Theo Hiệp hội Nhôm Việt Nam, thị phần nhôm Trung Quốc đang tăng đột biến. Nếu năm 2017, nhôm Trung Quốc chiếm 30% thị phần tại Việt Nam, nhôm trong nước giữ 70% thì năm 2018, vị trí đảo ngược hoàn toàn với 70% thị phần thuộc về Trung Quốc, nhôm trong nước vỏn vẹn còn 30%.
Tháng 1/2019, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim ở dạng thanh, que và hình có xuất xứ từ Trung Quốc. Mức thuế chống bán phá giá với nhôm nhập từ Trung Quốc được đề nghị áp dụng là 35,58%. Theo quy trình, thời gian điều tra kéo dài từ 3-6 tháng, đồng nghĩa, kết luận cuối cùng sẽ có chậm nhất vào giữa năm nay.
Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường nhôm mới hình thành như hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm để ngành nhôm nội đi đúng hướng. Cũng vì thế, giới chuyên gia cho rằng, việc áp chống bán phá giá trên cũng cần phải đặt lên “bàn cân”.
Vấn đề mấu chốt ở đây là làm sao để vừa bảo vệ và thúc đẩy hệ nhôm nội phát triển, vừa tuân theo quy luật thị trường trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay. Và cuối cùng, tất cả đều phải hướng đến lợi ích của người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.
Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh xoay quanh vấn đề này:
PV: Ông nhận định như thế nào về quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm của Trung Quốc hiện nay?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Chống bán phá giá vốn là câu chuyện bình thường, chứ không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây, thực sự, việc chống bán phá giá là câu chuyện mà Việt Nam từ trước đến nay rất ít khi áp dụng. Nó đặc biệt là ở chỗ, vì để chống bán phá giá được thì phải có rất nhiều công việc phải làm, trong đó, cần xác định được họ bán phá giá như thế nào và việc bán phá giá như thế ảnh hưởng thế nào đến thị trường nhôm nói chung cũng như giá nhôm ở Việt Nam nói riêng. Hay như, thiệt hại của việc phá giá đó ảnh hưởng thế nào đến thị trường và ảnh hưởng thế nào đến người sản xuất kinh doanh nhôm của Việt Nam. Đây là những cái mà chúng ta phải xác định được.
Trước đây, Việt Nam đã có những quy định rất rõ về việc chống bán phá giá. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên công khai quyết định chống bán phá giá này trên thị trường Việt Nam.
PV: Thưa ông, việc chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường nhôm Việt và hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa nói chung?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Rõ ràng, quyết định này sẽ có một ảnh hưởng rất tốt đến thị trường. Nếu đây là việc mà chúng ta thực hiện được và thành công thì phải khẳng định, lần đầu tiên Việt Nam đã “định dạng” được câu chuyện bán phá giá và đưa ra quyết định thực thi hành động này.
Và nếu Việt Nam đưa ra dẫn chứng rõ ràng, thành công, thì quyết định này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động chống bán phá giá sau này của chúng ta nói riêng, cũng như hoạt động bảo vệ thị trường sản xuất kinh doanh nội địa nói chung.
Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo trước, chống bán phá giá là một công việc cực kỳ khó khăn, không đơn giản. Phải chứng minh được là việc phá giá đó nó ảnh hưởng thế nào tới thị trường nhôm của chúng ta, nếu có phá giá như thế thì mức phá giá là bao nhiêu, mức độ phá giá như thế nào. Còn chúng ta không chứng minh được, sẽ khó có thể giành thắng lợi trong hành động chống bán phá giá này. Yêu cầu này đòi hỏi chúng ta phải có dữ liệu về phá giá, phải có con số cụ thể về thiệt hại mà việc phá giá đó gây ra cho thị trường nhôm nội địa hay nói cách khác là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhôm. Phải chứng minh được điều đó, chúng ta mới có thể dành chiến thắng.
PV: Chống bán phá giá không phải là một công việc dễ dàng bởi cần rất nhiều dữ liệu phức tạp, dẫn chứng cụ thể. Và nếu Việt Nam giành thiến thắng thì sao, thưa ông?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thế nên tôi mới nói, nếu giành chiến thắng trong chống phá giá nhôm thì chắc chắn sẽ rất tốt vì rõ ràng, chúng ta đã có ý thức bảo vệ thị trường nội địa cũng như đây là cơ sở, kinh nghiệm để Việt Nam xem xét việc chống bán phá giá các mặt hàng khác, nếu có.
Nhưng cũng cần nhìn nhận lại, đây là một việc khó, và sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lớn do thị trường nhôm của chúng ta cũng mới chỉ hình thành. Do đó, những chi phí cũng như những cái có liên quan đến hoạt động chống bán phá giá sẽ còn tốn nhiều thời gian, chứ không một sớm một chiều là xong được. Đây là việc làm tốt, nhưng mà nên cẩn trọng.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến quan ngại rằng khi chống bán phá giá với nhôm nhập từ Trung Quốc có thể dẫn tới hành động trả đũa thương mại đối với mặt hàng khác? Quan điểm của ông thì sao?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Vấn đề này không đáng lo. Bản chất, nói đến chuyện chống bán phá giá thì việc đầu tiên mà chúng ta phải xác định được, họ phá giá. Mà dẫn chứng cho thấy họ phá giá thì chẳng có lý do gì mà lo hoạt động trả đũa. Nhưng, nếu trong trường hợp không chứng minh được họ bán phá giá thì lại là một vấn đề khác.
PV: Vấn đề khác như ông vừa trao đổi ở trên có thể sẽ là gì?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Như tôi đã nói ở trên, thị trường nhôm Việt mới hình thành và vì thế cho nên nó còn rất nhiều vấn đề ở đằng sau. Hoạt động chống phá giá sẽ còn tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhôm nói riêng, cũng như các hoạt động mà trên thị trường của chúng ta nói chung.
Chính vì lẽ đó, việc kiện cáo chống bán nhôm này thì quan ngại nhất ở vấn đề chúng ta chưa có ngân hàng dữ liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh nhôm. Hơn nữa, thời gian hình thành thị trường nhôm Việt cũng chỉ mới bắt đầu. Vì thế, tôi chỉ e ngại, nếu chúng ta có hoạt động chống bán phá giá nhưng lại chưa phản ánh đúng giá trị thực tại của nhôm Việt và kết luận là chống phá giá thì liệu có hợp lý không? Chúng ta so sánh với ai để mà tính toán họ bán phá giá, phá giá bao nhiêu, ảnh hướng thế nào đến thị trường Việt Nam?
Còn nếu chúng ta nói mà chúng ta không chứng minh được là họ bán phá giá hay không xác định được thiệt hại của thị trường Việt do cái việc bán phá giá nhôm, thì lúc đấy có thể họ kiện ngược lại chúng ta.
- Xin cảm ơn chia sẻ của ông!