Cách đây không lâu, Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia (tỉnh Đồng Nai) đã gửi đơn tố cáo với các cơ quan chức năng về việc sản phẩm gạch men ốp lát cao cấp mang nhãn hiệu Royal đang bị làm giả trên thị trường.
Đơn tố cáo được phát đi sau khi lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ một lượng lớn gạch lát nền có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu Royal tại một số cửa hàng đóng tại thị trấn Thường Tín và Sơn Tây (Hà Nội). Đáng chú ý là chủ các cửa hàng khi bị kiểm tra, dù xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua bán nhưng không biết gì về việc mình đang bán gạch nhái.
Theo thông tin thể hiện trên bao bì sản phẩm mà Công ty Hoàng Gia thu được, những sản phẩm gạch men này mang nhãn hiệu Royal do Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam sản xuất. Điều bất thường là sản phẩm này cũng mang nhãn hiệu Royal như sản phẩm gạch ốp lát của Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia (Hoàng Gia Group) ở tỉnh Đồng Nai.
Ngày 11/10/2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra bao gồm: C46, Thanh tra Bộ khoa hoc công nghệ (chủ trì), đại diện VPCP, Tổng cục đo lường chất lượng, Ban chỉ đạo 389 phối hợp và đến doanh nghiệp vi phạm thanh tra.
Tuy nhiên, công cuộc “khẳng định thương hiệu” của Hoàng Gia Group càng trở nên gian nan bởi sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc chống hàng giả, đối tượng đã tiến hành sử dụng nhãn hiệu mới CROWN ROYAL, nhưng nhãn hiệu này cũng là xâm phạm nhãn hiệu Royal của Hoàng Gia.
Việc chuyển sang sử dụng một nhãn hiệu khác nhưng vẫn xâm phạm nhãn hiệu Royal của Hoàng Gia, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã có văn bản số 470/VSHTT-TVGĐ ngày 3/10/2017 khẳng định, những sản phẩm gạch men cũng mang nhãn hiệu Royal sản xuất tại Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam có địa chỉ tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên “là yếu tố xâm phạm bản quyền, quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi đối với nhãn hiệu Royal được bảo hộ theo GCNĐKNH số 69802 của Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia”.
Việc đối tượng sử dụng nhãn hiệu CROWN ROYAL nhưng bên trong sản phẩm vẫn in nhãn hiệu Royal, chứng tỏ đối tượng này đang cố tình tẩu tán các sản phẩm vi phạm.
Trước đó, Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia đã tiến hành trưng cầu kết quả giám định từ Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM. Kết luận giám định số 161/DV/C54B ngày 06/01/2017 của Phân viện đã khẳng định: Sản phẩm gạch men và bao bì mang nhãn hiệu Royal của Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam là hàng giả mạo sản phẩm gạch men và bao bì mang nhãn hiệu Royal của Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia.
Mới đây, cơ quan chức năng còn phát hiện ra Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam làm giả dấu quy chuẩn. Theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/1/2011 các sản phẩm vật liệu xây dựng phải được Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hợp quy mới được phân phối ra thị trường. Do đó, Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam đã sử dụng dấu hiệu hợp quy giả in trên bao bì sản phẩm của mình, phía dưới bao bì có dấu hiệu hợp quy ký hiệu VIBM (dấu hiệu của Viện Vật liệu xây dựng).
Tuy nhiên, theo công văn phúc đáp của Viện Vật liệu xây dựng khẳng định, chưa hề cấp Chứng nhận hợp quy cho Công ty CP Đầu Tư Royal Việt Nam. Như vậy, ngoài việc nhái nhãn hiệu của Hoàng Gia, Công ty này còn giả cả dấu hiệu của Viện Vật Liệu Xây dựng.
Ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Gia cho biết: “Sau khi phát hiện sản phẩm làm giả vào tháng 1/2017, công ty đã tiến hành họp khẩn cấp và đưa ra rất nhiều giải pháp như cập nhật brochure, tổ chức các buổi hội thảo khuyến cáo cách nhận diện sản phẩm chính hãng đến các đại lý và người tiêu dùng.
Cụ thể, gạch Hoàng Gia chính hãng phải có độ dày và tính đồng đều, bề mặt của gạch phẳng, hoa văn, màu sắc tinh xảo, khó bong tróc và trầy xước. Sản phẩm luôn có in tên nhà sản xuất, ngày sản xuất cũng như số seri lô hàng. Với hệ thống phân phối trải dài khắp cả nước với hơn 3.000 cửa hàng, đại lý và showroom, đó sẽ là những địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng”.
Đến nay, cùng với kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hoàng Gia Group một lần nữa khẳng định, về nhãn hàng gạch men ở Việt Nam, thương hiệu Royal chỉ có duy nhất một chủ sở hữu hợp pháp.