Nguồn lực mới dẫn dắt tăng trưởng dài hạn
Tại Tọa đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức sáng 23/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng.
Từ một kênh đầu tư còn xa lạ với số lượng nhà đầu tư khiêm tốn ở giai đoạn đầu, đến nay, thị trường chứng khoán đã ghi nhận hơn 10 triệu tài khoản giao dịch, cho thấy mức độ lan tỏa sâu rộng của kênh đầu tư này trong xã hội.
Nếu như trước đây, cơ quan quản lý phải chủ động vận động doanh nghiệp cổ phần niêm yết, thì hiện tại, quy mô vốn hóa thị trường đã đạt tới 8,3 triệu tỷ đồng, đạt hơn 60%, thậm chí có lúc gần 75% quy mô GDP, phản ánh sự phát triển bền vững cả về chiều rộng và chiều sâu trong suốt một phần tư thế kỷ qua.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định, thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển theo hướng thực chất, xứng đáng là một kênh đầu tư quan trọng và hiệu quả. Bởi Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều lực đẩy mới, cùng với đó thị trường chứng khoán sẽ được nâng hạng trong thời gian không xa, tạo điều kiện thuận lợi để thị trường phát huy tiềm năng và tiếp tục bứt phá.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Tọa đàm.
Phân tích những động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán giai đoạn tới, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, nếu như giai đoạn 2007 - 2025 chứng kiến lực đẩy từ bên ngoài - nguồn lực "ngoại sinh" - nhờ thu hút các "đại bàng" FDI, thì từ năm 2025 trở đi, các nguồn lực "nội sinh" sẽ đóng vai trò dẫn dắt chu kỳ tăng trưởng mới.
Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu Việt Nam có ít nhất 20 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là mục tiêu rất nghiêm túc và lớn lao. Từ mục tiêu này, lần đầu tiên khối tư nhân được giao phó sứ mệnh quốc gia, được dẫn dắt bởi sự đồng lòng, nhất trí cao độ và cùng nhìn về một hướng. Đây là điều vô cùng khác biệt so với các năm trước.
Song song đó, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy (từ 18 giảm còn 14 bộ, từ 63 giảm xuống 34 tỉnh thành), dù tạo áp lực thay đổi rất nhanh, nhưng theo bà Minh, nhịp độ này là cần thiết và là động lực để nền kinh tế nói chung và thị trường vốn nói riêng phát triển. Từ đó, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán bứt phá.
Các cải cách về lập pháp diễn ra mạnh mẽ cũng là một lực đẩy quan trọng. Trong 1 năm qua, số lượng luật và nghị định được Nhà nước ban hành gấp 2 - 3 lần tổng số của 3 năm trước cộng lại. Đặc biệt, có các cơ chế đặc thù cho Chính phủ để giải quyết vướng mắc do cơ chế tạo ra. Cụ thể là Nghị quyết 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Trong khi đó, hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 2.887 dự án vướng mắc với tổng số tiền đã đầu tư 235 tỷ USD, tương đương với 50% GDP.
"Chỉ cần các dự án được tháo gỡ thì nguồn lực sắp tới được bung ra cho nền kinh tế là rất mạnh mẽ", bà Đặng Nguyệt Minh nêu quan điểm.

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital phát biểu trực tuyến.
Một cú hích khác đang đến từ quá trình nâng hạng thị trường. Sau hơn một thập kỷ được đề cập, hiện nay, việc nâng hạng đã không còn là một cam kết đơn lẻ, mà trở thành một chiến lược mang tính hệ thống, được phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này thể hiện qua chiến lược với 3 trọng tâm chính: hoàn thiện thể chế, cải thiện và nâng cao hạ tầng kỹ thuật, chủ động đối thoại với các định chế tài chính.
Với cú hích từ nâng hạng thị trường, nhiều thương vụ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 2026 - 2027, với quy mô niêm yết ước tính lên tới 47,5 tỷ USD. Trong đó, mảng tiêu dùng kỳ vọng đóng góp 12,8 tỷ USD với loạt doanh nghiệp lớn như Thaco Auto, Bách Hóa Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee... Còn quy mô niêm yết mới trong mảng dịch vụ tài chính dự kiến đạt trên 5 tỷ USD, công nghệ 4,7 tỷ USD, khách sạn 2 tỷ USD và chăm sóc sức khỏe khoảng 1,9 tỷ USD.
"Chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng trong tháng 9 này và tiến tới lọt vào rổ thị trường mới nổi của MSCI trong 18 - 24 tháng tới", Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital nhận định.
Đa dạng hóa sản phẩm, chuyển hóa tư duy để thị trường phát triển
Dù có nhiều lực đẩy để tiếp tục bứt phá, song các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế.
Bà Đặng Nguyệt Minh cho biết, nhà đầu tư chứng khoán hiện nay đang chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân với mục đích "lướt sóng", chưa nhiều nhà đầu tư có tâm lý đầu tư dài hạn khiến thị trường chứng khoán thiếu bền vững, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thị trường.
Các sản phẩm trên thị trường chứng khoán cũng chưa thực sự đa dạng và chất lượng hàng hóa cần tiếp tục được cải thiện. Thị trường chứng khoán cơ sở vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ.
Vì vậy, chuyên gia Dragon Capital đề xuất giải pháp đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm và đa dạng hóa nhà đầu tư. Theo đó, cần đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư tổ chức lớn, toàn cầu, dài hạn; chuyển hóa nhận thức từ "lướt sóng" sang "tích sản định kỳ" dài hạn cho các nhà đầu tư cá nhân.
Cùng với đó, cần nâng tầm doanh nghiệp niêm yết theo hướng cải thiện tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, tăng năng lực công bố thông tin và minh bạch tài chính, mở rộng quy mô doanh nghiệp tư nhân tham gia niêm yết.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước cũng đồng tình rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải thay đổi "mindset" - tư duy của các nhà đầu tư, từ hướng "lướt sóng" ngắn hạn sang đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư cũng cần được nâng cấp chuyên nghiệp hơn để vừa hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo bền vững cho thị trường./.