Aa

Nắm bắt những cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới

Thứ Hai, 24/03/2025 - 15:21

Bối cảnh mới đòi hỏi các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải nhận diện, phân tích, đánh giá và dự báo về những thách thức và cơ hội, để từ đó đưa ra chiến lược và các quyết định đầu tư, sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chuẩn bị cho sự khởi đầu kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, rất nhiều các giải pháp đột phá và mang tính cách mạng đã được Đảng, Nhà nước đề ra, gồm: tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, thành; cắt giảm điều kiện kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công…. Mở ra những không gian kinh tế, cơ hội đầu tư, kinh doanh chưa từng có trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Tuy nhiên, thách thức vẫn là rất lớn. Trên thế giới, chiến tranh thương mại đang lan rộng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn ra gay gắt… Với tỷ trọng thương mại quốc tế lớn, gần gấp đôi GDP, chính sách thương mại và cả tiền tệ của Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều biến số khó lường.

Bối cảnh mới đòi hỏi các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải nhận diện, phân tích, đánh giá và dự báo về những thách thức và cơ hội, để từ đó đưa ra chiến lược và các quyết định đầu tư, sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Bức tranh kinh tế Việt Nam

GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, năm 2025 có nhiều tín hiệu tích cực đối với kinh tế của nước ta:

Thứ nhất, cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và con người. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức để triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cuộc cách mạng cơ cấu bộ máy Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tổ chức xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta đã đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Hiện nay là thời điểm, thời cơ và là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Không thể chậm trễ hơn được nữa".

Nắm bắt những cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới- Ảnh 1.

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư)

Thứ hai, lợi thế về kinh tế, thương mại và đầu tư. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, các biện pháp trả đũa giữa Mỹ, EU và một số nước phương Tây với Nga, bầu cử tại nhiều nước năm 2024. Tại Mỹ, Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện, thắng lợi áp đảo của Tổng thống Donald Trump buộc nhiều nước lớn phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư. Điều này sẽ giúp mang lại các lợi thế tích cực về quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế của Việt Nam với nhiều nước lớn. Vị thế của nước ta trong ASEAN, Châu Á và thế giới nâng lên rõ rệt, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước đã nâng quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Thứ ba, đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Năm 2025 là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV vào đầu năm 2026, hướng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành nước công nghiệp hóa hiện đại có thu nhập cao vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Từ những yếu tố trên, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên, tạo đà tăng trưởng kinh tế của Kế hoạch 5 năm 2026 - 2030 ở mức 2 con số/năm. GS.TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh đây sẽ là những tín hiệu tích cực tạo cơ hội cho đầu tư phát triển trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại Hội thảo "Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới" mưới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cũng chỉ ra những điểm sáng kinh tế Việt Nam năm 2024. Theo chuyên gia, các động lực tăng trưởng phục hồi khá đồng đều: Cầu tiêu dùng phục hồi cả trong và ngoài nước, xuất khẩu tăng mạnh; đầu tư tư nhân phục hồi, FDI tăng khá, kiều hối tăng tích cực; quy hoạch, đầu tư công được thúc đẩy; dịch vụ (nhất là du lịch, lưu trú – ăn uống, logistics, tài chính – ngân hàng...) tăng khá; nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của CP...) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn; lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất duy trì ở mức thấp; tín dụng tăng khá; tỷ giá, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán tăng khá và bất động sản dần phục hồi.

Nắm bắt những cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới- Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư)

Đáng chú ý, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được quan tâm đẩy mạnh; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh (nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Singapore), cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng/sản xuất, đầu tư; đột phá về thể chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức – bộ máy (sớm hiệu lực hóa các Luật đất đai, nhà ở, Kinh doanh bất động sản...); hoạt động doanh nghiệp thuận lợi, lành mạnh, bền vững hơn.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nền kinh tế Việt Nam không thể tách rời khỏi những biến động của thế giới. Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, với dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho năm 2025 chỉ ở mức 2,7%. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 4,5%, thấp hơn mục tiêu 5% mà nước này đề ra. Trong khi đó, kinh tế Mỹ cũng đang có dấu hiệu chững lại với mức tăng trưởng chỉ khoảng 1,5%.

Ngoài ra, những rủi ro về địa chính trị, chiến tranh thương mại và xung đột công nghệ đang khiến triển vọng thương mại toàn cầu trở nên bất ổn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã giảm xuống còn 16%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chậm lại, chỉ tăng 12%.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư?

Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đang tiến hành Tổng kết Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân để đề ra định hướng và giải pháp nhằm đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 44/132, tăng 4 bậc so với năm 2022.

Chính phủ cũng đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên. Tăng cường kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phế liệu nhập khẩu; huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung; triển khai quyết liệt các chương trình hành động phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.

Nắm bắt những cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp tranh thủ cơ hội thuận lợi, ứng phó có hết quả với thách thức từ bên ngoài và từ trong nước, GS.TSKH. Nguyễn Mại đưa ra một số những gợi ý với nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trước hết, cần đổi mới công nghệ, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, chuyển nhanh sang kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), doanh nghiệp cần có quan điểm, nhận thức về việc chuyển sang kinh tế số, doanh nghiệp số, sản xuất và kinh doanh xanh là giải pháp quan trọng trong bối cảnh mới, bởi vì nếu không thay đổi mô hình tăng trưởng của mình thì không bảo đảm tạo ra lợi thế khai thác tiềm năng của từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo xu hướng mới lấy khoa học và công nghệ, nhân lực tạo ra năng suất và chất lượng cao, hiệu quả kinh tế của sản xuất, kinh doanh, thậm chí bị đào thải không nhưng trên thị trường thế giới, mà cả thị trường trong nước.

Thứ hai, điều chỉnh chiến lược kinh doanh và đầu tư. Từ cách tiếp cận mới, sửa đổi, bổ sung chiến lược kinh doanh trên cơ sở chuyển sang quản trị doanh nghiệp theo xu hướng số, AI, Blockchain, Fintech để đáp ứng với đòi hỏi của FTAs thế hệ mới trong hợp tác và đầu tư, tham gia có hiệu quả với các doanh nghiệp trong thương mại và đầu tư với đối tác nước ngoài, cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí phát thải hướng tới Net Zero vào năm 2050.

Thứ ba, chủ động tham gia chuỗi cung ứng. Chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách đổi mới công nghệ, sản xuất, kinh doanh thông minh đáp ứng đầy đủ tiêu chí của các doanh nghiệp FDI để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá, từng bước xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới.

Thứ tư, phát huy vai trò của hiệp hội nghề nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị căn cứ đường lối của Đảng, Quốc hội sớm ban hành Luật về Tổ chức xã hội, trong đó quy định hành lang pháp lý đối với Hiệp hội, ngành nghề làm căn cứ để từng Hiệp hội hình thành quan hệ hợp tác và phân công đối với từng loại hình doanh nghiệp, tạo thành hợp lực của từng cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Bàn về giải pháp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất; tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình, bộ máy; nắm bắt các xu hướng lớn: chuyển đổi kép "xanh hóa và số hóa" để xây dựng và nhất quán thực hiện chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ESG.

Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là từ đầu tư công và khu vực kinh tế tư nhân. Theo số liệu, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong năm 2025 là giải ngân đầu tư công. Hai tháng đầu năm, vốn đầu tư công giải ngân tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 900 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả vốn chuyển tiếp từ năm 2024). Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang được đẩy nhanh tiến độ, tạo sức lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa về thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon; nâng cao năng lực cạnh tranh (nhân lực, công nghệ, quản trị), gồm cả quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, tỷ giá, pháp lý; xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, phòng vệ thương mại...; vận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Singapore; nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị rủi ro của mình, đa dạng hóa, hạn chế tâm lý đám đông, tăng hiểu biết về vĩ mô, tình hình bên ngoài và nội tại, dùng dịch vụ trung gian có chuyên môn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top