Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”, đây là báo cáo do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform). Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Báo cáo năm nay còn cho thấy, vẫn tồn tại nhiều thách thức, trở ngại với doanh nghiệp.
Tốc độ cải cách đang “giảm tốc”
Theo Báo cáo của VCCI, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 chậm hơn các năm trước khi tỷ lệ doanh nghiệp được đánh giá là tốt và rất tốt.
Cụ thể, danh sách 11 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh thuộc Nghị quyết số 02/NQ-CP chỉ ở mức 58,2%, cao hơn 1,2% so với năm 2019. Trước đó, trong giai đoạn 2018 - 2019, tỷ lệ này đã tăng từ 51,7% lên 57,5%.
Bên cạnh đó, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được khi chỉ có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2020.
Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2020 chỉ đạt 134.941 doanh nghiệp, thấp hơn 2,3% so với trong năm 2019, trong khi số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể cao hơn 13,93% so với năm 2019.
Ngoài ra, sự thay đổi các chỉ số về môi trường kinh doanh cũng thể hiện xu hướng trái ngược khi các chỉ số được xếp hạng thấp là phá sản doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư năm 2020 đã tăng tương ứng 3,9% và 4,6% so với năm 2019. Trong khi, chỉ số được xếp hạng cao là tiếp cận điện năng đã giảm 5,9% so với năm 2019.
Theo VCCI, các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh vẫn thể hiện sự tích cực hơn so với ở năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại, việc thực hiện một số biện pháp, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 02/NQ-CP đang chậm tiến độ. Rất nhiều các đầu mục công việc đáng ra phải hoàn thành nhưng đến đầu năm 2021 mới chỉ trong giai đoạn xây dựng dự thảo hoặc triển khai lấy ý kiến.
Thách thức cải thiện môi trường kinh doanh
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
Đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2020, từ thực tế ngành thủy sản, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến, chúng tôi không phủ nhận tác động của Nghị quyết và sự tham gia của các bộ ngành trong cải cách thể chế đối với hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong việc kiểm soát nhập khẩu thủy sản khi danh mục kiểm tra với mặt hàng này ngày một dày lên, 100% hàng thủy sản đều phải kiểm tra cả dịch thú y và an toàn thực phẩm, mà không có sự phân định hàng nguyên liệu hay hàng thành phẩm, cần phải được xem xét, đảm bảo thông lệ quốc tế.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, những thách thức đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Điều này cũng là quy luật tất yếu. Để bước từ cấp độ thể chế thấp lên thể chế trung bình thì dễ, nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều.
“Giờ chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên. Đây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia để đưa ra được các giải pháp hiệu quả về lâu dài”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Trước đây, chúng ta cải cách chỉ làm trong phạm vi một Bộ, ví dụ như Thủ tướng hay Chính phủ yêu cầu một Bộ sửa một Thông tư hay Nghị định thì nó chỉ nằm trong phạm vi tham mưu một Bộ, dễ dàng làm trong thời gian ngắn. Nhưng sắp tới có những vấn đề liên quan đến rất nhiều Bộ ngành, ví dụ quản lý chuyên ngành, quản lý chất lượng, một sản phẩm theo chuỗi nó có thể liên quan tất cả các Bộ, và đây sẽ là một trong những thách thức của cải cách trong thời gian tới. Cần phải có cơ quan giám sát độc lập để đảm bảo những cải cách đã có và sắp có sẽ được thực thi một cách có hiệu quả, ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ đóng vai trò then chốt, đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển những cơ chế cải cách tốt nhất, dễ đi vào thực tiễn nhất, tránh việc chồng chéo,...
TS. Phan Đức Hiếu
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)