Trước việc doanh nghiệp thiếu tiền nhưng dòng tiền trong nền kinh tế đang “đông cứng”, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, cách làm luẩn quẩn của chúng ta cho thấy việc quản lý chi tiêu ngân sách công chưa hiệu quả và không giải quyết được vấn đề thực sự của thị trường. Để giải quyết, rất cần những giải pháp mang tính đột phá về mặt tư duy chính sách.
Khi nền kinh tế thiếu tiền, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
PV: Trước khi đi vào câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ông có nhận xét gì về tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm?
Ông Phạm Xuân Hòe: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III/2023 tăng 5,33% và GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng GDP này còn khá khiêm tốn, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của 9 tháng các năm 2020 và 2021.
Điều này cũng có thể hiểu được trong bối cảnh chung của thế giới và trong nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) suy giảm 0,4%, tổng đầu tư xã hội thì chủ yếu đầu tư của nhà nước tăng trưởng, đầu tư FDI công bố cũng như giải ngân thực tế suy giảm.
Một điểm sáng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2023 ước tính xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước xuất siêu nhiều hơn khu vực FDI.
Đáng mừng hơn, trong bối cảnh khó khăn nhưng tổng mức tiêu dùng của nền kinh tế vẫn trên 10%, đạt mức tăng trưởng thực dương (khoảng 7%) sau khi trừ lạm phát. Tuy nhiên, lực lượng lao động mất việc làm khá lớn, gây khó khăn cho việc tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế.
Các vấn đề tổng quát như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá, trong năm nay có khoảng 10 chỉ tiêu mà Việt Nam sẽ rất khó khăn để thực hiện. Đây cũng là điều cần phải được nhìn nhận thấu đáo, trong đó quan trọng là các kênh tiếp cận vốn của nền kinh tế còn hạn chế.
Nhận định sơ bộ về nền kinh tế để thấy sẽ có nhiều mục tiêu khó đạt được trong năm 2023. Đây cũng là vấn đề cần được tiếp cận thấu đáo, cũng như những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, liên quan rất lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô. Có thể nói, nền kinh tế chúng ta đang thiếu tiền.
PV: Nền kinh tế thiếu tiền, doanh nghiệp thiếu tiền vì rất khó tiếp cận vốn, cụ thể thế nào thưa ông?
Ông Phạm Xuân Hòe: Có ba kênh chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn nhưng đều đang tắc nghẽn.
Trước hết, doanh nghiệp trông chờ vào tín dụng ngân hàng. Nhưng nhìn vào tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế đến hết tháng 6/2023 là 14,7 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,7%, rõ ràng nền kinh tế của chúng ta đang thiếu một lượng tiền lớn cần được bơm ra. Bởi theo nguyên lý tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2 (bao gồm tiền mặt, các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có thể rút theo yêu cầu; các khoản tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán thị trường tiền tệ, quỹ tương hỗ và tiền gửi có kỳ hạn khác), phải bằng lạm phát cộng tăng trưởng kinh tế, năm 2023 dự kiến lạm phát 4%, tăng trưởng GDP 6,5% thì M2 cần tăng là 10,5%. Gần nhất cuối tháng 7/2023, M2 mới tăng 2,91% cho thấy nền kinh tế đang thiếu tiền nghiêm trọng.
Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng thương mại huy động được 12,57 triệu tỷ đồng, tăng 4,2%, đến hết tháng 8 thì con số này xấp xỉ 5%. Tín dụng đến ngày 29/8 tăng trưởng 5,33% so với cuối năm 2022, là một trong những kỷ lục thấp của nhiều năm qua. Rõ ràng tiền không ra được nền kinh tế.
Nền kinh tế thiếu tiền biểu hiện ở chỗ các doanh nghiệp nợ lòng vòng lẫn nhau, nhất là những doanh nghiệp trong ngành xây dựng, xây lắp. Mặc dù công trình đã thi công xong nhưng vẫn chưa được giải ngân để thanh toán các chi phí, thậm chí nợ cả khoản chi không lớn cho quảng cáo của báo chí.
Kênh tiền ra thứ hai được cung ra là gần 1 triệu tỷ đồng ngân sách chi tiêu theo đầu tư công, chi tiêu theo các danh mục đã được phê duyệt như tăng lương, phụ cấp xã hội, các chương trình được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, nguồn tiền này vẫn đang nằm ở Ngân hàng Nhà nước gần 900.000 tỷ đồng.
Thứ ba, doanh nghiệp có thể huy động từ thị trường vốn. 8 tháng năm 2023, vốn hóa của thị trường đạt 8,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18,2% (theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), giúp cho những doanh nghiệp đã niêm yết có thêm nguồn vốn. Mặc dù vậy, thị trường trái phiếu nằm trong thị trường vốn này vẫn còn khá khiêm tốn.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 160.000 tỷ đồng, trong đó gần 140.000 tỷ đồng phát hành riêng lẻ, chủ yếu ở ngành ngân hàng và nhóm bất động sản, doanh nghiệp đã niêm yết. Còn lại, trong bối cảnh niềm tin suy giảm, những doanh nghiệp chưa có tên tuổi rất khó phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang giảm giá, dẫn đến tài sản đảm bảo giảm giá sau khi định giá lại, các doanh nghiệp rất khó khăn trong câu chuyện tiếp cận vốn, vì không đáp ứng được tài sản thế chấp, điểm tín dụng tốt.
PV: Trong khi đó, dư luận, thị trường vẫn đang nóng lên với thông tin doanh nghiệp lại khát vốn trong khi ngân hàng thừa tiền?
Ông Phạm Xuân Hòe: Đầu tiên chúng ta phải thấy, tổng nguồn vốn tính đến 30/6/2023 mà các ngân hàng huy động được chưa đến 13 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4% và đến tháng 8 là xấp xỉ 5%, chủ yếu là vốn từ người dân, trong khi tín dụng tăng khoảng 5,33%, dù là mức thấp thì vẫn cao hơn so với nguồn vốn.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại còn có thể bán trái phiếu và đi vay các tổ chức quốc tế về chuyển thành VND để cho vay, hoặc nếu Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại, thì họ có thể cho vay nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong thực tế.
Vì vậy, nói hệ thống ngân hàng “thừa tiền” chưa hoàn toàn chính xác, mà đó là tiền dôi dư vốn khả dụng trong thời gian ngắn. Nghĩa là các ngân hàng thương mại sẽ có một tài khoản ở Ngân hàng Nhà nước để dự trữ bắt buộc theo tỷ lệ quy định, phần vượt lên trên mức dự trữ bình quân gọi là phần dôi dư vốn khả dụng. Nhưng điều này chỉ xảy ra đối với một số ngân hàng thương mại lớn, còn các ngân hàng thương mại nhỏ thì đang thiếu vốn và vẫn huy động lãi suất cao để bù đắp lại thanh khoản.
Mặt khác, cũng không thể nói ngân hàng thừa tiền vì đồng tiền là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất trong tất cả các loại tài sản và người kinh doanh tiền tệ cực kỳ thông minh. Nếu tiền không cho vay ra được thì họ sẽ mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu Kho bạc Nhà nước và tiền lại quay về “nằm yên” ở Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của chúng tôi, có 26 quỹ bảo lãnh địa phương đang nắm giữ 1.528 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh khoảng hơn 3 năm qua khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng số dư bảo lãnh chỉ còn vài chục tỷ đồng vì tiền quay về gửi ngân hàng hưởng lãi để bảo toàn vốn.
Bên cạnh đó, chúng ta có khá nhiều Quỹ tài chính ngoài ngân sách như Quỹ hỗ trợ về khoa học công nghệ; Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao… nhưng các quỹ này cũng vướng về chính sách cho vay nên doanh nghiệp tiếp cận thường có bảo lãnh ngân hàng hoặc ủy thác qua ngân hàng. Số vốn dôi dư lại đem gửi ngân hàng lấy lãi, không đạt được kỳ vọng.
Khi các quỹ hỗ trợ không phát huy được tác dụng thì cuối cùng các doanh nghiệp vẫn phải nhìn vào hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, sau những khó khăn quá lớn do Covid-19, họ đã chuyển sang bán hết những tài sản có thể bán được để duy trì sự tồn tại. Khi không còn tài sản thế chấp thì không thể vay mượn, vì nền tảng thể chế của chúng ta chỉ cho vay dựa trên tài sản thế chấp.
Cách làm luẩn quẩn của chúng ta cho thấy việc quản lý chi tiêu ngân sách công chưa hiệu quả và không giải quyết được vấn đề thực sự của thị trường.
Cần chấm dứt vòng luẩn quẩn của việc quản lý chi tiêu ngân sách công
PV: Vâng, các ngân hàng cũng có cái khó của họ?
Ông Phạm Xuân Hòe: Doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hay tài sản giảm giá trị, dòng tiền xuống, bảng cân đối thể hiện lỗ, chấm điểm xếp hạng tín nhiệm sa sút, thì ngân hàng không dám cho vay. Nhưng cái khó của các ngân hàng là quy định doanh nghiệp muốn vay phải có tài sản đảm bảo, nếu không có mà ngân hàng vẫn cho vay, dẫn đến nếu mất vốn mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy thì doanh nghiệp khó vay vốn chủ yếu do thể chế hạ tầng tài chính chưa thông thoáng, làm cho dòng tiền “đông cứng” lại.
Tôi ví dụ, quyền tài sản là hoàn toàn có thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn, nhưng chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể, minh bạch nên đến nay vẫn chưa thực hiện được theo cách này.
PV: Theo ông, có thể làm gì để chấm dứt vòng luẩn quẩn khiến tiền không đẩy ra nền kinh tế, doanh nghiệp không tiếp cận được?
Ông Phạm Xuân Hòe: Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn thì điểm quan trọng nhất là thay đổi tư duy về mặt chính sách. Đó cũng là đột phá về thể chế, một trong ba đột phá chiến lược mà Chính phủ đặt ra.
Ví dụ các ngân hàng thương mại có thể cho phép thế chấp quyền tài sản để vay. Theo kinh nghiệm của tôi, các nước có cho vay theo dòng tiền. Nghĩa là nếu dự án được đánh giá có hiệu quả, thì vẫn cho vay và quản lý chặt chẽ dòng tiền đó.
Ở các nước, họ cũng dành nguồn ngân sách lớn lập quỹ bảo lãnh tín dụng và bình đẳng giữa các đối tượng. Hằng năm, các nguồn ngân sách đều đưa qua quỹ để duy trì mức bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra còn dịch vụ đi kèm là bảo hiểm tín dụng, để bù đắp lại rủi ro của các quỹ bảo lãnh giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Thời điểm này rất cần bàn tay của Nhà nước, Chính phủ xử lý. Trong ngắn hạn, cần xem xét việc định giá lại tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp đang vay ngân hàng, vì nếu định giá lại tài sản (chủ yếu là bất động sản) thì giá trị sẽ tụt xuống, ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản thế chấp.
Một giải pháp cũng quan trọng là tạm thời giữ lại điểm tín dụng của doanh nghiệp ở thời điểm trước, để họ bớt đi khó khăn trước mắt và có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn. Đồng thời, với những doanh nghiệp đã làm đủ nghĩa vụ với ngân hàng, có tình hình tài chính lành mạnh sau khi đã để nợ quá hạn, nợ xấu tạm thời, ngân hàng có thể xem xét xóa thông tin về nợ xấu trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC).
Tất nhiên phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản giãn hoãn nợ, cho phép các ngân hàng thương mại “thư giãn” trong việc trích lập dự phòng rủi ro của năm 2023 và 2024, mỗi năm 50% (trước đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN yêu cầu trích lập dự phòng 100% trong năm 2024).
Trong trung và dài hạn, không còn con đường nào khác, Chính phủ phải thành lập một quỹ bảo lãnh tầm cỡ Trung ương, trích khoảng 20.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng không dùng hết (tính đến cuối tháng 8/2023 mới giải ngân được vỏn vẹn 1,5%, tương đương 590 tỷ đồng); sáp nhập tất cả các quỹ địa phương thành chi nhánh của Quỹ này.
Bên cạnh đó là thay thế Nghị định cũ về bảo lãnh tín dụng cập nhật theo thông lệ quốc tế. Đã là bảo lãnh tín dụng thì chủ yếu phải là tín chấp và bảo lãnh không hủy ngang thì doanh nghiệp với ngân hàng mới thực sự cần. Tôi tin là Quỹ bảo lãnh này sẽ giải quyết được vấn đề vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!