Năm 2024, mặc dù chịu tác động cả trực tiếp và gián tiếp trước những bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu, song nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn (với tỷ lệ thương mại trên GDP đạt gần 200%) đã đạt những kết quả rất đáng tự hào-với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 7%.
Đóng góp vào thành công chung đó phải kể đến sản xuất công nghiệp. Ngành này đã thể hiện rõ vai trò động lực dẫn dắt cho tăng trưởng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong cả giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 2 con số trong năm 2025, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng từ 12-13%. Đây là một thách thức lớn đòi hỏi phải thực sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động.
Động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2024 sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục trên 8% so với năm trước, vượt kế hoạch được giao và cao hơn nhiều mức tăng trưởng của các năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, cao gấp hơn 3 lần mức tăng của các năm trước, khẳng định vai trò trụ cột quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Điểm nổi bật là cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng khá, đạt 24,1%, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Đây là những con số thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ của các ngành sản xuất trong bối cảnh kinh tế thế giới có rất nhiều biến động bất thường và không thuận. Trong nước, cộng đồng doanh nghiệp, với rất nhiều cơ sở sản xuất vẫn còn không ít khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19 chưa thể phục hồi hoàn toàn và có tới 26 địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).
Nếu nhìn lại các ngành sản xuất trong nước, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2023 chỉ tăng 1,5% so với năm 2022, trong đó sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng âm ngay trong những tháng đầu năm 2024, càng thấy những kết quả có được của sản xuất công nghiệp 2024 là hết sức ấn tượng. Nhất là khi tăng trưởng tháng sau luôn cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng ở hầu hết các địa phương-với 60/63 địa phương trên cả nước ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận (địa phương có tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước đạt 8,74%, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực và 16/63 tỉnh, thành cả nước) cho hay, trong n ăm 2024, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai quyết liệt ba khâu đột phá và 6 ngành, lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, trong đó năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến, xem đây là một trong những khâu đột phá và trụ cột quan trọng đối với tỉnh.
Để có được sản xuất công nghiệp phục hồi ở mức cao, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7% phải kể đến những bứt phá ngoạn mục của lĩnh vực năng lượng-ngành công nghiệp hạ tầng nền tảng, cũng như đảm bảo đủ than, điện, xăng dầu và dầu khí cho sản xuất và tiêu dùng.
Đặc biệt là Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được thi công xây dựng “thần tốc,” chỉ sau hơn 6 tháng đã hoàn thành, đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các công trình, dự án lớn có thể vận dụng cho các công trình, dự án tiếp theo.
Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương mới đây, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ghi nhận Bộ Công Thương và các bộ, ngành, EVN… đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, để thực hiện thành công các dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược như Dự án đường dây 500kV mạch 3. Đây là một điển hình của quyết tâm rất lớn, là bài học cho những dự án trọng điểm chiến lược, nhất là trong ngành năng lượng thời gian tới.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
Sản xuất công nghiệp phục hồi, trong đó, các ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung, là động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và là điều kiện để có hàng hóa giao thương, đưa lĩnh vực xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch tiến gần mốc 800 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Trên thực tế, mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, vì vậy nhằm tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, đòi hỏi ngành công nghiệp tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, đem về giá trị gia tăng cao hơn.
Từ kết quả xuất khẩu đạt gần 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, năm 2025 ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số (khoảng 10%), tương ứng xuất khẩu từ 47-48 tỷ USD, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng mặc dù mục tiêu này không hề dễ dàng, song hoàn toàn có thể đạt được nếu các doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu, nghĩa là giải pháp phải gắn với “xanh hóa” và đẩy mạnh chuyển đổi số.
“Nếu không đầu tư vào công nghệ AI, công nghệ quản trị số và công nghệ tự động hóa ở một số công đoạn trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam thì doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành công nghiệp thời trang bền vững,” Chủ tịch Vitas nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đánh giá, với ngành dệt may, một lĩnh vực đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như tăng trưởng của cả nền kinh tế, nếu có sự quan tâm đầu tư ở cả góc độ doanh nghiệp và chính sách, sự điều hành của Nhà nước sẽ góp phần quan trọng đưa tăng trưởng GDP năm 2025 đạt tăng trưởng 2 con số như mục tiêu đề ra.
Thực tế, việc đạt tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò tiên phong của các ngành, lĩnh vực quan trọng, nền tảng như công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo…
Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm tới-năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồmđầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu…/.