Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới công bố, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng so với cùng kỳ. Góp vốn mua cổ phần tuy vẫn giảm song mức giảm đã cải thiện rất nhiều so với các tháng trước. Cụ thể, có 1.738 dự án mới được cấ giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD (tăng 4,1% so với cùng kỳ); Có 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD (tăng 40,5% so với cùng kỳ); Có 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 38,2%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 6,9 tỷ USD (giảm 7,7% so với cùng kỳ).
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là ngành sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỷ USD.
Tính lũy kế đến ngày 20/12/2021, cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 241,9 tỷ USD, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư. Kinh doanh bất động sản xếp thứ 2 với gần 61,8 tỷ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư).
Hiện có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 74,7 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với gần 64,4 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.
Vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 49,5 tỷ USD (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 37,2 tỷ USD (chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với trên 37 tỷ USD (chiếm gần 9,1% tổng vốn đầu tư).
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, vốn đầu tư nước ngoài đang tích cực đổ vào đầu tư tại Việt Nam bởi Việt Nam có nhiều yếu tố vẫn duy trì được sức hút với các nhà đầu tư FDI. Đó là quy mô dân số lớn và số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện ở nhóm thấp nhất Đông Nam Á, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thị thực.
Mặt khác, so với các nước trên thế giới, giá đất ở Việt Nam vẫn còn tương đối rẻ, nhờ đó các nhà đầu tư có thể cân đối chi phí để gia tăng hiệu quả đầu tư. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thu hút đầu tư.
Ngoài ra, vị trí địa lý đắc địa, môi trường chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục và việc liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự không chế thành công Covid-19 của Việt Nam là những điểm cộng lớn để thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.
Hơn nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI công nghệ cao trong xu hướng tăng cường dịch chuyển đầu tư, tái cơ cấu và tái định vị các cơ sở sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Với phương châm mở cửa để đón dòng vốn vừa thận trọng vừa một cách cởi mở, do đó, Việt Nam trở thành vị trí lựa chọn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với lĩnh vực bất động sản, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, vốn đầu tư trên thị trường bất động sản sẽ hội tụ và gia tăng ở phân khúc bất động sản công nghiệp, bao gồm hạ tầng khu công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng, logistics... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam lúc này cần có sự chuẩn bị để đón đầu cơ hội. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thời gian tới kỳ vọng sẽ có sự đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài. Trên thực tế, các mô hình mới về khu công nghiệp gắn liền với phát triển đô thị và dịch vụ cũng đang dần hình thành.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ cho các đối tượng nhà đầu tư nước ngoài và khách quốc tế. Những dự án phát triển hạ tầng du lịch có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng cung ứng dịch vụ, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững,… dự báo sẽ thu hút đầu tư rất lớn trong thời gian tới. Nhất là khi, ngành du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam nhiều khả năng sẽ hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác do đạt được yếu tố an toàn nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, hơn nữa lại có khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, để có thể giữ chân được các nhà đầu tư, cần thường xuyên bám sát tình hình thị trường, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19, đưa ra những giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cắt giảm chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại giá rẻ, kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận, trước bối cảnh nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế khi ngân hàng tiếp tục động thái siết tín dụng, dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời và đắt giá cho các chủ đầu tư phát triển dự án. Song, để dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thì quá trình thu hút FDI cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lựa, có tính toán và phù hợp với quy hoạch.
“Cần tạo ra “bộ lọc” các nhà đầu tư và các dự án FDI bắng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, về thiết kế, dự toán, về khả năng xây dựng và quản lý các dự án để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, có thực lực, có khả năng kết nối thị trường du lịch, bất động sản quốc tế để đưa thị trường bất động sản Việt Nam lên tầm cao mới, kết nối và liên thông với cộng đồng quốc tế”. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay./.