Aa

Nâng cấp các đối chuẩn của Chứng chỉ EDGE và thách thức cho công trình xanh Việt Nam

Thứ Hai, 30/08/2021 - 06:00

Hiện nay công trình xanh đã có độ phủ rộng, đến nhiều phân khúc thu nhập không phải cao cấp, mà từ chung cư trung cấp cho đến các văn phòng hạng B đã bắt đầu đưa giải pháp xanh vào thiết kế.

Ngày 1/10 tới đây, chứng chỉ Công trình Xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) sẽ chính thức áp dụng phiên bản 3.0, phiên bản này có sự thay đổi nào so với phiên bản hiện hành và những thay đổi ấy ảnh hưởng như thế nào tới thị trường bất động sản xanh Việt Nam? Để giải đáp cho câu hỏi ấy, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Linh Quang, Thành viên Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Giám đốc điều hành ARDOR Green - một công ty tư vấn phát triển, xây dựng công trình xanh, bền vững tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, phát triển công trình xanh, ông đánh giá thế nào về các dự án công trình xanh của Việt Nam hiện thời?

Ông Vũ Linh Quang, Giám đốc điều hành ARDOR Green: Việc phát triển các dự án và công trình xây dựng có phần chậm lại trong 2 năm vừa qua khi Việt Nam đang trải qua các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, việc phát triển công trình xanh cũng chịu ảnh hưởng khi số lượng dự án không được nhiều.

Tuy nhiên, chúng tôi lại nhận được nhiều yêu cầu cân nhắc các chứng chỉ công trình xanh vào trong dự án, ngay cả khi công trình đã bắt đầu khởi công xây dựng. Các chủ đầu tư bất động sản hiểu được sự quan ngại về vấn đề sức khỏe, môi trường sống, và không gian xanh, nên đã chủ động đưa đến nhiều giải pháp thiết kế xanh vào trong dự án. 

Một phần cũng do thị trường bất động sản có phần trầm lắng, đặc biệt phân khúc nhà ở và nghỉ dưỡng, nên các chủ đầu tư tận dụng thời gian này để cải tiện hệ thống tiêu chuẩn thiết kế, và đưa thêm các tiêu chuẩn quốc tế để tạo sự cạnh tranh, phát triển bền vững và để phục vụ các khách hàng tốt hơn. 

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là những năm trước, công trình xanh chỉ áp dụng cho các dự án nhà máy, nhà xưởng theo yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia khi đặt hàng gia công sản xuất tại Việt Nam. Thì hiện nay công trình xanh đã có độ phủ rộng, đến nhiều phân khúc thu nhập không phải cao cấp, từ chung cư trung cấp cho đến các văn phòng hạng B đã bắt đầu đưa giải pháp xanh vào thiết kế.

Các đơn vị cung cấp giải pháp, trang thiết bị công nghệ, nhà thầu xây dựng đã bắt đầu nói nhiều về giải pháp xanh, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể ứng dụng trong công trình, đặc biệt là với chi phí khả thi và thời gian hoàn vốn nhanh hơn.  

Ông Vũ Linh Quang, Giám đốc điều hành ARDOR Green, thành viên Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam

Theo thống kê Tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam 2020, Việt Nam hiện có 172 dự án đã đạt chứng chỉ Công trình Xanh chính thức, nghĩa là sau khi công trình hoàn công và đưa vào sử dụng. 

Trong đó, Chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies), IFC, World Bank Group có 47 dự án, với 2.523.787m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận. Trong này, trên 80% là các công trình chung cư cao tầng.

Chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design), USGBC có 91 dự án, với 1.058.810m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận. Trong này, trên 80% là các công trình nhà máy, nhà xưởng, khu công nghiệp.

Chứng chỉ LOTUS (Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam), VGBC có 34 dự án, với 347.911m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận. Các công trình đạt chứng chỉ này khá đa dạng: Nhà máy nhà xưởng, nhà ở, văn phòng và trường học. Trong này, phần lớn là công trình quy mô nhỏ, không phức tạp. 

Ngoài ra, có một số chứng chỉ như Green Mark (Singapore), HQE (Pháp), DGNB (Đức) nghiêng về việc đánh giá về sức khỏe, cảnh quan như Fitwel, WELL, SITES do có ít dự án nên không nằm trong thống kê trên.

PV: Vậy các dự án của chúng ta đã đáp ứng tốt những tiêu chuẩn cơ bản của công trình xanh hay chưa, thưa ông?

Ông Vũ Linh Quang: Công trình xanh được đặt ra để có những yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, nước, vật liệu tối thiểu trên 20% so với tiêu chuẩn thiết kế chung, và đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe và tiện nghi của con người, vốn không có được đề cập chi tiết và cụ thể trong các quy chuẩn thiết kế. Do vậy, công trình xanh sẽ luôn nâng cao các tiêu chuẩn và yêu cầu, theo thực tế thị trường và sự phát triển của khoa học công nghệ, trang thiết bị xây dựng. 

Tuy nhiên, ở góc độ phủ xanh, tạo ra các không gian cây xanh, không gian mặt nước cảnh quan thì các dự án đã đáp ứng tốt, thậm chí vượt các yêu cầu của tiêu chuẩn cơ bản trong công trình xanh.

Các dự án khu dân cư lớn được quy hoạch đồng bộ và bài bản từ ban đầu đã có hệ thống không gian xanh, mặt nước, cùng các tiện ích cộng đồng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với việc biến đổi khí hậu tại Việt Nam. 

Mảng cây xanh hiện đã được ưa chuộng và gần như trở thành yêu cầu của chủ nhà khi thiết kế các công trình nhà phố, biệt thự hay thậm chí cả căn hộ chung cư. Cây xanh đã được phủ nhiều hơn, mang lại sự dễ chịu và thoải mái hơn cho con người, và dần dần đã không thể thiếu trong cuộc sống đô thị. 

PV: Được biết, ngày 1/10 tới đây, Chứng chỉ Công trình Xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) sẽ chính thức áp dụng phiên bản 3.0, phiên bản này có sự thay đổi nào so với phiên bản hiện hành? Sự điều chỉnh ấy hướng tới mục đích như thế nào?

Ông Vũ Linh Quang: Theo thông báo chính thức của IFC, World Bank Group, thì chứng chỉ Công trình xanh EDGE sẽ bắt buộc áp dụng phiên bản 3 từ 01/10/2021, thực tế các dự án đã có thể áp dụng phiên bản 3.0 từ tháng 3/2021. 

Các tiêu chí đánh giá EDGE cho Năng lượng, Nước và Vật liệu không có thay đổi. Thay đổi chính là việc cập nhật lại hệ thống cơ sở dữ liệu toàn cầu (global baseline) cho các mức tiêu thụ Năng lượng Nước và Vật liệu trung bình để đảm bảo việc tiết kiệm 20% phù hợp hơn với thực tế thị trường xây dựng. Đồng thời các thuận toán tính toán, tiêu chuẩn tính toán hệ thống điều hòa không khí theo ASHRAE 90.1-2016 và ISO để tính toán năng lượng chính xác hơn. 

Ngoài ra, các bộ công cụ đánh giá đã phân chia công năng rõ ràng hơn, tách biệt chung cư và nhà ở, công nghiệp và thương mại, nghỉ dưỡng/căn hộ dịch vụ và khách sạn, và có thêm hình thức công trình phức hợp.

Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo các yêu cầu của chứng chỉ EDGE luôn dẫn đầu thị trường, chính xác hơn, và cập nhật đầy đủ các công nghệ mới, tiêu chuẩn thiết kế tại Việt Nam, đồng thời cũng bỏ các công nghệ đã trở thành phổ biến, ví dụ như đèn LED.

PV: Liệu có khó khăn hơn cho các nhà phát triển bất động sản Việt Nam hay không khi mà số dự án công trình xanh vốn đã không nhiều, và nay lại tăng thêm về các tiêu chí để được xét chọn và cấp chứng chỉ, thưa ông?

Ông Vũ Linh Quang: Khi tham gia các tiêu chuẩn công trình xanh, công trình dự án tại Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh với các tiêu chuẩn quốc tế, đây là điều không thể tránh khỏi. Việc này là thử thách nhưng cũng đồng thời là động lực để các nhà phát triển bất động sản luôn cập nhật khoa học công nghệ, trang thiết bị, kiến thức nhằm mang đến các công trình xây dựng hiệu quả hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn. 

Đây cũng là bài toán đặt ra cho các nhà phát triển bất động sản để mau chóng có sự nghiên cứu, tìm hiểu và lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và thi công xây dựng vào công trình. Các dự án công trình xanh không nhất thiết phải đạt mức cao nhất, ví dụ mức Platinum cho LEED và LOTUS, hay mức Zero Carbon cho EDGE, mà cần đạt mức chứng chỉ tối thiểu là cũng đã rất tốt cho việc vận hành của công trình, sức khỏe cho con người và sự bền vững cho nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

Việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh ngay từ bây giờ, sẽ tạo thử thách ban đầu, nhưng sẽ không thuận lợi về sau. Khi các nhà phát triển bất động sản càng đợi và chần chừ trong việc áp dụng, thì việc này sẽ càng ngày càng khó khăn hơn. 

PV: Với kinh nghiệm đã triển khai nhiều dự án và đạt chứng chỉ EDGE, ông có chia sẻ gì về việc để một dự án có thể hoàn chỉnh, đáp ứng các tiêu chí mà chứng chỉ này đưa ra?

Ông Vũ Linh Quang: Chứng chỉ công trình xanh EDGE thường đòi hỏi các bên tư vấn thiết kế áp dụng các tiêu chí đánh giá EDGE từ giai đoạn Thiết kế ý tưởng, và không chậm hơn giai đoạn đầu của Thiết kế cơ sở. Khi áp dụng EDGE chậm trong quá trình thiết kế, sẽ gia tăng rủi ro trong việc không đạt các yêu cầu thiết kế công trình xanh, đặc biệt khi không thể điều chỉnh các hình dáng công trình, mặt đứng, các thông số kỹ thuật của trang thiết bị điện và nước bên trong tòa nhà. 

Chứng chỉ công trình xanh EDGE có 2 giai đoạn đánh giá và cấp chứng chỉ: Chứng chỉ EDGE tạm thời (EDGE Preliminary Certificate) được cấp sau khi dự án hoàn thành Hồ sơ bản vẽ Thiết kế Thi công, và chứng chỉ EDGE chính thức (EDGE Final Certificate) được cấp sau khi công trình hoàn công. Công tác thi công xây dựng cần tuân thủ các tiêu chí, đảm bảo việc làm đúng theo hồ sơ bản vẽ thiết kế, các thông số kỹ thuật, chủng loại vật tư, trang thiết bị đã được chỉ định.

Để đạt chứng chỉ EDGE chính thức, ngoài việc tư vấn xanh cần tổng hợp tất cả các hóa đơn mua trang thiết bị, sản phẩm, vật tư liên quan, thì đội ngũ kiểm định SGS tại Việt Nam còn đánh giá, khảo sát thực tế công trình với các thiết bị đo đạc, kiểm định chuyên dụng. 

Theo góc độ chuyên môn, tôi nhận thấy chứng chỉ công trình xanh EDGE là một bộ công cụ hiệu quả để đánh giá khả năng vận hành của công trình, các tiêu chí đánh giá cụ thể và rõ ràng, định lượng được bằng công cụ tính toán. Do vậy, chứng chỉ công trình xanh EDGE nên được tham khảo bởi các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam. 

PV: Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng công trình xanh tại Việt Nam trong tương lai?

Ông Vũ Linh Quang: Việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam đã mang lại một số hiệu quả về năng lượng trong vòng 10 năm qua. Giai đoạn ban đầu sẽ có những trở ngại đối với đơn vị xây dựng, chủ đầu tư, nhưng lợi ích mang lại của các giải pháp công trình xanh sẽ đẩy nhanh sự phát triển, đặc biệt là khi con người luôn cần sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, và đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bản thân và gia đình. 

Số lượng dự án xanh không ngừng tăng dần từ năm 2010, hiện nay, vào cuối năm 2020, đã có tổng cộng 172 dự án với gần 4 triệu mét vuông sàn xây dựng đạt chuẩn công trình xanh. 

Tôi cho rằng, với việc nhận thức của người dân ngày một gia tăng đối với các yêu cầu về việc tiết kiệm tiền điện, tiền nước, đảm bảo sức khỏe, giảm khả năng gây bệnh trong các công trình xây dựng, thì việc phát triển công trình xanh là tất yếu. Việc nhanh hay chậm thì sẽ còn ảnh hưởng rất nhiều các yếu tố khác từ phía phát triển dự án của chủ đầu tư, nhưng quan trọng nhất là các cơ chế chính sách đẩy mạnh việc phát triển công trình xanh từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. 

- Xin cảm ơn ông rất nhiều về cuộc chia sẻ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top