Aa

“Năm 2019, áp lực lên lãi suất và tỷ giá sẽ giảm thiểu”

Chủ Nhật, 23/12/2018 - 14:01

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2018, cùng một số dự báo cơ bản cho năm 2019.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, cung tiền và tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, cung tiền và tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.

Báo cáo trên cho biết, trong năm 2018, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (M2) và tín dụng đều có xu hướng giảm.

Đến cuối năm 2018, M2/GDP ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012-2016. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14 - 15%, thấp hơn 3 - 4 điểm phần trăm so với năm 2017. Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%. Hệ số chênh lệch tín dụng/GDP tăng 1,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015.

Với diễn biến trên, cung tiền và tín dụng cho thấy đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.

Cũng theo báo cáo, trong năm 2018, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn được đảm bảo mặc dù kém dồi dào hơn vào cuối năm. Nguồn vốn huy động toàn hệ thống ước tăng tương đương năm 2017; hệ số cho vay so với huy động (LDR) khoảng 87,5% (năm 2017: 87,8%).

Trong nửa đầu năm 2018, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng khá dồi dào do được hỗ trợ từ việc Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2018, thanh khoản kém dồi dào hơn chủ yếu do áp lực từ phía tỷ giá và nhu cầu về vốn cuối năm tăng cao.

Lãi suất trên thị trường tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế và cá nhân tăng. Lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91%/năm (năm 2017: 8,86%).

Theo Ủy ban Giám sát, lãi suất có xu hướng tăng chủ yếu do kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động, và do các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong năm 2019 như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel 2.

Nhưng năm 2019, báo cáo trên đưa ra dự báo, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều; cùng đó, đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.

Về tỷ giá, trong năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, xét yếu tố quốc tế, chỉ số USD index tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018; xét yếu tố cơ bản trong nước, tỷ giá vẫn chịu áp lực từ phía lạm phát song lại được hỗ trợ tích cực từ phía cân đối cung cầu ngoại tệ.

Năm 2019, Ủy ban dự báo, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo.

Cụ thể, khả năng USD sẽ không tăng nhiều thậm chí có thể suy yếu hơn; lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top