Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 57 tuyến kênh, rạch cần thực hiện công tác cải tạo môi trường. Các dự án cải tạo, di dời khoảng 22.000 căn nhà trên và ven 57 tuyến kênh, rạch này là một phần của chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn 2016 - 2020.
Nội dung di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận phải nêu cao tinh thần chủ động, phối hợp với các sở ngành liên quan, khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ.
Trình tự thực hiện di dời, tổ chức lại các căn hộ của người dân sống ven kênh rạch chia làm các nhóm: Nhóm 07 dự án, có 526 căn đã được ghi vốn bồi thường: hoàn thành dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vào cuối năm 2018; Nhóm 18 dự án, có 7.910 căn đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư: hoàn thành bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vào cuối năm 2020; Nhóm 27 dự án, có 5.391 căn chưa có chủ trương đầu tư: hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong năm 2019 để tiếp tục triển khai công tác bồi thường trong giai đoạn sau năm 2020.
Sở Xây dựng cũng đề nghị các quận cử người làm đầu mối liên hệ, phối hợp với Sở theo dõi công tác triển khai thực hiện các dự án di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn Thành phố.
Đây là động thái mới nhất của Sở Xây dựng nhằm đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ hoàn thành việc di dời nhà ven kênh theo Chương trình “Chỉnh trang phát triển đô thị” mà lãnh đạo TP.HCM đặt ra từ năm 2016, nhưng đã quá nửa thời gian trôi qua, chương trình này vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, áp lực về nguồn vốn đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời hàng chục căn nhà lụp xụp ven kênh, rạch cũng không phải nhỏ. Tuy nhiên, giới phân tích và chuyên gia về xây dựng cho rằng, nếu không có giải pháp, cơ chế cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt, TP.HCM sẽ không thể giải được bài toán di dời nhà trên và ven kênh, rạch trong “một sớm, một chiều”.