Thị trường năm 2023 còn nhiều thách thức
Bước vào quý cuối cùng của năm 2022, thị trường bất động sản vẫn bao trùm không khí ảm đạm, chưa có được tia sáng nào như mong đợi. Nhiều nhà đầu tư muốn bán cắt lỗ vì không thể “chôn” vốn một chỗ rồi gánh nợ ngân hàng. Nhiều môi giới đều “khát” hợp đồng giao dịch, không có nguồn thu cũng đành bỏ nghề để tìm công việc khác. Thực tế, vẫn có những phân khúc như nhà ở căn hộ chung cư đang rất thu hút sự quan tâm của những người có nhu cầu ở thực, tuy nhiên do thiếu nguồn cung nên giá cũng đã neo cao.
Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhận định, năm 2023 là một năm vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động như lạm phát tăng cao, giá dầu tăng, các nền kinh tế lớn đưa ra thêm nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm siết chặt tiền tệ.
Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo bước sang năm 2023, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, “bóng ma” suy thoái vẫn còn, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia.
Về thị trường tài chính, giai đoạn dòng tiền “dễ” đã hết, hiện giờ là giai đoạn dòng tiền “khó”, dòng tiền chậm trễ.
Có thể nhìn nhận về một năm 2023 khá khó khăn về kinh tế. Thị trường tài chính còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vấn đề nợ của nhiều nước, vấn đề dịch chuyển dòng vốn khỏi các nơi rủi ro cao, hay các nền kinh tế đang phát triển. Trong giai đoạn khó khăn, tiền mặt được ví là “vua”, sự quan tâm đến thanh khoản, đến dòng tiền, đến tiền mặt ngày càng lớn.
Bối cảnh trong nước, Nhà nước ta vẫn tiếp tục duy trì các động thái siết chặt phát hành trái phiếu và tín dụng bất động sản, các kênh huy động vốn đều bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với các chi phí, nguyên vật liệu xây dựng dự kiến tiếp tục leo thang. Giá bán sơ cấp tăng liên tục, vượt qua khỏi khả năng phần lớn người mua có nhu cầu thực.
Vấn đề về thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện các dự án còn có nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Việc sửa đổi các luật thuế, đất đai, nhà ở, luật kinh doanh bất động sản đều có tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh và thị trường, nhất là trong ngắn hạn.
Chuyên giá Võ Trí Thành cũng cho biết thêm, trước tình hình này, hầu hết các nhà đầu tư chỉ có tâm thế thăm dò thị trường, quan tâm đến nơi trú ẩn an toàn.
Đối với những nhà đầu tư có sẵn vốn tích luỹ đều loay hoay tìm “bến đỗ” sinh lời an toàn. Chị N.T. Xuân (44 tuổi - Hà Nội) cho biết: “Số tiền tôi dành dụm để đầu tư đất ngoại thành, nhưng giờ thấy thị trường biến động nhiều quá, tôi dừng lại nghe ngóng để có được phương án chắc chắn nhất. Tôi cũng đã tính đến phương án gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua vàng. Thế nhưng, gửi ngân hàng thì chẳng hy vọng vào tỉ suất sinh lời, còn vàng thì cũng nhiều biến động quá! Cuối cùng tôi vẫn chọn chờ thị trường bất động sản ổn định để có được chỗ “xuống tiền” an toàn nhất”.
Bất động sản tiếp tục thu hút vốn đầu tư
Thị trường bất động sản tiếp tục có hy vọng trong năm 2023. Sau nhiều chính sách siết chặt của Nhà nước, chúng ta cùng hy vọng vào một thị trường lành mạnh, minh bạch, chất lượng hơn.
Trong khó khăn vẫn có những điểm tích cực, giai đoạn căng thẳng áp lực trên thị trường tài chính sẽ giảm dần. Lạm phát trên thế giới được dự báo sẽ giảm dần theo thời gian của năm 2023. Mức độ thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất của một số nền kinh tế chủ chốt, mức tăng và tốc độ sẽ giảm dần không quá mạnh như vừa qua, áp lực sẽ đỡ hơn.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang duy trì được lạm phát trong tầm kiểm soát và đạt tăng trưởng kinh tế cao. Bên cạnh đó Nhà nước chú trọng đẩy mạnh đầu tư công, kể từ quý IV - 2022 đã có những tín hiệu mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá: “Năm nay, việc đầu tư công tuy còn chậm nhưng từ quý IV đã được đẩy mạnh hơn, dòng tiền đầu tư công lớn, tác động theo nghĩa dòng tiền đầu tư, cả theo nghĩa nền tảng phát triển cho thị trường bất động sản, đầu tư công rất nhiều cái vào hạ tầng”.
Khi hạ tầng phát triển, kéo theo nhiều yếu tố cùng đi lên, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong những năm tới, lượng khách nội địa vẫn sẽ được giữ vững và du khách nước ngoài vào Việt Nam được dự đoán sẽ khởi sắc so với năm nay. Vấn đề tiêu dùng, kinh doanh trên bất động sản, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có những sự cải thiện rõ rệt.
Sự phát triển cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên sức hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài được coi là điểm sáng, là nguồn lực vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và cho thị trường bất động sản nói riêng.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến đầu tháng 10 năm 2022, giải ngân vốn FDI đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với trên 3,87 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Bước sang năm 2023, Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục là điểm đến rất hấp dẫn của dòng vốn FDI, dòng tiền sẽ tăng cả về cam kết và giải ngân.
Sự kỳ vọng về kinh tế Việt Nam sẽ có những bước phát triển không ngừng với tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn. Với thị trường bất động sản, việc đầu tư hay kinh doanh trên tài sản bất động sản sẽ có những tín hiệu tích cực trong các phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, thị trường bán lẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu bất động sản nhà ở phân khúc bình dân vẫn có nhu cầu rất cao. Sự hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ thông qua chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các vấn đề phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội ngày càng được chú trọng.
Thêm một điểm tích cực cho trung và dài hạn, việc điều chỉnh pháp luật, hoàn thiện pháp luật, Luật Đất đai, luật liên quan đến xây dựng nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ là nền tảng thuận lợi hơn cho sự phát triển của thị trường.
Thị trường biến động tiềm ẩn nhiều rủi ro, thế nhưng đối với những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đó lại là thời cơ. Như câu nói của Warren Buffett: "Hãy biết sợ khi người khác đang tham lam và tham lam khi mọi người đang sợ hãi".
Khó khăn, thử thách là con dao hai lưỡi: đầy cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro. Điều này hoàn toàn là cơ hội cho những ai biết nắm bắt thời điểm tốt cùng với một phương pháp đầu tư đúng đắn./.