Aa

Nặng duyên bồ muối

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Hai, 28/03/2022 - 06:09

Cuối xuân, nghe vị muối thấm nhuần nỗi nhớ. Nói gì cũng mặn, khi kỷ niệm đã kết tinh trong hơi biển ấm nồng.

Chẳng biết từ bao giờ, những góc bếp quê luôn có một chiếc bồ đựng muối ám khói, ngả màu nâu sậm. Nếu bếp quê mà không còn bồ muối, nghĩa là cái nét xưa cũ đã vợi đi rồi. Bồ đựng muối không phải hũ, chum làm bằng sành, sứ… như sau này người ta dùng. Bồ đan bằng tre, nứa, mây… vừa dày dặn sao cho đựng được muối, và cũng đủ thoáng để muối lúc nào cũng ráo khô, không đọng nước. Quê tôi cách biển hơn chục cây số. Cứ dăm ba ngày lại nghe người đổi muối rao ngoài ngõ: “Ai đổi muối… Đổi muối nao”.

Quanh năm suốt tháng vẫn tiếng rao ấy, đậm chất giọng người miền biển. Thỉnh thoảng, các nhà vẫn có nhu cầu đổi muối vặt. Sau mùa vụ, khi rơm phơi ngoài đường làng đã khô, được gom về đánh thành đụn rơm to đùng cạnh bếp, thì người già, trẻ nhỏ sẽ đi quét lúa đất. Đó là lúa còn sót lại, vương vãi, rơi rụng từ rơm trong lúc hong phơi. Mỗi khi bà ngoại tôi bện rơm nếp thành chổi để quét lúa đất ngoài đường, không quên bện thêm cho tôi chiếc chổi be bé, cán vừa bàn tay nhỏ nắm vào. Quét lúa đất không giống quét nhà, bà sẽ ngồi lên chiếc ghế gỗ nhỏ, thấp tịt mà quét từng li từng tí, từng hạt lúa vướng trong sỏi đá, ổ gà… tất nhiên lũ trẻ không bao giờ tỉ mẩn được như thế, chạy khắp đường làng, xốc nổi quét mỗi nơi một chút, vốc từng vốc cả lúa lẫn cát sạn cho vào mẹt nan.

Quét lúa đất vẫn không mất công bằng sàng sảy, hong phơi thêm nhiều lần nữa cho lúa vàng ươm, bóng sáng. Lúa ấy để đổi muối tháng Giêng. Bà tôi thường quở trách tất cả những ai trong nhà sàng sảy không sạch, để vướng sạn và hạt lép trong lúa. Bà không chấp nhận cái lý lẽ cho rằng lúa nhà ăn mới cần sạch, lúa mang đổi chỉ cần qua loa. Dường như đó cũng là nguyên do ông đổi muối rất hay ghé ngõ nhà tôi để được nhận những mẻ lúa sạch sẽ tinh tươm của bà. Lắm khi, nhà đã hết lúa đất, ông vẫn ghé, vẫn được bà tôi mời bát nước chè, củ khoai, ân cần như lúc bà tôi đưa nước, đưa khoai ra đồng cho con cái ăn lót dạ.

Gió mặn, nước mặn, mồ hôi mặn… tất cả sánh vào, cô đặc trong thân phận diêm dân. (Ảnh minh họa)

Bồ muối nhà nông rất nhanh vơi, vì có bao nhiêu việc cần đến muối, nhất là những dịp giỗ chạp, đình đám… nhưng quãng thời gian sôi nổi nhất, róng riết nhất khiến nhà nhà đua nhau đổi muối phải là tháng Giêng. Dân làng quan niệm, “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là thế. Nhà chưa hết muối, vẫn cứ muốn mua thêm sự mặn mà, đậm đà với mong ước dư vị ấy sẽ thấm vào cuộc sống, sẽ có những lúc “gừng cay, muối mặn” không thể rời bỏ, lãng quên, ai oán gì nhau. Người đổi muối thường là đàn ông. Có lẽ vì công việc ấy cần sức khỏe. Phải thật khỏe mạnh, dãi dầu mới chở được những bao muối trên xe, mới rong ruổi hết làng này tới làng khác. Tôi chưa gặp người đổi muối nào là phụ nữ. Nước da người miền biển đen sạm, khóe mắt sâu và nụ cười sáng rõ. Ai đi đổi muối cũng nói năng chất phác, hồ hởi và sau khi đong đếm xong bao giờ cũng vục cái bát men vào bao, thêm cho khách bát muối.

Sau này, khi đã rời quê, tôi có dịp đến nhiều làng biển và hiểu vì sao chẳng bao giờ thấy phụ nữ đi đổi muối. Họ khom lưng trên cánh đồng muối loa lóa trắng. Gió mặn, nước mặn, mồ hôi mặn… tất cả sánh vào, cô đặc trong thân phận diêm dân. Những nếp nhà xiêu, những đôi mắt trũng, những làn da sạm đen… đối lập hoàn toàn với màu biển xanh biếc, với màu muối trắng tinh. Những người mang lại cho thế gian này vị mặn mà, thấm đượm, lại có cuộc sống cơ cực, gian truân.

Tôi đã từng trò chuyện với những người phụ nữ làng muối, ước tính trung bình mỗi ngày họ phải gánh vài trăm lượt muối từ đồng về nhà kho. Nếu tính tuổi của họ cùng với những tháng năm dầu dãi trên cánh đồng trắng xóa này, thì cả bao nhiêu tấn muối đã chất lên đôi vai gầy guộc. Diêm dân tâm sự, mùa xuân cũng là mùa họ muốn đi đổi muối nhất năm. Bởi con người khi ấy còn vui tươi, hào sảng, ai cũng hướng lòng mình tới một khởi đầu êm ấm, dù chỉ là đổi muối. Quãng ấy, dù có mưa cũng chỉ bay bay, lất phất trong rét lộc, rét đài, chẳng thấm đâu so với mưa nắng trên đồng muối. Cực nhất phải kể tới tháng 7 mùa ngâu hay lúc mưa phùn gió bấc lướt mướt mùa đông, mà vẫn cứ phải làm muối, đổi muối lấy đồng tiền bát gạo. Đã có những người đổi muối lưu lại ở nhà tôi suốt ngày trời chỉ vì gặp mưa tháng 7, sấm chớp đùng đoàng không ngớt. Người đàn ông ấy ăn cơm cùng, chơi cờ với bố tôi, lúc rời đi nhất quyết để lại nửa bao muối mặc cho cả nhà ra sức chối từ. Sự trong sạch, nghĩa tình thể hiện cả khi dân ta nghèo khó, éo le là thế.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật

Bồ đựng muối suốt tuổi thơ tôi chứa đựng nhiều bí mật. Từ khi tôi còn rất nhỏ, chơi trốn tìm có thể nép sau cái bồ muối to đùng, ngồi yên đó thì chắc chắn không ai tìm nổi. Mẹ tôi đi chợ xa về, mua được mấy quả dừa khô, ngồi tách cùi ra thành những nửa tròn như gáo nước, trắng ngần, vùi ngay vào bồ muối. Chỉ cần tới buổi cơm, mang ra, cắt từng miếng nhỏ, cả nhà có món tạm để ăn. Vị muối mặn bám vào cùi dừa ngọt bùi, thơm thơm khiến lưng cơm độn dễ bề trôi chảy. Thỉnh thoảng, bố tôi nhờ cậy mua được hộp sữa bò, về bồi dưỡng thêm cho mấy chú mèo con vừa mất mẹ, chưa kịp cứng cáp, không biết bảo quản ở đâu để vừa tiệt trùng, vừa khỏi sự “dòm ngó” của đám trẻ nít trong nhà, thì nơi lý tưởng nhất chính là bồ đựng muối. Nhưng tất cả bí mật với trẻ con đều trở nên vô nghĩa.

Bây giờ, mùa xuân sắp sắp sửa đi qua, nhưng có lẽ sẽ hiếm hoi lắm để tôi gặp được trong một gian bếp quê nào đó hình ảnh một chiếc bồ đựng muối. Tôi cũng không còn gặp trong mùa xuân những tiếng rao mang theo phong vị biển. Những dáng người tất tả ngược xuôi. Diêm dân thì vẫn còn, vẫn chang chang mưa nắng trên đồng muối. Vị mặn mà nồng đượm vẫn tỏa đi khắp thế giới này với muôn trùng biến tấu. Trên những bàn tiệc sang trọng nhất hay trong bữa cơm cơ hàn, muối vẫn mặn như nhau. Song, tôi nghĩ vị giác con người thì lại khác, với cùng một hạt muối, một kiểu mặn được kết tinh từ hồn phách đại dương. Tôi vẫn cứ mãi thiết tha, nhung nhớ những vị mặn không tháng năm nào sau này bù đắp được. Muối mặn vào cùi dừa già ăn chung cơm độn. Muối mặn vào cả lon sữa bò rỉ sét mà xa xỉ. Muối nồng nàn trong câu chuyện diêm dân. Cuối xuân, nghe vị muối thấm nhuần nỗi nhớ. Nói gì cũng mặn, khi kỷ niệm đã kết tinh trong hơi biển ấm nồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top