Aa

Nếp xưa trong bữa cơm gia đình

Thứ Bảy, 05/05/2018 - 06:01

Từ sự phát triển xã hội, nhiều cái khó khăn luôn phải đối diện, thêm sự sống vội, bố mẹ, hay nói là, chủ nhân ngôi nhà, không còn thời gian nhận ra giá trị sự có mặt đích thực trong bữa ăn. Ngay chính trong ngôi nhà mình, ngay chính nơi bàn ăn, ta không tìm cách có mặt cho nhau.

Ngồi vào mâm cơm, người Việt có câu: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng".

Lớn lên ở quê tôi ấn tượng câu này, bởi hồi nhỏ mẹ tôi hay nói với anh em chúng tôi vậy.
Ăn trông nồi, là học quan sát để biểt chừng mực.

Ngồi trông hướng là học quan sát để biết giữ lễ trên dưới.

Sắp đôi đũa ra mâm, so sao cho ngay ngắn, đơn giản vậy nhưng phải được bố mẹ nhắc mãi

chúng tôi mới để tâm làm theo đúng.

Lớn lên, vì quen theo nếp ăn uống ngăn nắp và quan sát (ngồi trông hướng) chúng tôi phát hiện nhiều cái thú vị. Nhìn cung cách một người sắp mâm cơm hay khi họ ăn, nhai thức ăn, biết họ mang theo mình những thói quen từ nhỏ trên bàn ăn gia đình.

Ở quê tôi, chưa ăn, đũa so ra mâm, để dưới chân bát, sát mặt bàn. Vì vậy, khi một người khách, đến nhà dùng cơm, thấy họ gác đũa lên bát, là biết khách đã thôi ăn. Giữ phép lịch sự, nên ăn xong trước vẫn phải ngồi lại trong bữa ăn, nhưng thấy gác đũa là chủ nhà không mời và gắp thức ăn cho khách nữa.

Người Việt, trong tục hiếu khách, khi ăn, chủ nhà có thể trở đũa để gắp thức ăn cho khách.

Vì vậy, mới có tục gác đũa. Gác đũa, là một cách từ chối nhẹ nhàng, rằng - tôi không ăn nữa. Tinh ý, nếu con cái được dạy dỗ cẩn thận, sẽ biết mà đứng dậy pha nước cho khách, để họ thôi ăn nhưng vẫn tiếp tục ngồi lại trò chuyện với bố mẹ.

Chú tâm ở bữa ăn, chúng ta có rất nhiều điều được trao truyền trong khi cùng ngồi ăn cơm.với nhau.

Công cha nghĩa mẹ, con cái học ở đâu, nếu không từ nơi bữa ăn để nhớ. Người xưa có câu ca dao: "Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần". Sao cho con trẻ biết được "đắng cay muôn phần", để biết quý miếng ăn?

Quan sát một đứa trẻ, khi vừa sinh ra, và dần lớn lên, miếng ăn, tiếp theo sự bú mớm như một bản năng sinh tồn tự hình thành. Nó vốn có. Trên vốn có bản năng ấy, nếu được hướng dẫn từ sớm, con trẻ phát triển rất nhanh lòng biết ơn. Cũng trên bản năng ấy, không hướng tâm tri ân, tâm vô ơn hình thành rất sớm nơi con trẻ.

Câu nói mộc mạc, nhưng nó nói lên giá trị của Lễ trong bữa ăn gia đình người Việt. Con trẻ nhờ vậy tập quan sát và biết tôn trọng chủ khách. Như cách gác đũa chẳng hạn, giúp con cái có sự tinh tế nhớ để tâm quan sát.

Ngày nay, cha mẹ không còn chú trọng giáo dục trong bữa ăn gia đình nữa.

Bố mẹ thời nay, cứ nghĩ và đi tìm cách phát triển tài năng nơi con mình ở các trường điểm, trường chuẩn, trường quốc tế. Điều đó đúng. Thế nhưng, chúng ta lại bỏ quên một kỹ năng rất người: kỹ năng biết ơn.

Điều này rất quan trọng. Ta nói đến phát triển xã hội và giáo dục rất vĩ mô, ta quan tâm sự trưởng thành trong kiến thức và đạo đức xuyên qua giáo dục học đường. Nhưng ta xem nhẹ, và gần như bỏ quên mái nhà và sự trưởng thành từ mái nhà, ở nơi gia đình, nhờ dạy dỗ trong gia đình.

Ngôi nhà, không còn đóng góp vào vai trò giáo dục gia đình. Điều này, xét cho thấu đáo, ta thấy rất đáng lo ngại. Có gia đình tất yếu phải hình thành nếp sống gia đình. Nếp sống ấy, có tính truyền thống không? Truyền thống, chí ít cũng được trao truyền từ thế hệ gần nhất, là cha mẹ và người thầy mà chủ nhân ngôi nhà đó chịu ảnh hưởng.

Một gia đình có kế thừa như vậy, thì người sống trong ngôi nhà đó mới ý thức được về giáo dục, sự tiếp nối tiền nhân cần phát huy.

Chủ nhân ngôi nhà, nếu không có ảnh hưởng và ấn tượng gì về bố mẹ, về nơi xuất thân của mình, thì anh ta đâu thấy được giá trị giáo dục cần biểu hiện nơi ngôi nhà mình đang ở. Anh ta hoàn toàn sống rất vô thức, và tồn tại rất tự nhiên trong ngôi nhà mình mà không bao giờ hay biết hay để tâm đến vấn đề giáo dục gia đình.

Ngày nay, chúng ta vẫn ngồi ăn cơm cùng với nhau nhưng nếp xưa trong bữa cơm gia đình đã ít nhiều bị bỏ quên. Những câu thành ngữ mà người xưa dùng để giáo dục con trẻ luôn chứa đựng những giá trị đạo lý sâu sắc. “Ăn trông nồi” – ăn thì phải để tâm đến xung quanh mà có chừng mực. Đó cũng là lời nhắc con cháu biết nhường nhịn, biết hài hòa trong nết ăn, nết ở. Dễ thấy ngày xưa là bởi còn khó khăn, cơm không đủ no nên khi ăn thì mẹ hay nhắc con “Trông nồi”. Nhắc vậy để biết, nếu nồi cơm có ít thì ăn nhẩn nha để dành cho mọi người khác quanh mình; nếu có phần cơm ngon không độn khoai độn sắn, thì mình sẽ ăn phần khoai sắn ấy, nhường lại phần ngon cho mọi người. Nếp xưa là vậy. Người ta làm gì cũng cần “có ý” và “có tứ”. Ý và tứ ở đây chính là sự quan tâm, biết kính trên, nhường dưới, biết ăn ở hài hòa.

“Ngồi trông hướng”. Câu nói ngắn gọn mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị giáo dục sâu xa. Nhắc nhở vậy để biết mình đang ở đâu, đang ở hướng nào và hướng ấy có ai, có điều gì mà mình cần thấy để mà chọn vị trí cho phù hợp. Có như vậy mới là người biết giữ “lễ”.

Trong đạo Phật, chúng tôi được Thầy mình dạy về Chánh niệm. Chánh niệm là mình có ý thức rõ ràng về những việc mình đang làm. Ví dụ như khi đi thì mình biết, mình đang đi để mà đi sao cho có hạnh phúc, đi sao cho yêu thương trong mình lớn lên, đi sao cho có bình an và thảnh thơi. Câu nói của cha ông ta xưa: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” cũng vậy. Nghĩa là khi mình làm việc gì cũng nhớ để tâm đến việc đó, biết việc mình đang làm để gửi gắm được “ý” và “tứ”. Có như vậy, ta mới biết ăn ở hài hòa, đủ đầy lễ nghĩa, đủ đầy yêu thương và kính trọng.

Từ sự phát triển xã hội, nhiều cái khó khăn luôn phải đối diện, thêm sự sống vội, bố mẹ, hay nói là, chủ nhân ngôi nhà, không còn thời gian nhận ra giá trị sự có mặt đích thực trong bữa ăn. Ngay chính trong ngôi nhà mình, ngay chính nơi bàn ăn, ta không tìm cách có mặt cho nhau. Từ đó, sự giáo dục gia đình không còn coi trọng. Đây là một điều đáng tiếc. “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, con trẻ cần học để lớn lên từ chuyện ăn. Ăn sao để không những nuôi lớn được hình hài mà còn để trưởng thành và hoàn thiện nhân cách.

Nếp xưa trong bữa cơm gia đình có điều đáng quý là vậy. Mong là nếp ấy, và cả những lời dặn dò khác nữa của cha ông, vì đẹp và lành nên ta sẽ không bỏ, không quên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top