Aa

Nên xem lại pháp lý về giao dịch ngoại tệ

Chủ Nhật, 28/10/2018 - 20:01

Vụ việc một cá nhân bị phạt đến 90 triệu đồng vì đổi 100 USD vừa qua cho thấy, một quy định pháp lý mà nhiều người dân không biết hoặc không được thực thi công bằng có thể gây hoang mang và bất bình trong dư luận.

Đổi 1 USD có thể bị phạt ít nhất 80 triệu đồng

Ngày 23/10, UBND TP. Cần Thơ cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh N.C.R (trú tại TP. Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” và bị tịch thu 2.260.000 đồng số tiền đổi được từ tờ 100 USD.

Việc xử phạt này được thực thi theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể, Điểm a, Khoản 3, Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định: “Việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng”. Điểm a, Khoản 8, Điều 24 quy định: “Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm nêu trên”.

Phân tích về vụ việc nêu trên, Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, cách thức và mức xử phạt như trên là không sai quy định song chưa hợp lý với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam. Chẳng hạn, rất nhiều người dân Việt Nam được người thân ở nước ngoài cho, tặng tiền USD mệnh giá vài chục hay 100 USD, thậm chí vào dịp Tết, nhiều người dùng tiền 2 USD để mừng tuổi và hiển nhiên, không ít người dân đã đổi tiền USD sang tiền VND để tiêu dùng trong thời gian qua.

“Các doanh nghiệp, tổ chức có thể phải hiểu rõ luật nhưng không hẳn người dân nào cũng hiểu. Thử hỏi có bao nhiêu người dân Việt Nam từng đổi tiền như vậy và biết được là họ vi phạm pháp luật. Mặt khác, có rất nhiều trường hợp đã đổi như vậy nhưng không hề bị phạt nên người dân càng không nắm được quy định là đương nhiên. Hơn nữa, điều chưa hợp lý là dù đổi một tờ 1 USD hay đổi cả trăm nghìn USD thì khung phạt vi phạm hành chính với hành vi này là 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng”, ông Cường nói.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico bình luận: “Theo tôi biết, có hàng triệu giao dịch như vậy diễn ra hàng ngày nhưng không bị phạt, hay nói cách khác, “đen thì bị phạt thôi”. Quyết định xử phạt này là có tính răn đe song mức độ răn đe hơi “quá đáng” và không cần thiết với một người dân. Nếu tất cả đều nghiêm túc thực thi quy định, thì một số cá nhân vi phạm bị phạt nặng là đích đáng. Trong khi đó, rất nhiều người từng đổi như vậy nhưng bỗng dưng anh C.R bị phạt chắc chắn gây sốc”.

Cần xem xét lại các quy định

Khung khổ pháp lý với giao dịch ngoại tệ đã được ban hành từ nhiều năm trước, với những quy định cụ thể kể từ khi Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 được thực thi và sửa đổi sau đó. Việc ban hành các quy định về giao dịch ngoại tệ như trên là nhằm giải quyết tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và quản lý chặt chẽ dòng ngoại hối. Kết quả là, đã có một số tổ chức, cá nhân bị xử phạt ở các mức khá cao trong thời gian qua. Chẳng hạn, năm 2011, Đại học FPT và Khách sạn Metropole cùng bị phạt đến 500 triệu đồng vì niêm yết học phí và giá dịch vụ bằng ngoại tệ.

Với nhiều năm quan sát thị trường ngoại hối Việt Nam, ông Trương Thanh Đức cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là đúng, song cần xem xét lại về mức xử phạt tương ứng với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm để tránh tình trạng đổi 1 USD hay đổi cả trăm ngàn USD cũng bị phạt, với chênh lệch mức phạt tối đa chỉ 20 triệu đồng.

“Cách xử phạt như vậy cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề mà có thể khiến nhiều người tìm cách làm kín đáo hơn. Do đó, cần làm nghiêm hơn nhưng không đồng nghĩa với việc phạt tiền ở mức quá cao. Điều cần thực thi hiện nay là ổn định giá trị đồng tiền VND để người dân yên tâm nắm giữ tiền đồng. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách phục vụ của các đại lý thu đổi tiền để thuận tiện cho người dân hơn”, ông Đức nhấn mạnh.

Xem xét nội dung các quy định xử phạt nêu trên, Luật sư Chu Mạnh Cường nói: “Các quy định đó chưa nêu đầy đủ các trường hợp có thể phát sinh. Do đó, cần xem xét và sửa đổi để việc thực thi được hợp lý, có tính thuyết phục và phù hợp với thực tế, điều kiện của Việt Nam”. 

- Các điểm thu đổi ngoại tệ: khoảng vài chục ngàn điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại và 580 điểm thu đổi khác được cấp phép.

- Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Các tổ chức tín dụng phải thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 89/2016/NĐ-CP; Thông tư 20/2011/TT-NHNN.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top