Aa

Sửa Nghị định 20: Thành viên Chính phủ thống nhất việc hồi tố thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 16/06/2020 - 11:10

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Theo đó, 100% thành viên Chính phủ biểu quyết việc thực hiện nguyên tắc hồi tố thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ số 180/PLYK/2020 ngày 31/5/2020 về Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến hết ngày 11/6/2020, Văn phòng Chính phủ đã nhận được 22/25 phiếu ý kiến Thành viên Chính phủ, trong đó: Toàn bộ 22 Thành viên Chính phủ lựa chọn phương án thẩm quyền quyết định việc thực hiện nguyên tắc khấu trừ với nghĩa vụ thuế các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm khi xử lý hồi tố với các năm 2017, 2018 thuộc về Chính phủ và biểu quyết Đồng ý đối với toàn bộ nội dung của Dự thảo Nghị định kèm theo văn bản số 5953/BTC-TCT ngày 19/5/2020 của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long có ý kiến đề nghị chỉnh lý “thực hiện nguyên tắc khấu trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm khi xử lý hồi tố đối với các năm 2017, 2018” thành “thực hiện nguyên tắc bù trừ” để đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý thuế.

"Văn phòng Chính phủ gửi Bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến Thành viên Chính phủ để Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện, ký tắt dự thảo Nghị định theo đúng quy định và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/6”, văn bản nêu.

Doanh nghiệp đang mòn mỏi chờ Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 được thông qua.

Trước đó, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuê thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành trong ngày 20/4. Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định.

Tuy nhiên, trái với yêu cầu "khẩn trương" của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản chỉ đạo ngày 17/4, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục trình các văn bản xin ý kiến, kéo dài quá trình hoàn thiện dự thảo. 

Cụ thể, theo giải trình của Bộ Tài chính, qua rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy nội dung Văn bản 3061 chưa nêu rõ hồi tố điều khoản nào của dự thảo Nghị định; mặt khác tại phiếu lấy ý kiến thành viên của Chính phủ không nêu cụ thể đối với nội dung nào.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo 2 phương án và Thường trực Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo thực hiện theo phương án 1: Cho phép hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, đồng thời áp dụng chi phí lãi vay thuần. Theo phương án này, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.875 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo theo kết luận của Thường trực Chính phủ, tuy nhiên, về việc khấu trừ số thuế đã nộp trong các năm 2017, 2018, Bộ Tài chính cho rằng, nếu coi đây là trường hợp nộp thừa để vận dụng quy định của Luật Quản lý thuế thì cần được báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.

Theo đó, ngày 31/5, Văn phòng Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 mà Bộ Tài chính đã trình, đồng thời lấy ý kiến về thẩm quyền quyết định việc thực hiện nguyên tắc khấu trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm khi xử lý hồi tố đối với các năm 2017, 2018 là của Chính phủ hay của Quốc hội.

Cuối tháng 3, Văn phòng Chính phủ cũng đã có phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị Định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết gửi các đồng chí thành viên Chính phủ.

Theo đó, đa số thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018; cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top