Nâng tầm Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Nâng tầm Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Tư, 25/01/2023 - 06:08

Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng du lịch sẵn có cùng hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, Bà Rịa - Vũng Tàu đang quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trong đó phát triển TP. Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế.

Trong vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong và đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao. Đây cũng là điểm cuối của dải ven biển từ miền Trung trở vào có thể phát triển du lịch biển.

Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu nhiều khu vực cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành, cùng các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, quần đảo Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được biết đến vừa là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển, một trong những khu Ramsar được thế giới công nhận và đánh giá cao.

Chưa kể, địa phương này nằm liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam Bộ và có thị trường hơn 18 triệu dân với thu nhập tính theo đầu người cao gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh...

Có thể thấy rằng, sự hội tụ của tất cả những yếu tố trên đã tạo điều kiện để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận, là một trong những điểm đến hàng đầu vốn đã định hình thương hiệu từ lâu.

Tuy nhiên trên thực tế, tỷ phần đóng góp và sức lan tỏa của ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đối với sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu cũng như tiềm năng và lợi thế sẵn có. Sau nhiều năm phát triển theo hướng đại trà, Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần chuyển mình lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị du lịch, với sự hình thành các cụm ngành du lịch chất lượng cao, các trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

 

SẴN SÀNG TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN QUỐC GIA

Tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, với tầm nhìn dài hạn, TP. Vũng Tàu được định hướng phát triển không chỉ là trung tâm du lịch cấp vùng, cấp quốc gia mà phải phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được định hướng để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.

Nghị quyết 24 đã đề ra nhiều nhóm giải pháp mang tính chiến lược và được kỳ vọng sẽ mang lại đột phá cho ngành du lịch của TP. Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, định hướng tại Nghị quyết 24-NQ/TW không chỉ là nhiệm vụ đặt ra cho riêng TP. Vũng Tàu, mà chính là mục tiêu của toàn tỉnh, đồng thời là cơ sở và cũng là cơ hội lớn để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một cực tăng trưởng quan trọng cho vùng kinh tế phía Nam cũng như cả nước.

Chủ tịch Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong Quy hoạch thời kỳ tới, tỉnh tiếp tục xác định du lịch là một trong năm trụ cột kinh tế quan trọng với việc định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam, tiêu biểu như chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo...

Để phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng như: Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM, nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị… Khi hệ thống hạ tầng giao thông được hoàn thiện sẽ tăng cường sự liên kết các hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung giữa các địa phương trong khu vực.

Song song với đó là phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, đáng sống và hấp dẫn du khách; đồng thời phát triển các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, phát triển các khu du lịch phức hợp… để đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Đồng thời, phải xây dựng, kiến tạo hệ thống giá trị văn hóa du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu; nâng cao nhận thức về du lịch; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; tổ chức hoạt động du lịch thông suốt, hệ thống; chú trọng liên kết thu hút đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

ĐIỂM ĐẾN CỦA NHỮNG "PHƯỢNG HOÀNG"

Bên cạnh phát triển du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu còn được biết đến là trung tâm dầu khí của quốc gia, trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và cảng biển của vùng. Với phương châm "tất cả vì sự hài lòng của nhà đầu tư", Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Số dự án đầu tư được cấp phép mới của tỉnh nằm trong Top 5 của cả nước.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 415 dự án đầu tư nước ngoài gồm nhiều lĩnh vực như: Dầu khí, công nghiệp, hạt nhựa, thiết bị điện tử… với tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đối với hoạt động thu hút đầu tư trong nước, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là điểm đến tiềm năng với 605 dự án gồm nhiều ngành nghề như: Dệt, may mặc, năng lượng điện, công nghiệp chế tạo… với tổng vốn đăng ký hơn 307.000 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả trên, Bà Rịa - Vũng Tàu đã luôn đồng hành với doanh nghiệp, chú trọng giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm hoạt động, từ đó tạo ra kênh xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính. Các khu công nghiệp cũng được đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh cũng tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh.

Đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy, thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu trong thu hút đầu tư là về tài nguyên và thiên nhiên khi địa phương đứng thứ 5 châu Á về khai thác dầu khí với hơn 93% lượng dầu và 16% lượng khí thiên nhiên của Việt Nam nằm ở thềm lục địa ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu. Trữ lượng dầu mỏ ước tính hơn 1,5 tỷ tấn và khí đốt khoảng 1.000 tỷ m3.

Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có bờ biển dài hơn 300km; 8 nhà máy điện với tổng công suất hơn 4.244 MW, chiếm khoảng 16,8% sản lượng điện quốc gia; 9 nhà máy nước công suất khoảng hơn 200.000m3/ngày đêm. Về hạ tầng giao thông, những năm vừa qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông kết nối đến cảng biển, sân bay, các tỉnh, thành phố lân cận và quốc tế.

Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có lợi thế về cảng biển nước sâu để phát triển công nghiệp, du lịch, kết hợp với sự phát triển năng động của các tỉnh lân cận trong khu vực Đông Nam Bộ là những điều kiện quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đầu tư và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

Nhằm tiếp tục phát huy các thế mạnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh đang kiên trì thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số doanh nghiệp địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn.

Lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt về chi phí và thời gian. Bên cạnh đó, tỉnh cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nhân cùng doanh nghiệp “vươn ra biển lớn”; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm tìm kiếm những cơ hội mới cho các doanh nhân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và cả nước.

CƠ HỘI CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN BỨT PHÁ

Với những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, địa hình cũng như hạ tầng cơ sở, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là thị trường bất động sản sôi động nhất tại khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung. Mức độ quan tâm và nguồn vốn rót về từ các nhà đầu tư cũng vì thế ngày một tăng nhanh.

Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra nhiều quyết sách về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông và đô thị nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản cũng như kinh tế địa phương phát triển. Trong đó, tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng giao thông từ đường hàng không đến đường bộ; đẩy mạnh đầu tư giao thông kết nối nội vùng, tạo thuận lợi cho sự phát triển cảng biển.

Về giao thông đường bộ, có thể kể đến các dự án đã và đang được đầu tư triển khai, điển hình như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án đường 911B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép; tuyến đường Bà Rịa - Châu Pha; đề án xây dựng tỉnh lộ 994; đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu…  

Bà Rịa - Vũng Tàu là thị trường bất động sản sôi động nhất tại khu vực Đông Nam Bộ.

Về đường hàng không có thể kể đến dự án sân bay chuyên dùng Lộc An (sân bay Hồ Tràm). Dù mới chỉ là dự kiến nhưng dự án này được xem là bước ngoặt giúp du lịch địa phương phát triển hơn trong tương lai.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, 10 dự án trọng điểm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được hoàn thành cả đầu tư công lẫn kêu gọi đầu tư. Việc đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu trở nên sôi động, thu hút lượng lớn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Những lợi thế về hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp và du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu đã thúc đẩy và kích thích thị trường bất động sản tại đây tăng trưởng mạnh, kéo theo đó là nhu cầu sở hữu bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là tại các phân khúc như: Bất động sản thương mại, nghỉ dưỡng, công nghiệp và bất động sản liền kề khu công nghiệp như đất nền, nhà liền thổ.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top