Aa

Nam A Bank tháo gỡ khó khăn về vốn cho SMEs

Thứ Sáu, 11/10/2019 - 10:25

Ông Trần Khải Hoàn – Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank đã nêu lên những khó khăn của SMEs khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như “bật mí” một số giải pháp giúp SMEs tháo gỡ vấn đề này.

Vừa qua, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức Hội thảo “Các trợ lực giúp doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số”. Tại đây, các chuyên gia đã đề cập đến rất nhiều khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) về sản xuất, kinh doanh, quản trị, tài chính… Trong đó, một trong những vướng mắc được nhiều chuyên gia và đại diện SMEs đề cập đến chính là vốn.

Với vai trò là khách mời tham gia thảo luận tại Hội thảo, ông Trần Khải Hoàn – Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank đã nêu lên những khó khăn của SMEs khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như “bật mí” một số giải pháp giúp SMEs tháo gỡ vấn đề này.

62% SMEs ở Việt Nam gặp khó về nguồn vốn

Đó là số liệu báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia vừa công bố. Theo đó, trong số các khó khăn lớn nhất của SMEs ở Việt Nam thì khó khăn về vốn được đặt lên cao nhất. Có 62% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó về nguồn vốn (chủ yếu là để đầu tư nhà xưởng, máy móc…), trong khi khó khăn về nguồn khách hàng đứng thứ 2 với 60%, khó khăn về nhà xưởng cũng có 55% người được khảo sát chỉ ra.

Hiện nay, các ngân hàng triển khai nhiều gói vay ưu đãi để SMEs mở rộng vốn sản xuất kinh doanh nhưng SMEs lại khó tiếp cận. Điều này tưởng chừng là nghịch lý nhưng thực tế, các thủ tục về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, sổ sách kế toán… khiến SMEs gặp rào cản trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Trần Khải Hoàn – Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank chia sẻ tại Hội thảo.

Lý giải vì sao SMEs khó tiếp cận vốn ngân hàng, ông Trần Khải Hoàn cho biết: Thứ nhất, DN chưa sẵn sàng hoặc chưa có chiến lược cụ thể về vốn vay, sử dụng vốn sao cho hiệu quả dù họ đã có chiến lược về khách hàng, sản phẩm. Đơn cử, nếu ngân hàng đề cập đến phương án vay vốn thì một số DN không trình bày được hoặc sử dụng sai mục đích; Thứ hai, tài sản đảm bảo của DN chưa sẵn sàng hoặc chưa hoàn thiện về vấn đề pháp lý. “Tôi từng gặp DN có nhà xưởng rộng lớn, đầu tư khoảng 10 tỉ đồng vào xây dựng nhà xưởng rồi đến tìm ngân hàng vay vốn. Nhưng khi nhân viên tín dụng hỏi về pháp lý của miếng đất xây nhà xưởng này mới biết là đất nông nghiệp thuê dài hạn, nhà xưởng xây xong chưa hoàn công… nên không thế chấp được. Ngoài ra, DN chỉ quan tâm tới tài sản thế chấp là bất động sản, trong khi một số tài sản khác có thể thế chấp như hợp đồng cung ứng sản xuất hàng hóa cho các đối tác là DN lớn, uy tín… lại rất ít DN quan tâm” - ông Hoàn dẫn chứng thêm.

Nhiều giải pháp giúp SMEs tiếp cận vốn ngân hàng

Hiểu được những vướng mắc của DN trong quá trình tiếp cận vốn, các ngân hàng đã không ngừng triển khai giải pháp giúp SMEs sớm tiếp cận nguồn vốn ổn định, linh hoạt.

Đơn cử, tại Nam A Bank, nhiều năm trở lại đây đã hoàn thiện cấp phát tín dụng, chuyển mình trong cơ cấu tổ chức để chuyên sâu hơn trong việc chăm sóc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Nam A Bank thành lập phòng DN chuyên biệt tại các điểm kinh doanh, trong đó có các nhân viên được trang bị kiến thức và kỹ năng sâu rộng để tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ SMEs mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Nam A Bank cũng đang triển khai nhiều gói sản phẩm giúp SMEs chủ động nguồn vốn trong kinh doanh. Trong đó, có hai gói sản phẩm nổi bật là “Tín dụng xanh” và gói JICA. Gói tín dụng xanh được cấp tín dụng bổ sung vốn theo nhu cầu với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 7,5%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn dành cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Gói tín dụng ưu đãi từ nguồn JICA với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm với nhiều tiện ích như ưu đãi lãi suất vay trung dài hạn mua máy móc thiết bị, đầu tư nhà xưởng, phương tiện vận tải; phương thức trả nợ linh hoạt cho SMEs có thể trả góp vốn định kỳ, trả nợ trước nhiều kỳ hoặc trả nợ trước hạn để giảm chi phí sử dụng vốn….

Mặc dù ngân hàng có nhiều giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhưng theo nhiều chuyên gia yếu tố tiên quyết vẫn nằm ở nội lực doanh nghiệp. Trao đổi thêm bên lề hội thảo, ông Hoàn chia sẻ: “Yếu tố nội lực của doanh nghiệp vẫn là yếu tố tiên quyết nhất để tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, DN cần nâng cao năng lực quản trị, hoạt động kinh doanh, cơ chế chính sách… Đặc biệt, với thời đại công nghệ 4.0 thì việc đầu tư cho công nghệ thông tin là những yếu tố làm thay đổi trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp mới có thể tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí hàng hóa, sản phẩm…” 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top