Aa

Năm 2024: Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, tiếp tục xử lý ngân hàng yếu kém

Thứ Hai, 16/10/2023 - 14:21

Năm 2024, Chính phủ đặt ra 15 chỉ tiêu, trong đó, tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%. Dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy, cần nỗ lực xử lý các vấn đề tồn đọng.

Chính phủ đặt mục tiêu GDP 6 - 6,5% trong năm 2024

Mục tiêu tăng trưởng là một trong những nội dung được thảo luận tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/10.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, dự kiến mục tiêu năm 2023 không đạt nhưng rà soát lại các phương án dự báo, GDP năm 2023 sẽ đạt khoảng 5%. Tuy không đạt được mục tiêu đề ra ở mức 6 - 6,5%, nhưng vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,9%, vì vậy, kết quả tăng trưởng của Việt Nam rất đáng khích lệ và trân trọng.

Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc quyết liệt. Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu, mà đặt quyết tâm thực hiện cao nhất các mục tiêu năm nay và đang tập trung chỉ đạo thực hiện.

Năm 2024, Chính phủ đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. (Ảnh: quochoi.vn)

Năm 2024, Chính phủ đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%…

Dự báo năm 2024, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023. Do vậy, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, động lực giải ngân vốn đầu tư công cũng được nhắc đến. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc giải ngân vốn đầu tư công mặc dù chưa đạt như mong đợi nhưng đã có cải thiện so với năm 2022. Đây là nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù đã có, tăng cường hoạt động của hội đồng vùng, cổ phần hóa và thoái vốn.

Trước việc một số bộ, ngành trung ương giải ngân chậm, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Chính phủ đưa ra thông tin công khai, làm rõ trách nhiệm liên quan, phân tích nguyên nhân, vướng mắc, bất cập để có hướng tháo gỡ phù hợp.

Đã làm rõ hai khuynh hướng trong vấn đề ban hành và thực thi chính sách, việc xử lý ngân hàng yếu kém rất khó khăn

Liên quan đến việc giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật của đơn vị sự nghiệp công lập, phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, báo cáo Chính phủ đã chỉ ra các cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện đầy đủ đồng bộ, nhiều văn bản đang chậm. 

Trong khi đó, doanh nghiệp đổi mới nhiều, bộ máy hành chính đổi mới nhiều nhưng khối đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều việc phải làm. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ và các cơ quan chú ý thêm về hoàn thiện thể chế pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 101/2023/QH15, trong đó có yêu cầu rà soát pháp luật trong 22 lĩnh vực và các ý kiến của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Thời gian qua, các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành rà soát và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp này và tại Kỳ họp thứ 6 tới sẽ báo cáo Quốc hội thảo luận về nội dung kết quả rà soát pháp luật. 

Trong đó, việc rà soát pháp luật đã làm rõ hai quan điểm đối với việc ban hành và thực thi pháp luật: thứ nhất, khi thực thi không thuận lợi, không làm được thì “đổ” cho pháp luật và khuynh hướng thứ hai, cho là luật đã ban hành đầy đủ, còn trục trặc là do khâu tổ chức thực hiện.

Kết quả bước đầu cho thấy pháp luật còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng số lượng ít; phần nhiều vẫn là các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng khẳng định, một số vấn đề về luật được các cơ quan nêu cơ bản sẽ được giải quyết trong các luật đã đưa vào chương trình, sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7. Đồng thời, lưu ý công tác rà soát pháp luật cần phải quán triệt cho tất cả các bộ, ngành, các cơ quan và đội ngũ thực thi pháp luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: quochoi.vn)

Liên quan đến việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, đây là vấn đề hết sức khó khăn, cần có thời gian.

Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cũng đã trình, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để tích cực xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn thì còn khó khăn hơn nữa. Do vậy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đến hết năm 2023 dự kiến còn một số chỉ tiêu, mục tiêu vẫn còn khoảng cách xa so với kế hoạch, nhiều khó khăn thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng, công tác dự báo còn nhiều hạn chế, việc ứng phó với tình hình cấp bách có lúc, có chỗ còn bị động, chưa kịp thời, việc kiểm soát thực hiện chính sách còn bất cập; việc huy động vốn đầu tư xã hội chưa đạt như kỳ vọng… Do đó, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, phân tích rõ nguyên nhân và nêu rõ giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top