Aa

TP.HCM: Dự án BT phải đảm bảo công khai, minh bạch

Thứ Tư, 29/11/2017 - 06:00

UBND TP.HCM vừa có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương hướng thực hiện đầu tư và quy trình triển khai các bước thực hiện các dự án BT.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, văn bản này nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tại TP.HCM hiện nay.

Nhiều dự án BT tại TP.HCM đang thiếu minh bạch

Nhiều dự án BT tại TP.HCM đang thiếu minh bạch.

Đồng thời, UBND TP cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương hướng thực hiện đầu tư và quy trình triển khai các bước thực hiện các dự án BT; tăng cường phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong triển khai dự án; giám sát quá trình thực hiện dự án; rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng danh mục quỹ đất để công bố công khai làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng BT các dự án; xây dựng phương án tạo quỹ đất sạch, cơ chế quản lý, tạo vốn từ quỹ đất để đầu tư phát triển; nghiên cứu khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng không gian ngầm của TP; tăng cường quản lý và sử dụng đất, đổi mới chỉ đạo điều hành và quản lý các nguồn thu về đất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính thu được từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP; cải thiện môi trường đầu tư khi giao đất, giao mặt bằng cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Sở Tài chính sẽ đa dạng hóa phương thức thanh toán Hợp đồng BT dự án; khai thác quỹ đất dọc tuyến dự án; điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch để tăng giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất; khai thác quảng cáo, thương mại các công trình khác... trong phạm vi công trình dự án; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước quản lý, sử dụng; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc các hình thức ưu đãi khác về đầu tư đối với các dự án khó có khả năng thu lợi nhuận.

Các Sở quản lý chuyên ngành liên quan cần công khai quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án trọng điểm để giới thiệu, kêu gọi đầu tư.

UBND TP cũng yêu cầu việc triển khai dự án theo hình thức Hợp đồng BT trong thời gian tới cần tăng cường lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi, hạn chế tối đa việc chỉ định nhà đầu tư; đồng thời tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin, tham gia đầu tư và triển khai dự án.

Cũng theo ông Hoan, chỉ đạo này của UBND TP đã được cân nhắc khá kỹ càng, trong đó, vào tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định tạm dừng các dự án BT đang thảo luận đàm phán để chờ quy trình mới, trừ các dự án đã có chỉ đạo của Chính phủ.

Sau đó giao Sở Kế hoạch Đầu tư làm việc với các doanh nghiệp để thông tin rõ ràng, chậm lại chút để sau này dễ dàng trong quản lý mà vẫn đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

“Hình thức đầu tư BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mãnh đất đắc địa hoặc những diện tích đất rộng lớn của địa phương. Nhưng trong bối cảnh ngân sách TP.HCM hạn hẹp, BT từng được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng, giao thông cho đô thị lớn nhất cả nước. Hình thức mà thành phố thường sử dụng là đổi đất lấy hạ tầng, tức là dùng một khu đất "sạch" để đổi lấy dự án hạ tầng mà nhà đầu tư đã xây dựng”, ông Hoan nói.

Được biết, TP.HCM từng triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông theo hình thức này, trong đó nhiều dự án có vốn lên đến cả chục nghìn tỷ đồng. Các công trình đã hoàn thành như: cầu Sài Gòn 2 (gần 1.500 tỷ đồng), đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng, 495 triệu USD), đường kết nối vào cầu Phú Mỹ (hơn 1.440 tỷ đồng)...

Một số dự án đang thi công như xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm (12.000 tỷ đồng) do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gần 10.000 tỷ đồng), cầu Thủ Thiêm 2 (3.100 tỷ đồng)…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top