Lý do chúng ta “đóng cửa” với rất nhiều thị trường khách tiềm năng là lo ngại vấn đề an ninh và lo mất nguồn thu từ phí visa.
Tự tước “vũ khí” cạnh tranh
Tâm lý khách du lịch đều coi thị thực như một thủ tục áp đặt chi phí, gồm chi phí trực tiếp (lệ phí) và gián tiếp (thời gian chờ đợi, quy trình cấp).
Chính vì thế, visa trở thành một trong những vũ khí cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thu hút du khách quốc tế. Thực tế cho thấy, thủ tục phức tạp và chi phí visa cao là nguyên nhân gây thất thoát hàng tỉ USD cho ngành du lịch của nhiều nước.
Một báo cáo của Nghị viện châu Âu thừa nhận chính sách visa hà khắc có thể làm mất đi 250.000 việc làm và 12,6 tỉ euro (tương đương 13,8 tỉ USD) cho nền kinh tế EU. Một chuyên gia về du lịch người Anh ước tính, những khó khăn trong việc cấp visa khiến khoảng 200 triệu USD từ khách nước ngoài “lọt” vào tay những quốc gia có chính sách nhập nội dễ dàng thuận lợi hơn như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia...
Hiện nay, chi phí xin visa vào Việt Nam thấp nhất là 25 USD, với khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 (trong số này đã có không ít khách đến từ những nước ASEAN được miễn visa), số tiền chúng ta thu từ khoản này không lớn. Tuy nhiên, lo ngại mất nguồn thu này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều năm qua, chúng ta rất khắt khe trong việc miễn visa cho du khách quốc tế.
Ông Ngô Minh Đức, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, nói thẳng rằng nếu cứ lo mất khoản phí visa mà siết thị thực là lo giữ “con tép” mà bỏ mất “con tôm”. Bởi mỗi du khách đến Việt Nam là từ công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, đến cả gánh hàng rong, người đánh giày cũng được lợi.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2017 đạt 510.000 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều lần so với số thu từ phí visa. Nói vậy để thấy, dù liên tục có mặt trong danh sách điểm du lịch có chi phí thấp nhất thế giới nhưng du lịch vẫn là ngành mang lại lượng ngoại tệ lớn, đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia và thu phí visa chỉ chiếm một phần nhỏ.
Chưa kể khi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từ Chính phủ, các địa phương cho tới các doanh nghiệp đã đổ rất nhiều nguồn lực, nhân lực để xây dựng môi trường du lịch trong nước. Từ hệ thống khách sạn, resort, đường sá, sản phẩm du lịch... đều được nâng cấp. “Chỉ vì mấy đồng cỏn con mà tự tạo hàng rào chặn tiền vào gây lãng phí nguồn tài nguyên, nguồn đầu tư tại chỗ là quá sai lầm”, ông Đức nói.
Nhà nước thất thu
Là người có thâm niên trong ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, nhận định đang có những vấn đề xung đột lợi ích và xung đột nhận thức trong phát triển du lịch. Vấn đề không chỉ nằm ở vài chục USD phí visa mà ở sự thông thoáng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2017 đạt 510.000 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều lần so với số thu từ phí visa
“Tại sao các nước châu Âu phải bỏ hết hàng rào thuế quan để tạo sự thoáng cho giao thương phát triển? Những điểm tham quan không thu vé đông hơn rất nhiều so với những điểm bán vé. Chúng ta không thu vé vào cửa nhưng khách đã vào rồi thì mọi cái đều có thể ra tiền. Còn một khi đã gây cảm giác khó chịu, khách không vào thì bên trong có đẹp thế nào, dịch vụ có tốt thế nào cũng như không”, ông Kỳ đặt vấn đề.
Không chỉ xung đột lợi ích kinh tế, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cho biết một lý do quan trọng dẫn đến việc “siết” visa là nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Nam, cần tránh cách hiểu mọi công dân các quốc gia được miễn visa đương nhiên được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Đơn cử như Singapore miễn visa cho công dân Việt Nam, nhưng không ít người Việt đến Singapore bị công an cửa khẩu từ chối cho nhập cảnh nếu họ nằm trong “danh sách đen”, hoặc gây nghi vấn về động cơ, mục đích nhập cảnh khi trả lời các câu hỏi của công an cửa khẩu. Việc từ chối cho nhập cảnh vì những lý do tương tự cũng áp dụng với công dân các nước được miễn visa vào Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói: “Rất nhiều quốc gia bất ổn về chính trị, nguy cơ mất an toàn, an ninh còn cao hơn chúng ta nhưng chính sách visa của họ vẫn cởi mở, thông thoáng. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan kinh tế và các cơ quan an ninh để hỗ trợ tốt hơn cho phát triển du lịch Việt Nam”.