Nan đề của thời hiện đại
Thực ra thì không phải đến thời hiện đại mới có bệnh đái tháo đường, mà căn bệnh này đã được y văn cổ đề cập đến từ lâu. Các sách “Hoàng đế nội kinh” hay “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đều đề cập đến chứng “tiêu khát”, một biểu hiện lâm sàng rõ rệt nhất của căn bệnh này. Nhưng chỉ đến thời hiện đại, có thể do thay đổi môi trường sống, do cường độ làm việc, lối sống sinh hoạt…, căn bệnh đái tháo đường dường như mới bùng phát dữ dội.
Tại Việt Nam ta cũng không là ngoại lệ, các thống kê cho thấy tốc độ tăng bệnh đái đường trong cộng đồng dân cư gần đây lên tới 211%! Nên nước ta hiện có xấp xỉ 5 triệu bệnh nhân tiểu đường, đứng hàng đầu Đông Nam Á. Và số người tử vong hàng năm vì căn bệnh này lên đến trên dưới 30 ngàn người, nghĩa là khoảng 80 người chết một ngày. Một con số khủng khiếp! Nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này gây ra cho nền kinh tế, xã hội nước ta.
Trên bình diện toàn cầu, người ta đã tổng kết đây là căn bệnh gây tử vong thứ 3 (sau ung thư và tim mạch), khi hàng năm có khoảng 5 triệu người chết vì bệnh này.
Rõ ràng, bệnh đái đường là một vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của nhân loại nên được các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên hợp quốc (UN) rất quan tâm. Họ đã lấy ngày 14/11 hằng năm là ngày sinh nhật của ngài Frederick Banting làm Ngày Đái tháo đường Thế giới, như một sự nhắc nhở cần thiết với sự nghiêm trọng của căn bệnh này. Bởi quý ông Frederick Banting đã cùng với Charles Best tìm ra hormone insulin trong cơ thể người vào năm 1922. Đó là một loại hormone peptide do các tế bào bê ta ở tiểu đảo tuyến tụy trong cơ thể chúng ta tiết ra nhằm chuyển hóa đường glucose. Không có insulin, glucose được hấp thu qua hệ tiêu hóa vào máu, không tham gia vào được chu trình sinh hóa tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động, đầy ứ trong máu rồi bị thải ra ngoài theo nước tiểu. Đó là đái tháo đường.
Đái tháo đường, hiểu một cách dân dã, đơn giản đó là khi người ta đi đái, trong nước tiểu có nhiều đường glucose, nhiều tới mức "ruồi bâu kiến đậu"! Nhưng ngày nay với con mắt của y học hiện đại, nếu tới mức độ đó, bệnh đã quá nặng rồi, lúc nào cũng có thể xảy ra tai biến. Mà tai biến của bệnh đái tháo đường là vô cùng nghiêm trọng: hạ đường huyết, hôn mê sâu nhiễm toan ceton dẫn đến tử vong. Các biến chứng khác về tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn, loét chân, bệnh lý võng mạc… đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid-19 hiện nay, những bệnh nhân đái tháo đường do hệ miễn dịch bị suy giảm nên rất dễ nhiễm virus và phát bệnh nặng kèm theo nguy cơ tử vong cao.
Đái tháo đường rõ ràng là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng không phải là vô phương cứu chữa. Điều quan trọng ở đây là phải phát hiện sớm, điều trị ngay từ đầu để phòng chống các tai biến có thể xảy ra. Để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, một biện pháp đặc hiệu là cần xét nghiệm máu thường xuyên cùng với khám sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm máu khi đói 2 lần mà cho kết quả glucose trong máu là lớn hơn hoặc bằng 126mg/dL hay 7mmol/L, là có thể kết luận bạn đã bị tiểu đường và cần phải điều trị. Còn dĩ nhiên, điều trị thuốc gì là công việc của các thầy thuốc sau khi thăm khám và làm thêm các xét nghiệm sinh hóa cần thiết nữa. Bởi thể trạng của mỗi người là rất khác nhau.
Về phân loại, đái tháo đường hiện nay người ta chia ra làm ba dạng:
- Đái tháo đường type 2: Bệnh nhân chưa phụ thuộc hoàn toàn vào insulin, các thứ thuốc điều trị nhằm hoạt hóa insulin hoặc tăng chuyển hóa glucose vẫn có tác dụng tốt như metformin, glipizide, saxagliptin…
- Đái tháo đường type 1: Phụ thuộc hoàn toàn vào việc bổ sung insulin vào trong cơ thể, vì lúc này tuyến tụy hầu như không tiết ra hormon insulin nữa. Hoặc vẫn tiết ra insulin nhưng nó đã "bất hoạt" hoàn toàn.
- Đái tháo đường thai kỳ: Đây là dạng đái tháo đường do rối loạn nội tiết thai kỳ gây ra. Mỗi sản phụ cần phải có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn kỹ, đặc biệt ở chế độ dinh dưỡng, lối sống như: ăn uống phù hợp, vận động vừa phải, bổ sung các dưỡng chất… Phụ nữ mang thai bị đái đường sau sinh thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên cần phát hiện sớm để tránh những biến chứng đáng tiếc cho cả mẹ và con.
Thông thường, người ta bắt đầu bị đái đường type 2 (không phụ thuộc insulin) dần dần sẽ chuyển sang type 1, phụ thuộc hoàn toàn insulin. Insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra như đã nói ở trên, nó có nhiệm vụ đồng hóa glucose trong chu trình sinh hóa của cơ thể. Vì một lý do nào đó, insulin bị "bất hoạt", mất tác dụng hoặc nhóm tế bào bê ta của tiểu đảo tụy không tiết ra nữa, cơ thể không đồng hóa được glucose, nên người ta bị chứng đái tháo đường. Như vậy vai trò của insulin trong cơ thể và với bệnh nhân đái tháo đường là tối quan trọng.
Hai quý ông Frederick Banting và Charles Best đã tìm ra insulin và vai trò của nó, từ đó các thầy thuốc thực hành mới đề ra được các phương thuốc chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân đái tháo đường, mà trước đó hầu như tuyệt vọng. Sự tưởng nhớ bằng một Ngày Đái tháo đường Thế giới quả là xứng đáng.
Cho đến ngày nay vẫn chưa có bất cứ loại thuốc hoặc biện pháp y học nào có thể thay thế cho vai trò của insulin. Bởi thế, một người khi đã bị chứng đái tháo đường sẽ phải phụ thuộc thuốc suốt phần đời còn lại. Nhưng không vì thế mà chúng ta bi quan, bởi cùng với việc dùng mọi cách bổ sung lượng insulin thiếu hụt cho cơ thể, các bệnh nhân nên thực hành một lối sống phù hợp, đảm bảo thì sẽ có thể chất giống như những người không bị bệnh. Chế độ đó có thể tóm tắt như sau:
- Không hút thuốc lá.
- Ăn nhạt, ăn nhiều rau củ, ăn đủ kali, ăn nhiều cá.
- Hạn chế tối đa chất kích thích như cà phê, rượu bia.
- Duy trì cân nặng theo chuẩn BMI.
- Rèn luyện thể lực vừa đủ.
Và dĩ nhiên, việc kiểm soát đường huyết thường xuyên cùng chế độ thuốc phải được tuân thủ nghiêm ngặt như "cơm ăn nước uống" hàng ngày.
Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế điều trị, những người đái tháo đường ở nước ta có thể sử dụng thêm một số dược liệu cây cỏ tại chỗ hỗ trợ có tác dụng tốt, như có thể sử dụng trà thuốc chế biến từ dây thìa canh, vốn là một loại dược liệu được trồng nhiều ở vùng núi phía Bắc nước ta, đã và đang được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu thử nghiệm, bước đầu đã cho những kết quả khả quan. Dây thìa canh cho thấy nó có tác dụng hạ và ổn định đường huyết. Còn trong đời sống hàng ngày, có một thứ rau xanh rất tốt cho người đái tháo đường, đó là mướp đắng. Đây chính là món ăn ngon vị thuốc tốt! Đông Tây y kết hợp, đó không chỉ là phương châm chữa bệnh riêng của nước ta, nhất là với những bệnh nan y, mãn tính.
Tóm lại, bệnh đái tháo đường tuy là nan đề của từng cá nhân và cả xã hội, thế nhưng với việc thực hiện chế độ ăn uống, luyện tập, thuốc men, lối sống lành mạnh, những người bị bệnh vẫn có một cuộc sống bình thường và vẫn lao động sản xuất, đóng góp tốt cho xã hội./.