Aa

Năng lượng của niềm tin

Thứ Năm, 15/02/2024 - 06:10

Đất nước vào Xuân, hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Những "mốc Xuân" năm 2025, 2030... và 2045 đang ở phía trước. Chắc chắn, trong nguồn năng lượng của chúng ta có sự "chung sức đồng lòng", cùng nhau vượt khó, tiến về phía trước.

Mỗi độ Xuân về, trong tĩnh lặng của thư phòng, tôi thường có những phút giây "kiểm điểm" lại bản thân. Một năm đã qua. Giao mùa đã đến. Một năm khởi đầu từ mùa xuân; thế nhưng bàn chân bước đến vô tận của đời người cũng vừa nhấc thêm một bước.

Trong dòng suy tư ấy, tôi tự thấy mình "vĩ đại".

Quê tôi là thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Mẹ tôi mất sớm, khi tôi mới 12 tuổi. Cũng vì thế, cha tôi - một công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, xung phong "tinh giản biên chế" của thời kỳ đầu Nhà nước thực hiện chủ trương này. Ông về quê làm ruộng để nuôi ba con còn thơ dại.

Tôi thiệt thòi hơn chúng bạn. Bù lại, học sáng dạ; quan trọng hơn, cha ông tôi truyền cho mình nghị lực. Tôi thuộc số ít trong đám học trò sau khi tốt nghiệp cấp 2 (phổ thông cơ sở) dám bước vào cấp 3 (trung học phổ thông). Tôi dùng từ "dám", bởi trường xa nhà đến 12km. Nhà nghèo, cha tôi chỉ dành cho tôi được "đặc ân" đi học, không phải bỏ giữa chừng về làm ruộng. Thế nhưng, cũng vì nghèo, đằng đẵng ba năm học tôi đi bộ.

So với thế hệ của tôi, lớp trẻ bây giờ thật hạnh phúc. Câu chuyện tôi đi bộ đi học, không có điều kiện trọ học, bây giờ thành thứ "cổ tích", nói không ai hình dung được. Nắng còn đỡ, mưa mới khổ sở. Thế nhưng bàn chân nhỏ bé, gầy guộc đã nâng cuộc đời tôi. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đỗ ngay vào Đại học, bước vào giảng đường.

Một thời, ít nhất trong họ tộc, câu chuyện tôi đi học có ý nghĩa truyền cảm hứng về sự chịu khó, kiên trì. Noi gương tôi, các em không cam chịu, vươn lên và đều đã thành công, ít nhiều tạo nên "số phận" mới.

Xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, một thời gian dài là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Trong phạm vi tỉnh, chứ chưa nói đến huyện, rất ít ngành nghề thủ công. Khái niệm "thuần nông", trở thành một đặc điểm của xã hội. Vì thế, để thoát nghèo, chỉ có một con đường duy nhất - "con đường học". Không phải như bây giờ, vô khối sự lựa chọn "thoát nghèo". Thời đại chuyển đổi số, điện thoại thông minh có trên tay bất cứ người dân nào, ngồi ở thị trấn quê vẫn có thể tham gia thương mại điện tử, mua bán online. Đấy cũng là cách thức, con đường "chuyển đổi cơ cấu".

Năng lượng của niềm tin- Ảnh 1.

Một thời, để thoát nghèo, chỉ có một con đường duy nhất - "con đường học". (Ảnh minh họa: IT)

Tôi nhớ TSKH. Phan Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có nói: Cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những năng lượng vô tận. Đúng là vô tận. Vô tận con đường. Các bạn trẻ đã và đang nô nức khởi nghiệp, rất đông start-up thành công chính nhờ những cơ hội thời đại mang đến. Không như thế hệ tôi.

Có điều tôi mừng, tự động viên bản thân, dường như càng khó khăn, càng thua thiệt, con người càng được trui rèn bản lĩnh. Không đầu hàng hoàn cảnh là một phẩm chất người Việt.

Quê tôi, thị trấn nhỏ, nằm ven quốc lộ 1A. Dẫu "nhất cận thị, nhì cận giang"; tuy nhiên bao đời nay, phần lớn người nghèo khổ. Trong ký ức tôi vẫn chưa thể quên được những trận bão đi qua, những trận mưa ngập trắng đồng.

"Lốc số hai tràn qua/ Bão số ba ập đến/ Khuôn mặt cha sạm những cù lao nổi/ Sóng đổ vào vầng trán sóng đầy hơn" (Một khúc miền Trung, thơ Đoàn Xuân Hòa). Đó là cả một trời hoài niệm.

Trong ký ức tôi vẫn chưa quên được "giáp hạt" tháng ba, ngày tám. Nói một cách dễ hiểu, quanh năm, có hai vụ, thường thời gian "gối vụ" là thiếu đói, nhà hết gạo. "No ba bữa Tết, ấm ba tháng hè" (ca dao Xứ Nghệ), hẳn nhiều người còn nhớ.

Nay quê tôi đã khác. Nhờ thành công sau gần 40 năm đổi mới, chuyển đổi cơ cấu, đẩy mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, mở mang dịch vụ... quê đã "bước" lên phố, thừa tiêu chí đô thị loại 2, trong các khu phố đã không còn hộ đói. Hộ gia đình có xe máy, ti vi, nhà kiên cố tất nhiên đã 100%; hộ có nhà biệt thự, kiểu nhà vườn theo mode Nhật Bản, hoặc hiện đại theo kiểu dáng châu Âu đã rất nhiều.

Trong số hộ giàu lên, trừ những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động gửi kiều hối về, phần lớn thay đổi nhờ siêng năng, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó; biết đổi mới sáng tạo.

Mỗi lần về quê, luôn nhận ra sự thay đổi. Tôi mừng cho quê nhà và bà con quê hương. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, có biết bao tấm gương giàu nghị lực, luôn biết vươn lên trong cuộc sống. Tôi thích sự gần gũi. Trong làng quê của mình, tôi nhận ra biết bao tấm gương vượt khó. Dẫu lập nghiệp ở làng hoặc nơi "đất khách".

Năng lượng của niềm tin- Ảnh 2.

Nhờ thành công sau gần 40 năm đổi mới, chuyển đổi cơ cấu... nhiều làng quê đã "bước" lên phố, bộ mặt từ đô thị đến nông thôn đều khang trang hơn. (Trong ảnh là thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh - Nguồn: Báo Hà Tĩnh)

***

Không ở đâu trên thế giới này có một quốc gia có nền "văn học đại chúng" phát triển như ở Việt Nam. Cha ông đã để lại cho chúng ta cả một "kho tàng" ca dao tục ngữ, chứa đựng nhiều giá trị luân lý, thông điệp đời sống.

Phẩm chất bền bỉ, kiên trì, chịu thương, chịu khó là đức tính đáng quý của người Việt mình. "Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn/ Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim" (ca dao); những "giá trị" này cũng được ca dao nói đến, và chúng ta gặp rất nhiều, người nọ, người kia có thể thuộc các câu khác nhau.

Cách đây hơn một năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới". Mùa Xuân Giáp Thìn 2024 này, đất nước đã bước vào năm thứ ba sau "Hội nghị Diên Hồng" về chấn hưng văn hóa (tháng 11/2021).

Phải nói rằng, ý chí của người Việt, phẩm chất kiên trì, chịu thương, chịu khó... là thành tố góp phần hun đúc nên hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực của người Việt Nam.

Đối với quốc gia, nhờ nó, dân tộc ta đã chiến thắng thiên tai, địch họa, chiến thắng giặc ngoại xâm để đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta".

Với mỗi cá nhân, gia đình, nhờ nó, đã vượt qua số phận, hoàn cảnh để xây dựng cuộc sống. "Tự lực cánh sinh" (thành ngữ); "Giàu người ta chẳng có tham/ Khó khăn ta liệu ta làm ta ăn" (ca dao).

Năng lượng của niềm tin- Ảnh 3.
Năng lượng của niềm tin- Ảnh 4.

Đất nước vào Xuân, hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Chắc chắn, trong nguồn năng lượng của chúng ta có sự "chung sức đồng lòng", cùng nhau vượt khó, tiến về phía trước. (Ảnh minh họa: IT)

Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, hiện đang ở nhóm các quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trung bình thấp, đời sống nhân dân nói chung còn nhiều khó khăn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra mục tiêu: "Đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Để đạt được mục tiêu đó, ngoài những chính sách ở tầm vĩ mô, dân tộc này càng đòi hỏi phải tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu.

Bài học chiến thắng Covid-19 trong 2 năm 2021 - 2022, là bài học về đoàn kết, bài học chung sức đồng lòng, bài học của sáng tạo.

***

Mỗi lần nhớ quê nhà, trong tâm thức tôi vẳng lên những câu thơ trong tuyệt thi "Sông Lam" của nhà thơ đàn anh Trần Mạnh Hảo. "Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát/ Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi/ Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút/ Một củ khoai cũng lấp ló mây trời/ Con cò mặc áo tơi đi học/ Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi". Vất vả như thế, nhưng bù lại, con người giàu ý chí. Đó là mảnh đất hiếu học, "Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa".

Trần Mạnh Hảo đã ẩn dụ phẩm chất kiên cường, vượt khó của người dân Xứ Nghệ bằng thi ảnh không thể tài tình hơn. Tuy nhiên, lòng kiên cường, sự đoàn kết mạnh mẽ, ý chí vươn lên, đạp bằng gian khó, đổi mới sáng tạo là vẻ đẹp chung của con người Việt Nam, không cứ "đặc hữu" của vùng miền nào.

Đất nước vào Xuân, hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Những "mốc Xuân" năm 2025, 2030... và 2045 đang ở phía trước. Chắc chắn, trong nguồn năng lượng của chúng ta có sự "chung sức đồng lòng", cùng nhau vượt khó, tiến về phía trước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top