Aa

Nam Định thành lập nhiều cụm công nghiệp vốn đầu tư hàng tỷ đồng

Thứ Sáu, 21/02/2025 - 11:40

Trong tháng 2 này, UBND tỉnh Nam Định đồng loạt công bố nhiều Quyết định thành lập cụm công nghiệp tại các huyện Giao Thủy, Vụ Bản và Nghĩa Hưng, với tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng.

Nam Định đang nổi lên như một điểm sáng trong lĩnh vực Bất động sản công nghiệp nhờ vào vị trí chiến lược, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông. Với định hướng trở thành trung tâm công nghiệp mới của khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh này đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp và Cụm công nghiệp, tạo ra cơ hội lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp.

Mới đây nhất, trong ngày 20/2, UBND tỉnh Nam Định công bố 3 Quyết định thành lập Cụm công nghiệp, bao gồm: Cụm công nghiệp Kim Thái (huyện Vụ Bản), Cụm công nghiệp Hợp Hưng (huyện Vụ Bản), Cụm công nghiệp Yến Châu (huyện Giao Thủy). Tổng diện tích các Cụm công nghiệp trên là 197,54ha và tổng mức vốn đầu tư dự kiến gần 2.490 tỷ đồng.

Theo các quyết định, Cụm công nghiệp Kim Thái có diện tích khoảng 69,04 ha. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp này là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thiên Minh, tổng mức vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của Cụm công nghiệp Kim Thái gồm: cơ khí, cơ khí đúc, gia công kim loại; chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ; sản xuất đồ nhựa, sản xuất các loại bao bì; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến lâm sản; sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất dược liệu; sản xuất các sản phẩm từ cao su; dệt; sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử tin học; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các ngành công nghiệp.

Nam Định thành lập nhiều cụm công nghiệp vốn đầu tư hàng tỷ đồng- Ảnh 1.

Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông - KCN chuyên sâu dệt nhuộm lớn nhất tại Nam Định.

Cụm công nghiệp Hợp Hưng có diện tích khoảng 53,5ha. Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hợp Hưng làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vốn đầu tư hơn 712 tỷ đồng. Dự kiến khởi công vào quý I/2026, đi vào hoạt động sau 24 tháng, thời gian hoạt động 50 năm.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của Cụm công nghiệp Hợp Hưng gồm: sản xuất, chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; sản xuất đồ gia dụng; cơ khí công nghệ cao; sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, máy móc thiết bị; vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại; chế biến gỗ; thủ công mỹ nghệ; chế tạo các sản phẩm nhựa; công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác…

Cụm công nghiệp Yến Châu có diện tích khoảng 75ha. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty cổ phần khu công nghiệp 1369, vốn đầu tư hơn 876 tỷ đồng, thời gian hoạt động của dự án 50 năm. Ngành nghề hoạt động chủ yếu, gồm: cơ khí chế tạo máy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác.

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng. Cụm công nghiệp này có diện tích khoảng 74,92ha, trong đó giai đoạn I là 39,95ha và giai đoạn II là 34,97ha.

Ngành nghề hoạt động, sản xuất chủ yếu của Cụm công nghiệp này là điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; thiết bị điện; đồ nội thất; đồ dùng và thiết bị nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà ăn; chế biến thực phẩm; đồ uống; hóa dược và dược liệu; kim loại màu và các sản phẩm từ kim loại; hoàn thiện sản phẩm dệt; kho bãi và lưu trữ hàng hóa phục vụ trong sản xuất Cụm công nghiệp; cơ khí chế tạo máy; gia công cơ khí, tráng phủ kim loại...

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Nghĩa Phong là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp Nghĩa Phong. Tổng mức vốn đầu tư Cụm Công nghiệp này hơn 1.000 tỷ đồng.

Các hoạt động thành lập Cụm công nghiệp trên nhằm mục tiêu đưa Nam Định trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Nam Định đang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp địa phương với các tập đoàn lớn. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top