Aa

Nên mở rộng đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Ba, 16/06/2020 - 17:00

Theo một số đại biểu, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả doanh nghiệp vừa thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thảo luận tại hội trường sáng 16/6 về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, nhiều đại biểu băn khoăn về tiêu chí xác định doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách…

Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả doanh nghiệp vừa thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hiện Việt Nam có 760.000 doanh nghiệp, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ, 4% là doanh nghiệp vừa và 3% là doanh nghiệp lớn, đóng góp rất lớn cho lao động và đảm bảo lớn nhất cho an sinh xã hội cộng đồng.

“Nghị quyết lần này xác định là giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ có doanh thu không quá 50 tỷ đồng, số lượng lao động không quá 100 lao động. Trong khi đó, tiêu chí xác định của doanh nghiệp nhỏ là doanh thu không quá 100 tỷ đồng và số lao động đóng bảo hiểm xã hội không quá 50 lao động. Như vậy, chỉ 50% số lượng doanh nghiệp nhỏ được hưởng ưu đãi theo nội dung nghị quyết này, theo tôi là không hợp lý”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, không có một doanh nghiệp nào là không chịu ảnh hưởng. "Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn sẽ có sức đề kháng tốt hơn, việc áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ là đúng đắn và cần thiết", đại biểu Nhưỡng bày tỏ quan điểm.

Tán thành với việc ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện áp dụng tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi, trong điều kiện dịch bệnh hết sức khó khăn như hiện nay, những doanh nghiệp đang cố gắng nỗ lực để giữ được việc làm cho người lao động là rất đáng trân quý.

Đồng quan điểm, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho rằng, nên mở rộng đối tượng thụ hưởng giảm thuế ra toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi lẽ số lượng loại hình doanh nghiệp này chiếm tới 97%, đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế. Theo tờ trình, nếu giảm tập trung cho doanh nghiệp nhỏ sẽ giảm thu ngân sách trên 17.000 tỷ đồng; nếu giảm thêm cả cho doanh nghiệp vừa sẽ giảm thu ngân sách thêm 22.000 tỷ đồng.

“Đây chỉ là con số sơ bộ. Nếu năm 2020, doanh nghiệp không có doanh thu thì lấy đâu ra tiền để nộp thuế cho ngân sách mà giảm. Như vậy, thực chất nếu giảm cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến nguồn thu ngân sách. Còn nếu ảnh hưởng, nhưng lại cứu được doanh nghiệp thì tôi cho rằng cũng xứng đáng”, đại biểu Phùng Văn Hùng nhấn mạnh.

Cần quy định thật cụ thể việc áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Ảnh minh họa.

Song song với quan điểm cần hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều ý kiến đại biểu cũng nêu rõ thực tế, không phải tất cả mọi doanh nghiệp trong đại dịch đều bị thua lỗ. Dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp là thách thức, nhưng đối với một số doanh nghiệp nó lại là cơ hội. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Nghị quyết cần phải quy định thật cụ thể việc áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp thực sự bị sụt giảm về doanh thu. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu Quốc hội để nghị cần thiết mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Theo đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét lại tiêu chí số lao động doanh nghiệp sử dụng vì “hai gia đình cùng có thu nhập như nhau nhưng một nhà đông con hơn thì đương nhiên càng khó khăn hơn so với nhà mà ít con, một doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hơn thì phải khó khăn hơn doanh nghiệp ít lao động".

Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị nên nghiên cứu nới thêm tỷ lệ thuế được giảm, có thể tới 50% để doanh nghiệp đỡ khó khăn, có thể đưa vào đầu tư, làm lợi thêm nhiều cho nhà nước, cho nhân dân, cho nền kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, chúng ta cần phải xác định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp này không phải là hỗ trợ cho doanh nhân mà bản chất nó là hỗ trợ sinh kế của người lao động, khu vực mang lại nhiều việc làm cho người lao động nhất để lựa chọn phạm vi áp dụng.

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp theo quy mô, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo lĩnh vực, cụ thể là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng, lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế để giúp họ vượt qua khó khăn tạm thời. Bởi sự phát triển của những doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực này có ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước. 

"Song song với việc ban hành nghị quyết này chúng ta cũng cần ban hành ngay phương án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực trọng điểm và tiềm năng đang gặp khó khăn như hàng không, du lịch... để giúp nền kinh tế phát triển ổn định, lâu dài", đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.

Tiếp thu, giải đáp các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chính sách giảm thuế này chỉ là một trong các giải pháp tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình hiện nay. Về các đối tượng, phải phân nhóm nhưng về tiêu chí, phải xác định làm sao khi tổ chức thực hiện và quản lý tốt, tránh rủi ro.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top