Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại mô hình phát triển của Thủ đô để hy vọng về một tương lai phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với cả nước.
Trong “Chiếu dời đô”, vua Lý Công Uẩn đã khẳng định vị thế của Hà Nội “… làm thượng đô kinh sư muôn đời” và cũng là để “làm kế cho con cháu muôn vạn đời”. Trải qua nhiều thăng trầm, phải đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bác Hồ đã chọn Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hiến pháp năm 1946 đã ghi rõ: “Thủ đô đặt ở Hà Nội”. Từ sau hòa bình lập lại, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới, 7 lần có quy hoạch chung được phê duyệt. Từ đó, mỗi giai đoạn Hà Nội có định hướng phù hợp để phát triển Thủ đô xứng tầm với đất nước.
Phát triển theo chùm đô thị
Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008 là sự kiện trọng đại, thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước với tầm vóc phát triển của Thủ đô. Phát triển Hà Nội với mô hình cấu trúc như thế nào để không chỉ kế thừa truyền thống ngàn năm mà còn phải hiện đại, bền vững, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới để có vị thế xứng tầm với khu vực và thế giới là bài toán đặt ra.
Qua nhiều nghiên cứu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, sự tham gia của Nhân dân cả nước cùng chỉ đạo thống nhất của T.Ư Đảng, Quốc hội, Hà Nội đã định hướng được mô hình phát triển không gian đô thị, xác định cụ thể trong phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 25/7/2011). Đó là Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn) và các thị trấn. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh và các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích tự nhiên). Đây là mô hình có cấu trúc không mới so với thế giới nhưng phù hợp với điều kiện của Hà Nội, của Việt Nam và hơn nữa có đặc thù riêng, ít đô thị nào trên thế giới có được.
Khu vực phát triển không gian đa dạng là đô thị trung tâm được phát triển từ nội đô trung tâm về phía Tây Nam đến đường Vành đai 4 (nay đã được đô thị hóa và trở thành quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm); phía Bắc phát triển tới Mê Linh, Đông Anh; phía Đông phát triển tới Long Biên và Gia Lâm. Đô thị trung tâm mới dự báo đến năm 2020 có dân số khoảng 3,7 triệu người và diện tích xây dựng đô thị khoảng 55.200ha.
Trong định hướng phát triển đã xác định phải quản lý dân số, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở đào tạo, đại học và trụ sở một số bộ, ngành. Thách thức lớn nhất để phát triển đô thị trung tâm là đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn với phát triển mới để minh chứng Hà Nội đã có quá trình sáng tạo.
Trong đô thị trung tâm với khu vực mở rộng phía Tây từ sông Nhuệ đến Vành đai 4, khu mở rộng phía Bắc ở Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh là những khu vực tiềm năng thuận lợi để hình thành các khu đô thị thông minh. TP đã triển khai đầu tư xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp để trở thành khu đô thị thông minh là đột phá song cũng là minh chứng thuận lợi để triển khai tiếp các khu đô thị khác.
Tạo thuận lợi đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Định hướng phát triển không gian Hà Nội đến năm 2030 có đột phá là xây dựng các khu đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và riêng biệt, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm. Đây là điểm khác biệt giữa đô thị vệ tinh của Hà Nội với đô thị vệ tinh của các nước phát triển đã xây dựng.
Triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi giảm áp lực về dân số, hạ tầng kỹ thuật cho đô thị trung tâm, nhất là đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy phát triển Vùng và cả nước.
Xây dựng đồng bộ các đô thị vệ tinh có khả năng dung nạp 1,4 triệu dân, chiếm 15% dân số của Thủ đô vào năm 2030. Với quỹ đất được khai thác ở các đô thị vệ tinh (khoảng 35.000ha, xấp xỉ quỹ đất xây dựng đô thị ở đô thị trung tâm năm 2020) là thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phát triển đô thị vệ tinh còn tác động đến phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và tạo thuận lợi trong phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong cấu trúc mô hình phát triển không gian đô thị Hà Nội còn phải kể đến xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái bao gồm cả các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai… và các thị trấn phát triển mới. Phát triển thị trấn sinh thái cần được xem là giải pháp để Thủ đô phát triển bền vững, hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn, đổi mới kỹ thuật hỗ trợ sản xuất (chuyển giao công nghệ, thông tin, tài chính).
Phát triển các thị trấn sinh thái theo kinh nghiệm nhiều nước như Nhật Bản còn có tác động nâng cao chất lượng sống cho dân cư khi có cơ cấu dân số già, đồng thời tạo lập đô thị thân thiện thu hút giãn dân nội đô.
Kể từ khi Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt năm 2011 đến nay, qua quá trình triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Đó là kinh tế tăng trưởng khá, quy mô đô thị ngày càng mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng tăng trưởng nhanh, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật.
Công tác quy hoạch ngành và quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng đã có kết quả khá cả về số lượng và chất lượng (đã có 86% diện tích có quy hoạch cụ thể). Một số dự án hạ tầng khung đã được triển khai có tác động cho phát triển chung cả đô thị.
Tuy vậy, nhìn nhận từ triển khai thực hiện mô hình cấu trúc chùm đô thị cũng nhận thấy còn một số tồn tại như triển khai xây dựng đô thị vệ tinh còn chậm, chưa tạo sức hút trong huy động nguồn lực. Phát triển đô thị trung tâm được chú trọng nhưng chưa hài hòa giữa phát triển mới với bảo tồn, phát huy giá trị. Việc di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, cơ sở đào tạo chưa đạt như kế hoạch đề ra.
Công tác cải tạo chung cư cũ còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách, quản lý dân số… Nhìn chung, việc thực hiện mô hình phát triển như định hướng đã có sự chỉ đạo thường xuyên nhưng cũng thấy rất cần được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng và huy động nguồn lực đầu tư.
Trong giai đoạn tới, để tiếp tục xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xây dựng TP khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, đô thị thông minh... như trong nhiều định hướng đã đề ra thì trong các khâu đột phá rất cần quan tâm đến triển khai các dự án trọng điểm có tác động đến mô hình chùm đô thị. Bởi đây là nền tảng để phát triển toàn diện, bền vững Thủ đô.
Đặc thù trong đô thị trung tâm là xác định khu nội đô lịch sử từ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2 (hiện gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ). Đây là khu vực bảo tồn di sản Thăng Long, giá trị truyền thống của người Hà Nội với các khu vực đặc trưng: Khu phố cổ, khu phố cũ, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long…