Mới cải tạo được hơn 1% kênh rạch
Hệ thống sông ngòi, kênh rạch tại TP.HCM có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Thành phố, vừa là nét đặc trưng về cảnh quan tự nhiên, đóng góp vào hình thái không gian đô thị, vừa là hệ thống giao thông thúc đẩy giao thương hàng hoá, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch và cải thiện điều kiện khí hậu, vệ sinh môi trường.
Với tổng chiều dài hơn 5.000km kênh rạch, sông ngòi, TP.HCM có những ưu thế nhất định để phát triển một đô thị xanh - đẹp - hiện đại - bền vững.
Tuy nhiên, trong tổng diện tích 2.095km2 của TP.HCM, có tới 1.331km2 có độ cao dưới 1,5m so với mực nước biển. Địa hình thấp, Thành phố đang chịu tác động trực tiếp từ thủy triều biển Đông, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập.
Những năm gần đây, tình trạng ngập của TP.HCM diễn ra ngày càng nghiêm trọng, số điểm ngập đã tăng từ 680 trong 7 năm 2003 - 2009 lên 1.250 trong 7 năm tiếp theo 2010 - 2016. “Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống ngập nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn, khi cứ xoá được điểm ngập này thì lại xuất hiện điểm ngập mới”, Ths. KTS. Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM cho biết.
Cụ thể, tới nay, TP.HCM mới xây dựng được 4.176/6.000km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075km kênh rạch (hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… nên vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán chống ngập.
Phổ biến tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng kết cấu hạ tầng giao thông thuỷ của TP.HCM chưa phát huy được tiềm năng vốn có. Nhiều công trình vượt sông được xây dựng từ lâu có khẩu độ không bảo đảm, ảnh hưởng đến quá trình khai thác, vận tải đường thuỷ như: Cầu đường sắt Bình Lợi, các cầu Rạch Đỉa, Rạch Tôm, Rạch Dơi, Long Kiểng, đập Nam Lý…
Đặc biệt, tình trạng nhà chống cọc của người dân trên hầu hết các kênh, rạch đã làm thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn trong nạo vét, cải tạo lòng sông, kênh đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khai thác vận tải đường thủy.
Cùng với đó là những thách thức từ biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hoá nhanh chóng và tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm, trái phép bờ sông, kênh rạch cũng đã khiến hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Thành phố đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cuối năm 2018, cả tuyến sông Sài Gòn có 84 dự án đầu tư xây dựng thì có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông. Gần một nửa trong số đó đã có quyết định cưỡng chế, yêu cầu phải tháo dỡ, nhưng đến tháng 4/2019, nhiều chủ đầu tư vẫn không thực hiện với lý do các căn biệt thự đã được sang tay nhiều đời chủ.
“Tình trạng lấn chiếm sông rạch nêu trên ngoài do công tác quản lý đô thị ‘có vấn đề’, còn một phần xuất phát từ sự thiếu vắng một đề án quy hoạch tổng thể bờ sông, kênh nội thành nhằm bảo đảm về thống nhất tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông, kênh rạch”, Ths. KTS. Ngô Anh Vũ nhận định.
Kiến nghị giao đất cho chủ đầu tư dự án đến mép bờ cao sông, rạch
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.
Một phần nguyên nhân khiến cho những phần đất ven sông, kênh, rạch chưa hiệu quả là do các dự án khu đô thị, khu nhà ở chỉ được giao đất đến ranh hành lang bảo vệ mép bờ cao sông, rạch, nên chủ đầu tư không có quyền và cũng không có trách nhiệm xây dựng bờ kè hoặc đầu tư đường giao thông, lối đi bộ, mảng xanh hoặc đầu tư các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, dẫn đến hành lang bảo vệ sông rạch bị hoang hóa, sạt lở.
Do đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị: "Giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông, rạch và quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ (kết hợp với nắn mép bờ cao theo phương thức bù trừ đất đai, để chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan), đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền".
Đối với các dự án cũ trước đây mà chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch thì đề nghị có cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ đầu tư dự án đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng, không xả thải ra sông, rạch; đầu tư xây dựng bờ kè, đường ven sông, công viên, thảm cỏ, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Với những quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch còn lại, ông Châu kiến nghị thành phố cần đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư khai thác, kinh doanh quỹ đất này có thời hạn.