Gian truân kiểm định chất lượng môi giới bất động sản
Kể từ sau Tết nguyên đán, chị T.H gửi ba đứa con về quê cho ông bà nội ngoại chăm sóc, còn chị cùng một nhóm bạn môi giới bất động sản (BĐS) vào Bình Thuận để “cắm chốt”. Khi được hỏi lý do vì sao phải "nằm vùng" ở một nơi lâu đến vậy, chị H cười, trả lời: “Chúng tôi có khi phải ở một nơi đến cả năm trời, còn để có thời gian tìm hiểu, xác thực thông tin đất, đi khảo giá trong dân. Chứ giờ ở đâu cũng "sốt đất", chính bản thân môi giới không cẩn thận là cũng đi toi”.
Tính đến nay, chị T.H đã làm nghề môi giới BĐS được gần 6 năm, với chứng chỉ đầy đủ. Chưa bàn đến độ “có tâm” trong làm nghề, thì dường như, trước những biến động của nhiều đợt “sốt đất” từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều môi giới chân chính như chị H cũng trở nên e dè và thận trọng trước những sự cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Giai đoạn thị trường BĐS bùng nổ vài năm qua đã kéo theo một lượng nhân sự lớn tham gia vào lĩnh vực môi giới địa ốc cả chuyên và bán chuyên. Nhóm doanh nghiệp BĐS cỡ vừa và nhỏ luôn nằm ở top 3 những ngành có lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất, và hầu hết trong số này đều là các sàn môi giới.
Theo thống kê sơ bộ chưa đầy đủ của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 người làm nghề môi giới địa ốc. Hàng năm, có trên 100.000 giao dịch BĐS được thực hiện ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Điều này cho thấy, lực lượng môi giới có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy các giao dịch và sự phát triển của thị trường BĐS.
Tuy vậy, trải qua đại dịch Covid-19, 80% sàn giao dịch vừa và nhỏ phải phá sản hoặc sống lay lắt, đa số sống dựa vào sản phẩm của chủ đầu tư. Nhiều môi giới viên khó khăn trong tiếp cận khách hàng tiềm năng, bỏ ra rất nhiều chi phí cho marketing, quảng cáo nhưng không hiệu quả.
Chưa kể, trong con số 300.000 môi giới địa ốc, chỉ 10% có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, việc thiếu kiến thức, kỹ năng là một trở ngại lớn để nâng tầm chất lượng môi giới.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam phân tích: “Nghề môi giới không đơn thuần là giới thiệu bất động sản, giao dịch mua bán bất động sản, mà là một ngành kinh doanh trong hệ sinh thái BĐS với nhiều yêu cầu khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức. Chính người môi giới góp phần tạo nên thị trường BĐS ngày càng phong phú và đa dạng. Bởi lẽ, thông qua nhà môi giới bất động sản, chủ đầu tư nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân để liên tục phát triển sản phẩm”.
Là lực lượng góp phần thúc đẩy thị trường phát triển, nhưng thời gian qua, những môi giới địa ốc không chuyên nghiệp cũng đã tham gia vào việc thổi giá, tạo nên sự bất ổn cho thị trường. “Sốt đất” khiến nhiều nhà đầu tư lao vào nợ nần, phá sản.
Cần những cách làm mới
Nghị định 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực trong năm 2022 đang thiết lập lại trật tự của thị trường địa ốc. Điển hình nhất là môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt 60 triệu đồng. Các hành vi sai phạm khác liên quan đến hoạt động môi giới, có thể có mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Từ sự siết chặt này, vài tháng qua, số người đăng ký học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS đã tăng gấp nhiều lần so với cuối năm ngoái. Tại một trường cao đẳng có đào tạo ngành quản lý BĐS trên địa bàn TP.HCM, tháng 1/2022 chỉ có hơn 100 thí sinh dự thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Nhưng đến cuối quý I, con số này lên hơn 1.000 người, tức là tăng gấp 10 lần. Còn tại Nghệ An, Sở Xây dựng cho biết, chỉ riêng tháng 3/2022, tại địa phương có khoảng 500 người đã làm hồ sơ xin phép cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Hiện nay lực lượng môi giới BĐS chưa được quản lý chặt chẽ nên con số thống kê về chất lượng, phạm vi hoạt động gặp nhiều khó khăn và không đầy đủ. “Từ trước đến nay, các môi giới hoạt động không cần tuân thủ quy định của pháp luật vì thực tế luật còn đang lỏng. Thậm chí có chứng chỉ xong, môi giới viên hoạt động thế nào cũng không ai kiểm soát được...”, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.
Vì vậy theo ông Đính, cần đổi mới cơ chế quản lý và hoàn toàn có thể chuyển đổi số để nâng cao hoạt động kiểm soát và chất lượng ngành môi giới BĐS: “Môi giới trong tương lai phải có mã số định danh để quản lý được hoạt động hành nghề. Họ phải được đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ, có trình độ nghiệp vụ và phải được quản lý bằng các hệ thống công nghệ. Tất cả những thông tin về môi giới viên và hoạt động của họ phải được đưa lên hệ thống số để được quản lý khoa học, chặt chẽ, thông suốt. Các đơn vị chức năng nhờ vậy không mất nhiều thủ tục, thời gian kiểm soát”.
Từ việc nâng cao chất lượng quản lý và hoạt động môi giới thông qua hệ thống số, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các nhà đầu tư, giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế rủi ro và mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm BĐS chất lượng. Thị trường được kiểm soát và có thể phát triển lành mạnh nhờ những môi giới viên đủ “tâm”, đủ “tầm”. Tình trạng tiếp tay, thổi giá, xem đất như là hàng hóa để đầu cơ vì thế cũng sẽ được đẩy lùi. Tài nguyên đất đai được phát triển đúng với giá trị của nó, tạo ra những lợi ích phục vụ cho sự phát triển bền vững của các địa phương.
Đội ngũ các nhà môi giới là những người góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường BĐS, là cầu nối giữa khách hàng, nhà đầu tư với chủ đầu tư, đóng góp to lớn vào sự phát triển của thị trường địa ốc. Những yêu cầu khắt khe, sự quản lý chặt chẽ và sự đòi hỏi đặt ra những cách thức để hoạt động môi giới hiệu quả và minh bạch, không chỉ giúp nâng tầm chất lượng của môi giới viên mà quan trọng hơn là tạo ra một “sân chơi” cho chính lực lượng này cạnh tranh sòng phẳng./.