Aa

Nhà đầu tư nên tận dụng các phiên hồi kỹ thuật để cơ cấu danh mục an toàn

Thứ Ba, 22/08/2023 - 11:15

Sau phiên giảm điểm thuộc top kỷ lục của chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch thứ 6 tuần trước, thị trường đang có những dấu hiệu gọi là “cầm máu”, liệu đây có phải là lúc để nhà đầu tư bắt đáy?

Chưa dừng lại ở 1 phiên giảm kỷ lục?

Nhìn lại phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước, VN-Index giảm gần 56 điểm tương đương 4,5% kèm theo khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,6 tỷ cổ phiếu, thiết lập kỷ lục số cổ phiếu giao dịch trong một phiên trong suốt hơn 23 năm qua. Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 35.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Hơn 1000 mã giảm, trong đó 277 mã giảm sàn, đây là phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua.

Nhìn lại quá khứ, VN-Index đã nhiều lần xuất hiện các phiên giảm điểm mạnh tương tự phiên giao dịch ngày 18/8 vừa qua. Trong 21 lần giảm mạnh trước đó, thị trường có đến 13 lần ngừng đà rơi và có dấu hiệu rút chân ngay phiên giao dịch sau. Tuy nhiên, vận động sau 1 - 3 phiên sau phiên giảm điểm mạnh mới đáng nói, hầu hết thị trường đều giảm điểm tiếp sau thời gian mà nhà đầu tư hay gọi là “hồi kỹ thuật” này.

Kể cả trong giai đoạn uptrend năm 2020 - 2022, trong các nhịp điều chỉnh, VN-Index xuất hiện phiên giảm điểm mạnh, kèm thanh khoản lớn và thủng đường hỗ trợ MA20 trên khung ngày, thì những phiên kế tiếp đều cho thấy dấu hiệu cầm máu và hồi phục. Tuy nhiên sau một vài phiên hoặc thậm chí chỉ một phiên hồi kỹ thuật, thị trường lại quay trở lại đà giảm điểm. Những phiên giảm điểm sau đó còn có những phiên giảm mạnh hơn cả phiên đầu tiên.

Cẩn thận với Call margin

Dư nợ margin toàn thị trường đã tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng vào cuối quý II. Tỷ lệ Margin/Vốn hóa (HoSE + HNX) ước đạt khoảng 3,2%, tăng 0,4 điểm % so với cuối quý I và sát với mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn quý III/2022. Đáng chú ý, dư nợ margin trên chưa bao gồm cho vay ba bên hay các "kho" chưa được thống kê.

Tỷ lệ đòn bẩy cao là “con dao hai lưỡi” đối với chứng khoán. Khi thị trường điều chỉnh mạnh, hiệu ứng call margin có thể lan rộng và khiến tình hình khó lường hơn. Đây là yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý bởi thị trường đã tăng suốt một đoạn dài gần như không nghỉ và áp lực chốt lời chắc chắn không hề nhỏ.

Thêm nữa, định giá thị trường cũng đã không còn thực sự hấp dẫn sau nhịp tăng dài trước đó. P/E của VN-Index hiện ở mức 13,x tương đương với bình quân 5 năm và cao hơn nhiều so với vùng đáy trước đó. Hầu hết các cổ phiếu đã tăng rất mạnh thời gian qua kéo theo định giá không còn rẻ có thể sẽ là rào cản đối với dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tại những nhịp điều chỉnh, đặc biệt là nhóm các nhà đầu tư khối ngoại, nhóm này quan tâm rất lớn đến định giá cổ phiếu.

Nhà đầu tư nên tập trung cơ cấu danh mục an toàn.

Trong bối cảnh này, chính sách hay vĩ mô có thể khác nhau, nhưng tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường thì chưa bao giờ thay đổi. Đà hồi kỹ thuật như thế này đến từ tâm lý bắt đáy, tâm lý trung bình giá chung của thị trường. Nhịp hồi phục nếu mạnh mẽ thì vùng 1200 sẽ là mốc nhà đầu tư có thể kỳ vọng để cơ cấu danh mục, đưa về tỷ lệ an toàn. Trong kịch bản xấu hơn, vùng hỗ trợ quanh MA50 từ 1.170 - 1.180 sẽ là cơ hội để nhà đầu tư xử lý tài khoản. 

Nếu tuần đóng dưới MA10 và MACD cắt xuống sẽ xác nhận nhịp điều chỉnh trung hạn.

Hiện tại với việc MACD ngày cắt xuống và thủng MA20, VN-Index đã xác nhận nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Nếu tuần này, chỉ số đánh mất vùng MA10 trên khung tuần 1170, thị trường rất dễ sẽ bị kéo từ điều chỉnh ngắn hạn sang điều chỉnh trung hạn. Chỉ báo MACD trên khung tuần sẽ cần 1 - 2 tuần nữa để xác nhận hoàn toàn nhịp điều chỉnh trung hạn này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top