa kể, Phát Đạt đã có khá nhiều quỹ đất BT có được trước đó với diện tích 112.585m2 tại quận 7, công ty đã phát triển dự án vào năm 2016 và năm 2017 đã bán quỹ đất này để lấy tiền trả nợ cho ngân hàng Đông Á.
Ngoài ra, nhiều công ty cũng cho biết sẽ phát triển những dự án mới từ quỹ đất BT như Công ty Cổ phần địa ốc HimLam Land, Công ty Cổ phần Đức Khải, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Cát Linh, Công ty Đại Quang Minh… cũng đang có những quỹ đất BT lớn và ý định phát triển dự án trong năm 2018.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng với chính sách phát triển "đôi bên cùng có lợi" như TP.HCM đang áp dụng một cách mạnh mẽ như thế, kết hợp với quyết định về việc thực hiện hình thức đầu tư BT của Thủ tướng Chính phủ, sẽ là những cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư muốn phát triển dự án bất động sản. Bên cạnh đó cũng tạo ra cho doanh nghiệp một lợi thế mới trong việc phát triển dự án bất động sản từ quỹ đất BT có được, mà thành phố cũng có lợi.