Aa

Quảng Nam: Định hướng đến 2035 sẽ trồng 10.000ha Sâm Ngọc Linh

Thứ Hai, 02/12/2024 - 18:22

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đã ký ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Mục tiêu nhằm sớm đưa cây Sâm Ngọc Linh thành cây trồng mũi nhọn, dẫn dắt nhiều ngành kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh và vươn tầm thế giới…

Quảng Nam: Định hướng đến 2035 sẽ trồng 10.000ha Sâm Ngọc Linh- Ảnh 1.

Cây Sâm Ngọc Linh. (Ảnh: Hữu Trà)

Theo đó, đến năm 2030, phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm Công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tổng sản lượng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350ha/năm). Xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây Sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này.

Đồng thời, nâng cấp 2 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc Sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh và Trại Sâm Tắk-Ngo có quy mô sản xuất đạt từ 300.000 - 500.000 cây giống/năm để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hình thành từ 30 - 50 vườn Sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; sản xuất từ 05 - 10 triệu cây giống Sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi/năm, kể cả nguồn cây giống do 2 đơn vị bảo tồn sản xuất.

Tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO (khoảng 15-30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Xây dựng, phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của các nước xuất khẩu; đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ Sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.

Đến năm 2035, duy trì, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt 10.000ha, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm Công nghiệp dược liệu. Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP-WHO (khoảng 35 - 40% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Quảng Nam: Định hướng đến 2035 sẽ trồng 10.000ha Sâm Ngọc Linh- Ảnh 2.

Người dân các xã vùng cao Nam Trà My mang Sâm đến chào bán tại Phiên chợ Sâm Ngọc Linh. (Ảnh: Hữu Trà)

Hiện nay, tại Quảng Nam khu vực bảo tồn tập trung ở các xã: Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Don, Trà Tập, Trà Dơn và Trả Leng của huyện Nam Trà My. Trên thực địa đã trồng khoảng 1.234ha Sâm Ngọc Linh. Đã có 7 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm Sâm củ, với số lượng 65.205 cây. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến Sâm Ngọc Linh với các sản phẩm chủ yếu như Trà túi lọc Sâm Ngọc Linh, nước uống Sâm Ngọc Linh, mật ong Sâm Ngọc Linh, rượu Diệp linh Sâm, dung dịch uống Sâm Ngọc Linh, viên ngậm Sâm Ngọc Linh... với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50-60kg/năm.

Theo Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện nay việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn manh mún, chưa phát triển thành hàng hóa tương xứng với tiềm năng; chưa hình thành được các vùng sản xuất dược liệu tập trung theo tiêu chuẩn GACP-WHO, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng dược liệu để tham gia thị trường xuất khẩu. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở tham gia chế biến các sản phẩm từ cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn rất it. Việc khai thác, chế biến Sâm Ngọc Linh chủ yếu mang tính thủ công, chưa có chế biến sâu và chưa đa dạng về sản phẩm, chủng loại, mẫu mã hàng hóa; tiếp thị sản phẩm còn mang tính truyền thống, chưa tiếp cận sâu, rộng thị trường quốc tế…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top