Sẽ không mấy ai tin rằng ở ngay trung tâm Thủ đô lại có hàng nghìn người dân chấp nhận rủi ro về tính mạng bởi một yêu cầu mang tính hành chính. Cũng sẽ không mấy người có thể phân tích cặn kẽ nguyên nhân tại sao một khu chung cư tái định cư (TĐC) mà hệ thống thang máy đến 15 năm không được kiểm dịnh mà người dân vẫn phải dùng.
Nhưng đấy lại là sự thật và đang diễn ra ở tòa nhà B11B khu TĐC Nam Trung Yên, Hà Nội.
Người dân cho hay, hiện nay, tại tòa nhà B11B Nam Trung Yên này có 2 thang máy thì 1 thang đã hỏng hoàn toàn từ năm 2020. Cả 120 hộ dân giờ phải dùng chung một thang máy. Mà một thang máy còn lại này cũng không ổn thỏa, có nhà ở tầng 10 nhưng để lên được nhà mình, người dân phải bấm thang máy lên tầng 13 bởi thang hỏng, không thể bấm để lên được các tầng 9, 10, 11, 12 nên phải đi thang bộ từ tầng 13 để xuống được tầng 10.
Từ hàng chục năm nay, vấn đề quản lý công trong quản trị chung cư tại các khu TĐC của Hà Nội chưa bao giờ “sóng yên biển lặng”. Các cơ quan truyền thông đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, rồi người dân tốn không biết bao nhiêu công sức để khiếu nại lên các cấp chính quyền về cuộc sống khốn khó thường ngày của mình, nhưng vẫn không mấy ai quan tâm, và nếu có ai quan tâm thì lại đẩy trách nhiệm sang… “ông cơ chế”!
Mà qua các nguồn thông tin cho thấy, mọi ách tắc quả là đúng do “ông cơ chế” thật, nó nằm chềnh ềnh ngay trong Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, một doanh nghiệp Nhà nước.
Theo báo cáo gần đây của UBND thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 174 khu nhà TĐC đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ. Hầu hết các tòa nhà được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu TĐC cho các hộ dân nội đô bị thu hồi đất do nhu cầu phát triển hạ tầng của địa phương. Thống kê cho thấy, có 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng; 54 tòa nhà bỏ không diện tích sàn tầng 1 (khu vực kinh doanh dịch vụ) hoặc bị chiếm dụng sử dụng trái phép không được thu nộp vào ngân sách; khu vực để xe cho cư dân hoặc sinh hoạt cho nhân viên quản lý không có hoặc lắp ghép bừa bãi; hầu như các tòa nhà chưa thành lập được Ban quản trị để thay mặt cư dân giải quyết các công việc chung của tòa nhà; nhiều tòa nhà không đủ hệ thống chiếu sáng; không có camera giám sát; hệ thống báo, chữa cháy không bảo đảm; đội ngũ bảo vệ thiếu, không đủ chuyên môn; khu vực tập kết rác thải, vệ sinh rất bẩn; một số tòa nhà bị chiếm dụng cầu thang thoát hiểm... Nhiều khu nhà được xây dựng ở quá xa siêu thị, chợ, trường học, bệnh viện... khiến cư dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Vì vậy, cho dù mức thu phí dịch vụ đối với cư dân ở nhà TĐC được tính theo quy định của thành phố là rất thấp so với mặt bằng chung, nhưng nhiều khu nhà không hấp dẫn được người dân về ở, làm cho những tòa nhà TĐC càng thêm hoang vắng, tiêu điều…
Thế là bức tranh về quản lý công trong việc quản trị các khu chung cư TĐC ở Hà Nội đã quá rõ ràng, và câu chuyện ở tòa nhà B11B khu TĐC Nam Trung Yên kia chỉ là một ví dụ cụ thể.
Tuy nhiên, nếu bạn đọc biết câu chuyện dưới đây thì sẽ thấy hoàn cảnh của những người dân ở đây còn thê thảm hơn khi chúng cộng hưởng với sự lạnh lẽo của các hành vi quản lý theo kiểu hành chính.
Đó là mới đây, người dân của khu nhà nhận được thông báo của Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở, trong đó yêu cầu người dân tại 32 chung cư tái định cư do Ban quản lý này hỗ trợ bảo trì, không sử dụng các thang máy đã hết hạn kiểm định cho đến khi được kiểm định và sửa chữa theo quy định hiện hành. Điều này cũng có nghĩa, tất cả 8 thang máy của cư dân B11 Nam Trung Yên sẽ phải dừng hoạt động, toàn bộ 2.000 cư dân sẽ phải đi thang bộ, bởi các thang máy này chưa được kiểm định lại lần nào suốt từ 2006 cho đến nay(!?).
Xót xa hơn, Ban quản trị của khu B11 Nam Trung Yên còn cho biết, đã phát phiếu khảo sát người dân, phương án 1 là dừng sử dụng thang máy, phương án 2 là chấp nhận rủi ro và tiếp tục sử dụng thang máy. Trước hoàn cảnh bị “dồn đến đường cùng”, tất cả người dân tại đây đều chấp nhận phương án 2, đó là chấp nhận rủi ro cho đến khi Sở Xây dựng thành phố có kinh phí để kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng thang máy cho người dân!
Thực tiễn trên đây cho thấy, Hà Nội cần có những biện pháp căn cơ và quyết liệt hơn bao giờ hết để chấm dứt tình trạng trên.
Được biết, ngày 28/6/2019, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. UBND thành phố cũng ban hành Kế hoạch 241/KH-UBND ngày 15/11/2019 triển khai thực hiện Nghị quyết số 26.
Nghị quyết và kế hoạch thì có rồi, có nghĩa là “ông cơ chế” đã ra đời rồi, nhưng nó có phù hợp và áp dụng được vào thực tiễn không thì cánh cửa của câu trả lời vẫn còn bị bỏ ngỏ.