Tín dụng trong nhiều tháng đầu năm 2023 liên tục bị “đóng băng”, tăng trưởng chậm. Tăng trưởng dư nợ 10 tháng năm 2023 mới chỉ đạt hơn 5%. Phá “băng” tín dụng, khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới. Xu hướng giảm lãi suất cho vay tiếp tục diễn ra từ nay đến giáp Tết.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng kinh doanh, tiếp cận với dòng vốn giá rẻ cuối năm, hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (VietinBank) trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nay đến hết ngày 31/12/2023 với lãi suất 5,9%/năm. Quy mô gói ưu đãi lãi suất lên đến 15 nghìn tỷ đồng. Lãi suất ưu đãi kể trên áp dụng cho các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng. Để tham gia chương trình, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần đáp ứng điều kiện lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với đối tượng khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Với chính sách mới này, sẽ có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3 - 4%. Ước tính, trong đợt giảm lãi suất lần này, Agribank sẽ dành tối đa khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ khách hàng. Đây là lần thứ 7 trong năm 2023, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai chương trình cho vay “Hạn mức sẵn sàng - Bứt phá kinh doanh” từ nay đến hết quý I năm 2024 với hạn mức hàng nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn dịp Tết 2024, lãi suất ưu đãi, thủ tục vay nhanh, hồ sơ đơn giản.
Song song đó, Nam A Bank Chi nhánh Nam Định cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị ngành thủy sản với hạn mức 3.000 tỷ đồng nhằm giúp khách hàng bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản, kinh doanh thức ăn thủy sản, thuốc vi sinh.
Nhằm san sẻ những khó khăn về vốn làm ăn của khách hàng cũng như góp phần phục hồi kinh tế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai chương trình ưu đãi 10 nghìn tỷ đồng “Tăng tốc sản xuất, kinh doanh” dành cho doanh nghiệp với lãi suất chỉ 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4-12 tháng, gói vay triển khai đến hết ngày 31/1/2024. Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, Sacombank Chi nhánh Nam Định cũng điều chỉnh giảm lãi suất gói 15 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh ngắn hạn chỉ từ 6%/năm kỳ hạn 1-3 tháng, 6,5%/năm kỳ hạn 4-6 tháng, triển khai đến hết ngày 31/1/2024.
Từ nay đến ngày 30/5/2024, khách hàng doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định được hưởng lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 6,97%/năm. Theo đó, SHB Chi nhánh Nam Định dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,97%/năm hỗ trợ các doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động ngắn hạn. Các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gồm: doanh nghiệp nữ làm chủ; đơn vị hành chính sự nghiệp; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như: nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, các dự án xanh…
Bên cạnh ưu đãi lãi suất, SHB Chi nhánh Nam Định luôn chú trọng tối ưu chính sách hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận dễ dàng với những giải pháp tài chính của ngân hàng như: đơn giản hóa thủ tục; Tài trợ chuyên biệt theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh; Tài trợ trọn gói từ tiền gửi, thanh toán, tín dụng và tài trợ thương mại… Đối với khách hàng cá nhân, SHB Chi nhánh Nam Định cũng đang triển khai chương trình “30 năm đồng hành - Tiếp bước tri ân” với tổng hạn mức ưu đãi lên đến 5.000 tỷ đồng. Theo đó, các khách hàng cá nhân đang vay vốn tại SHB với mục đích sản xuất, kinh doanh, mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng… sẽ được giảm lãi suất vay lên tới 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể ưu đãi giảm lãi suất lên tới 2,5%/năm. Cuối năm là thời điểm quan trọng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Những chính sách của SHB nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều thách thức, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các chính sách, giải pháp, sản phẩm chuyên biệt được “may đo” phù hợp với từng đối tượng khách hàng, giúp khách hàng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo động lực để khách hàng ngày càng phát triển.
Để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cuối năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam cũng đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các đơn vị cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, bổ sung hạn mức tăng thêm cho các ngân hàng dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những nhà băng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt từ 80% chỉ tiêu tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. NHNN Chi nhánh tỉnh cũng tích cực yêu cầu các tổ chức tín dụng cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, cũng như cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng. Các ngân hàng phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và tích cực giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất dành cho các khách hàng cùng các gói hỗ trợ tín dụng quy mô lớn là hành động thiết thực của ngành Ngân hàng để hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong việc thực thi chủ trương, chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN, đáp ứng tốt mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2023./.