Tín hiệu tích cực cho việc nâng hạng thị trường
Tại Tọa đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức sáng 23/7, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những triển vọng tích cực về việc nâng hạng thị trường.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua thị trường chứng khoán đã có nhiều chuyển biến tốt trong tiến trình nâng hạng. Chính phủ và Bộ Tài chính đã thực hiện hàng loạt cải cách quan trọng nhằm tháo gỡ rào cản, cải thiện khung pháp lý và điều kiện vận hành thị trường.
"Các tiêu chí cứng về mặt kỹ thuật đã cơ bản đáp ứng, trong khi các tiêu chí mềm liên quan đến trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được cải thiện. Hằng tuần, chúng tôi đều tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư quốc tế để lắng nghe và điều chỉnh chính sách kịp thời. Đặc biệt, trong quá trình trao đổi, các nhà đầu tư đều bày tỏ thái độ tích cực, đánh giá cao khuôn khổ pháp lý và mức độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Hải chia sẻ.
Về khả năng nâng hạng trong thời gian tới, ông Hải cho rằng dù mục tiêu có đạt được ngay trong tháng 9 này hay không thì những cải cách vừa qua và quyết tâm tiếp tục cải cách tới đây đều là yếu tố then chốt giúp thị trường và nhà đầu tư được hưởng lợi.
"Chúng tôi khẳng định, nâng hạng không phải là đích đến cuối cùng, mà là hệ quả tất yếu của quá trình cải cách. Mục tiêu cuối cùng là để thị trường chứng khoán phát triển một cách minh bạch, hiệu quả và có chiều sâu để nhà đầu tư yên tâm đồng hành dài hạn", ông nhấn mạnh.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cùng quan điểm, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital đánh giá rằng, với quyết tâm từ chính sách và các hành động mạnh mẽ từ cơ quan quản lý, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell hoàn toàn có thể đạt được vào tháng 9 tới. Thậm chí, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI trong vòng 18 - 24 tháng tiếp theo.
Đặc biệt, theo bà Minh, thị trường đang có một chất xúc tác mạnh mẽ là sự chuẩn bị IPO của nhiều doanh nghiệp lớn trong giai đoạn 2026 - 2027. Điều này tạo thêm lực đẩy đáng kể cho thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá tăng trưởng.
Nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia là yêu cầu quan trọng
Theo các chuyên gia, khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào Việt Nam, tất yếu mang lại hiệu quả cho thị trường và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSIAM chia sẻ, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn nước ngoài, ông nhận thấy nhiều tổ chức đang ở trong trạng thái "chờ sẵn". Họ chỉ cần thị trường Việt Nam được nâng hạng và đáp ứng các tiêu chí nhất định là sẽ sẵn sàng giải ngân.
"Ngay khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động từ các quỹ ETF đổ vào. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, lượng vốn này có thể chỉ dao động trong khoảng 1 - 2 tỷ USD. Ngược lại, các dòng vốn chủ động từ các quỹ đầu tư lớn có thể lên tới 5 - 10 tỷ USD, nếu chúng ta chuẩn bị đủ tốt", ông Dũng nhận định. Ông cũng nhấn mạnh, để tiếp cận được các dòng vốn này, các doanh nghiệp cần nâng chuẩn về minh bạch thông tin, quản trị rủi ro và thực hành ESG một cách nghiêm túc.
Ở góc độ khác, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI AM cho rằng, ngoài yếu tố nâng hạng thị trường, việc nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng có vai trò quyết định trong việc thu hút dòng vốn dài hạn.
"Khi Việt Nam đạt mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư, doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lãi suất vay thấp hơn trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại cũng trở nên ổn định và gắn bó lâu dài hơn với nền kinh tế Việt Nam", bà Trịnh Quỳnh Giao chia sẻ.
Chính vì vậy, việc nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng là một nhiệm vụ cần thiết bên cạnh nâng hạng thị trường chứng khoán. Cùng với đó, để thị trường chứng khoán thực sự phát triển, không chỉ nhìn vào nguồn vốn ngoại, Việt Nam cũng cần lưu tâm nhiều hơn đến nguồn vốn nội.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI AM
Bà Giao cho biết: "Vấn đề không phải là thu hút, mà là khơi thông. Vốn trong dân rất nhiều, chỉ tính riêng tiền gửi ngân hàng đã lên tới 76 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản số, vàng và nhiều kênh tích trữ khác cũng đang chiếm tỷ trọng lớn".
Theo bà, để giải phóng nguồn lực khổng lồ này, cần đặt trọng tâm vào giáo dục tài chính. Việc nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ giúp họ sớm hình thành tư duy đầu tư, thay vì chỉ tiết kiệm hoặc tích trữ./.