Aa

"Năm nay tăng trưởng dương cũng đừng nói là nhất thế giới hay khu vực"

Thứ Sáu, 28/08/2020 - 13:46

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng mức tăng trưởng GDP năm nay dương hay âm không quan trọng bằng việc định hướng nền kinh tế sẽ phục hồi như thế nào trong những năm sau.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các kết quả trước mắt như GDP năm nay không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế. Việc thực thi chính sách cũng cần phải đồng bộ, dài hạn và bài bản với hai định hướng. Một là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đi kèm với đó là miễn, giảm thuế. Thứ hai là các chính sách hướng tới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Đây là hai nhiệm vụ không thể tách rời, song hoạt động điều hành hiện nay dường như mới nghiêng về vế thứ nhất.

PV: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay được dự báo theo hướng những kịch bản sau thấp hơn kịch bản trước, đặc biệt là khi xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng vừa qua. Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng kết quả như vậy là tích cực so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Cá nhân ông nhìn nhận bức tranh kinh tế năm nay như thế nào?

TS. Nguyễn Đình Cung: 2020 là một năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam. Có thể nói mức độ, quy mô của sự khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử. Tình trạng này không sớm kết thúc trong năm nay mà còn tác động sang 2021, 2022, thậm chí là 2023. Nói cách khác những dư chấn mà nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19 phần lớn được chuyển sang nhiệm kỳ tới.

Tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn thấp, loanh quanh ở ngưỡng 2%. Mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đều bị tác động bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù có tăng trưởng dương cũng đừng nói là nhất thế giới hay khu vực. Điều đó là không nên. Vì dịch Covid-19 nhìn chung đều tác động lớn đến thế giới, các chính phủ đều thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng. Có điều ta khác họ là ngân sách hỗ trợ quá ít so với những thiệt hại của doanh nghiệp, quy mô gói hỗ trợ cũng nhỏ hơn và việc thực hiện kém.

Ta không có gì hơn họ, cách chúng ta tiếp cận chống dịch đơn giản là phù hợp với Việt Nam. Chính vì hay nói chống dịch tốt nên đã xảy ra tình trạng người dân chủ quan, tưởng mình an toàn và bùng phát dịch trong cộng đồng ở Đà Nẵng.

Trường hợp năm nay tăng trưởng GDP 2% là nhờ dư địa trong nông nghiệp nhiều, khu vực phi chính thức còn lớn và người dân phải tìm mọi cách để sống. Đồng thời, tăng trưởng từ năm ngoái gần 7%, năm nay giảm xuống 2% hoặc 1% cũng là giảm 5 - 6 điểm phần trăm. Tương tự các nước, năm ngoái họ tăng trưởng dương 2% năm nay xuống âm là chuyện bình thường. 

Nhưng theo tôi tăng trưởng GDP năm nay âm hay dương cũng không quá quan trọng bằng việc định hướng phát triển để nền kinh tế hồi phục trong những năm sau.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: NVCC.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: NVCC.

PV: Vậy theo ông việc định hướng đó cần như thế nào?

TS. Nguyễn Đình Cung: Chính sách định hướng phát triển để phục hồi nền kinh tế cho những năm sau phải đồng bộ, bài bản, dài hạn, với hai nhiệm vụ. Trước tiên là hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ tốc độ tăng trưởng GDP tối đa có thể. Đồng thời, chính sách còn phải tính đến việc thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Trong đó, tận dụng được những thời cơ, cơ hội mới, đi kèm với miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp và 2% phí công đoàn phải được bỏ. Chỉ khi tận dụng được cơ hội mới thì nền kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng nhanh được. Đây là hai nhiệm vụ không thể tách rời. Trong khi đó, hoạt động điều hành hiện nay mới nghĩ đến vế thứ nhất.

PV: Đó là định hướng. Vậy những công việc cụ thể cần làm là gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Thay vì tiếp tục loay hoay với bài toán tăng trưởng của năm nay thì chúng ta nên tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như nợ công, tăng trưởng tín dụng, CPI... những cân đối lớn của nền kinh tế để điều chỉnh lại các chỉ tiêu liên quan. 

Hiện chúng ta vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trường, vẫn duy trì và thực hiện chiến lược mục tiêu kép. Vậy mục tiêu kép ở đây là gì? Tăng trưởng GDP vẫn là 6,8% à? Rõ ràng mục tiêu này không khả thi trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng lần thứ hai.

Việc tính toán lại để chúng ta có cơ sở cho việc điều hành chính sách, những mục tiêu khác, những nhiệm vụ khác ví dụ như việc có nên triển khai gói hỗ trợ thứ hai đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch?

Trước khi đưa ra quyết định, chúng ta phải tính đến dư địa tài khóa còn bao nhiêu? Có thể huy động được bao nhiêu? Bao nhiêu từ nguồn trong nước và nước ngoài? Huy động như thế nào để không làm tăng lãi suất, huy động đến mức nào để người dân còn có tiền mua sắm, huy động đến mức nào để tín dụng chảy vào khu vực kinh tế tư nhân mà không chạy ra khu vực nhà nước?

Ngoài ra, còn phải xem xét lãi suất có giảm được nữa hay không? Chúng ta phải trả lời được những câu hỏi đó. Muốn trả lời được thì phải có tính toán cụ thể mà việc này chúng ta vẫn chưa làm.

Trường hợp có thêm gói hỗ trợ thì chúng ta lấy từ nguồn nào? Lấy được bao nhiêu? Dành cho đối tượng nào? Đồng thời phải đánh giá lại việc thực hiện gói hỗ trợ lần một xem việc thực hiện đến đâu? Tại sao tỷ lệ thực hiện mới chưa được 20%? Có phát sinh nhu cầu gì mới?

Bộ Tài chính dự kiến bội chi ngân sách năm nay là 3,44% GDP trong điều kiện chưa có dịch Covid-19. Giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật kịch bản bội chi ngân sách lần lượt là 4,5% và 5,02% tương ứng tăng trưởng GDP lần lượt là 4,5% và 3,6%. Như vậy, ngay cả trong trường hợp chưa thực hiện gói hỗ trợ lần một thì bội chi ngân sách cũng đã lớn. Trường hợp thực hiện gói hỗ trợ thứ hai thì bội chi ngân sách chắc sẽ cao hơn rất nhiều. 

Việc thực hiện hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngoài việc phải thực hiện tốt hơn thì còn phải kéo dài thời gian triển khai.

Những ngành nghề đã tốt nay còn tốt hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 theo nghiên cứu của McKinsey.
Những ngành nghề đã tốt nay còn tốt hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 theo nghiên cứu của McKinsey.

PV: Nền kinh tế hiện có 2 loại ngành nghề đó là ngành nghề thắng cuộc và thua cuộc trong Covid-19. Phần lớn ngành nghề ở Việt Nam là ngành thua cuộc. Như ông vừa nói cơ hội mới sẽ xuất hiện, cơ hội đó như thế nào?

TS. Nguyễn Đình Cung: Theo kết quả nghiên cứu của hãng tư vấn McKinsey những nhóm ngành nghề phải mất đến 5 năm mới hồi phục đó là chế biến chế tạo, vận chuyển và kho bãi, dịch vụ giáo dục, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ giải trí nghệ thuật, sáng tạo và các dịch vụ khác...

Ngoài ra, những ngành được đánh giá đã tốt thì nay càng tốt hơn đó là ngành công nghiệp bán dẫn, ngành phần mềm, dược phẩm, công nghệ phần cứng, viễn thông, truyền thông.... Trong đó, ngành bán dẫn sẽ đạt lợi nhuận lên đến 3.000 tỷ USD trong dài hạn. 

Trong khi đó, ngành ngân hàng và năng lượng nằm trong top 6 ngành công nghiệp dưới đáy, lợi nhuận trung bình trong dài hạn sẽ giảm từ 1.000 tỷ USD.

Như vậy, chúng ta muốn tái cơ cấu, muốn đẩy nhanh tăng trưởng thì phải tập trung thúc đẩy những ngành thắng cuộc.

PV: Bên cạnh những ngành thắng cuộc thì động lực cho nền kinh tế còn gì nữa không?

TS. Nguyễn Đình Cung: Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Việt Nam đã có thêm 548 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Việc kích cầu tư nhân ở thời điểm này chắc chắn khó. Người dân sẽ không đi du lịch, không chi tiêu nữa và hoạt động này chắc chắn còn gặp khó khăn từ nay đến cuối năm. Như vậy, động lực cho nền kinh tế chỉ còn trông chờ vào kích cầu công, mà đó chỉ có thể là đầu tư. 

Việc giải ngân đầu tư công cũng rất khó khăn, dù được đốc thúc hàng ngày. 8 tháng đầu năm, ước tính giải ngân đầu tư công đạt khoảng 40%. Theo đó, những dự án giao thông trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành giải ngân cũng rất kém.

Tuy nhiên, ngoài việc chú trọng đẩy mạnh giải ngân số lượng thì chất lượng cũng phải được quan tâm, tránh trường hợp cứ thúc giải ngân, dòng vốn vô tình sẽ chảy vào những dự án không cần thiết như công trình tượng đài...

Nếu có quyền quyết định, đốc thúc, tôi sẽ chỉ tập trung vào những dự án giao thông hạ tầng trọng điểm. Có thể lựa chọn 20 - 40 dự án để giải ngân thay vì đốc thúc đại trà, ngành nào cũng như ngành nào. Làm sao chúng ta có thể thúc hội nhà văn, hội nghệ sĩ giải ngân đầu tư công? Vì vậy, 9 cơ quan đơn vị xin trả lại vốn đầu tư cũng là điều dễ hiểu và giải pháp an toàn cho họ.

Điều quan trọng thứ hai, nhân dịp này chúng ta phải xem lại toàn bộ hoạt động quản lý về đầu tư công. Tại sao liên tục chậm giải ngân, không giải ngân được? Trong khi đó chúng ta rất cần giải ngân nhưng lại rơi vào tình trạng có tiền mà không tiêu được. Việc giải ngân đầu tư công cực kỳ quan trọng với tăng trưởng trong những năm tiếp theo và thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Việc giải ngân đầu tư công chậm cho thấy cách quản lý đầu tư công hiện nay của chúng ta không phù hợp. Luật Đầu tư công chỉ là luật khi cụ thể hóa, hiện thực hóa chế độ đầu tư công nhưng chế độ đầu tư công hiện nay không hợp lý, đòi hỏi phải thay đổi. Trường hợp cần thiết thì xây dựng Luật Đầu tư công mới trên cơ sở cách thức quản lý mới.

Đồng thời, thực hiện cải cách những thứ Việt Nam cần phải cải cách đó là thị trường, thị trường và thị trường hơn.

PV: Ngoài những biện pháp trên, ông cho rằng nền kinh tế liệu còn cần một "liều thuốc bổ" nào khác để vượt qua khó khăn hiện nay?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi tin rằng doanh nghiệp đủ thông minh để nắm bắt những cơ hội, thời cơ kinh doanh. Có chăng, chúng ta nên hỗ trợ, cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng, hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin, tạo platform... cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đồng thời, doanh nghiệp phải được bảo vệ hợp pháp lợi ích, tài sản và công bằng trong hoạt động kinh doanh.

Nhà nước đừng can thiệp quá nhiều, hãy để cho người dân và doanh nghiệp tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top