Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và thương mại, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong các đối tượng SHTT, tuy mỗi đối tượng đều có vai trò nhất định nhưng xét trong tính chất quan hệ thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhãn hiệu trở nên nổi bật hơn cả. Việc xâm phạm các đối tượng quyền SHTT diễn ra phổ biến và nhiều nhất là nhãn hiệu ở tất các các khâu trong dây chuyền cung ứng thương mại. Do vậy, việc bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu đang là một vấn đề cấp bách được cộng đồng các doanh nghiệp cũng như các cơ quan thực thi pháp luật đặc biệt quan tâm. Bài viết nhằm đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hoá của các doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh.
1. Những vấn đề lý luận chung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa
1.1. Khái niệm nhãn hiệu
Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
1.2. Khái niệm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là sự tác động bằng pháp luật thông qua việc sử dụng các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, biện pháp hình sự, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới liên quan đến nhãn hiệu nhằm ngăn chặn, chống lại những hành vi xâm phạm để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hợp pháp đã được Nhà nước công nhận bảo hộ.
1.3. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu
Theo quy định tại Điều 72 Luật SHTT thì nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
2. Thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh
2.1. Những kết quả đạt được tromg việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh
Thực hiện Nghị quyết số 141/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 3262/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020, trong những năm qua, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và đặc biệt Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều nội dung thiết thực về hoạt động sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan.
Hoạt động hỗ trợ thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và cơ hội phát triển cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, từng bước khắc phục yếu điểm về xây dựng thương hiệu và bao bì sản phẩm hàng hóa. Tỉnh đã hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu cho 562 mẫu nhãn/logo và nhãn bao bì; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho 914 đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ nâng tổng số đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh lên 1.267 đơn (từ tháng 6/2015 trở về trước, Hà Tĩnh mới chỉ có 353 đơn đăng ký bảo hộ quyền SHCN)*.). Theo kết quả đánh giá cho thấy các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thiết kế, đăng ký nhãn hiệu đã phát huy tốt hiệu quả, tăng trưởng về kinh tế.
Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương được quan tâm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, thông qua đề án đã có 10 sản phẩm được đăng ký bảo hộ thương hiệu, chuẩn hóa về chất lượng và hệ thống nhận diện thương hiệu; công tác quản lý, kiểm soát sản phẩm được thiết lập trên 02 hệ thống là quản lý nội bộ và sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền; nhiều sản phẩm đã xây dựng được hệ thống liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của các doanh nghiệp; công tác quảng bá, phát triển sản phẩm được tổ chức bài bản, có hệ thống; theo kết quả điều tra cho thấy, sau khi được thiết lập quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu và giá trị của sản phẩm tăng từ 15 - 20% và giữ ổn định; thị trường tiêu thụ được phát triển theo chuỗi ngành hàng liên kết.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và sự tăng trưởng của đơn vị bình quân từ 10 - 15% . Ví dụ: Bưởi Phúc Trạch giá trị tăng khoảng 20%, Cam Thượng Lộc giá trị tăng 15%. Công ty CP Dược tăng khoảng 30%, Công ty TNHH Viết Hải tăng khoảng 40%, DNTN Tân Thanh Phong tăng 50%, Công ty Bảo Toàn tăng 20%, Nội thất AF tăng 15%, Cu đơ Phong Nga tăng 20%, Cu đơ Ông Lung tăng 15%. . .).
Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức và chiến lược sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm (Công ty Viết Hải, Cu đơ Phong Nga, Công ty Trần Châu, DN Tân Thanh Phong…)
2.2. Những tồn tại, thách thức trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì việc triển khai bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang gặp những tồn tại, thách thức sau:
Tồn tại về nội dung chính sách
Theo quy định của đề án, nội dung hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản và làng nghề phải có kinh phí đối ứng tối thiểu của địa phương là 30% tổng kinh phí thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay việc cân đối kinh phí đối ứng của cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều sản phẩm là tài sản của nhà nước (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận) nên nội dung hỗ trợ đăng ký, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho rất nhiều sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản và làng nghề chưa được triển khai kịp thời.
Tiềm lực và nhận thức của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa mạnh, chưa quan tâm đến hoạt động sở hữu trí tuệ, nhất là đầu tư, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN, ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích và sản xuất.
Tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách
Tiềm lực và nhận thức của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa mạnh, chưa quan tâm đến hoạt động sở hữu trí tuệ, nhất là đầu tư, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN, ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích và sản xuất.
Việc triển khai chính sách ở một số huyện, thành phố, thị xã chưa được quan tâm, chưa quyết liệt, chưa bố trí đơn vị, cán bộ làm đầu mối để giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận với chính sách mặc dù Sở KH&CN đã tổ chức hội nghị phổ biến chính sách và có văn bản đôn đốc. Các huyện, thành phố, thị xã chưa xây dựng kế hoạch đề xuất và bố trí ngân sách cấp huyện để hỗ trợ thực hiện chính sách hằng năm.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh
Thứ nhất, Xem xét cân đối kinh phí hỗ trợ triển khai các dự án tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản và làng nghề bằng nguồn kinh phí của tỉnh.
Thứ hai, Bổ sung chính sách hỗ trợ in ấn lần đầu bao bì, nhãn mác và tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cần có bao bì, nhãn mác, tem điện tử để quảng cáo cho sản phẩm của họ cũng như tạo niềm tin với khách hàng bằng việc truy xuất nguồn gốc gõ ràng.
Thứ ba, Các địa phương và các tổ chức có liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai để các tổ chức, cá nhân được biết và tiếp cận với chính sách. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển thương hiệu nên khi họ còn rất mơ hồ khi tiếp cận với lĩnh vực này
Thứ tư, Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã bố trí đơn vị, cán bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực bảo quản chế biến hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được hưởng chính sách của tỉnh. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp huyện đối với triển khai đề án (phổ biến chính sách cho tổ chức, cá nhân; tổng hợp nhu cầu đề xuất; bố trí kinh phí cấp huyện thực hiện đề án;…).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Báo cáo sơ kết triển khai đề án 2015 - 2018 của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh
Nguyễn Hồng Bắc (2010), “Thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (3), tr.3- 10.
Nhãn hiệu. [ online] Available at:http://www.noip.gov.vn/nhan-hieu [ accessed November 5th 2019].