Aa

“Nếu nhà đầu tư lớn tại Nhật Bản có nhu cầu, FLC có thể chuyển nhượng cả dự án”

Thứ Sáu, 08/09/2017 - 20:00

Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư do Tập đoàn FLC tổ chức tại Nhật Bản ngày 7/9.

Ngày 7/9, sự kiện giới thiệu tiềm năng BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam và cơ hội đầu tư vào Tập đoàn FLC đã được tổ chức tại Imperial Hotel, Tokyo, Nhật Bản. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 400 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp BĐS tại Nhật Bản và châu Á, tiếp nối thành công của roadshow và hội thảo mà Tập đoàn FLC tổ chức vào tháng 6/2017 tại Singapore.

Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều câu hỏi về thủ tục đầu tư tại Việt Nam đã được các nhà đầu tư chuyển đến cho Tập đoàn FLC và các diễn giả khách mời.

Trước câu hỏi về khả năng mua BĐS thương hiệu FLC của người Nhật, ông Trịnh Văn Quyết, khẳng định Tập đoàn FLC đã tính toán để không chỉ bán các sản phẩm riêng lẻ như condotel hay villa nghỉ dưỡng, mà nếu khách hàng Nhật là nhà đầu tư lớn có nhu cầu, tập đoàn cũng có thể xem xét chuyển nhượng cả dự án.

Ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC khẳng định tầm quan trọng của dòng vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Năm 2016, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam.

Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thì sự tương đồng về văn hóa và lòng mến khách đã hình thành mối liên kết tự nhiên giữa người dân hai nước, đưa Việt Nam và Nhật Bản trở thành điểm đến du lịch yêu thích của nhau.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC trả lời câu hỏi của khách mời.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC trả lời câu hỏi của khách mời.

Nhìn những mốc son đáng nhớ trong quan hệ ngoại giao Việt – Nhật năm 2017, ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng đây là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa để doanh nghiệp hai nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau.

Tại sự kiện, những thắc mắc với khâu chuyển lợi nhuận về Nhật Bản trong quá trình chuyển nhượng dự án cũng được đặt ra. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam khẳng định sự thuận lợi của thủ tục này: “Chỉ cần nhà đầu tư Nhật Bản có visa hợp lệ, thậm chí không cần bay sang Việt Nam, vẫn có thể mua BĐS tại Việt Nam”.

Nếu nhà đầu tư mở tài khoản tại một số ngân hàng nhất định, có thể sẽ cần cung cấp một số thông tin về nguồn gốc lợi nhuận. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của CBRE, rất nhiều khách hàng của công ty này đã thành công trong việc chuyển lợi nhuận về nước với sự giúp đỡ của các ngân hàng.

Cũng theo bà Dung, Việt Nam đã có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS.

Chính sự thay đổi này đã mang lại kết quả giao dịch khả quan trên thị trường BĐS với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó số người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở tăng từ 126 vào tháng 7/2015 lên 750 người vào tháng 7/2017.

Cùng kỳ, số lượng người nước ngoài giao dịch trung bình tại một dự án tăng từ 0% lên tới 30%. Số lượng người nước ngoài quan tâm trung bình tại một dự án tăng từ 0% lên 50%.

Trong vai trò Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam, bà Dung nhận xét, cơ hội với thị trường BĐS Việt Nam vẫn ở mức lớn.

Hiện tại, nhu cầu ngày một lớn và một số thị trường nguồn cung vẫn còn khan hiếm là cơ hội tốt cho nhà đầu tư tham gia đầu tư.

thu hút sự tham gia của gần 400 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp BĐS tại Nhật Bản và châu Á

Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 400 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp BĐS tại Nhật Bản và châu Á.

Ông Norio Hattori, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cố vấn quan hệ đối tác Việt Nam - Nhật Bản cho biết, sau nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam, ông giữ vị trí người đại diện thường trú của Chính phủ Nhật Bản tại các tổ chức quốc tế như Tổ chức OECD về Hợp tác Kinh tế và Phát triển. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2010, ông lập văn phòng riêng, làm việc để tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong các khía cạnh kinh tế và văn hoá.

Dưới góc độ của một cố vấn quan hệ đối tác Việt - Nhật, ông Norio Hattori đánh giá: “Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, và từ năm 2005 đến năm 2006, đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam đã tăng lên rõ rệt.

Ông Norio Hattori cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư ra nước ngoài trước tiên sẽ quan sát tình hình chính trị, kinh tế với Nhật Bản, sự tương đồng giữa văn hóa có ổn định hay không, tình cảm với nước đó ra sao. Chính trị có ổn định hay không, có nhiều vấn đề xã hội hay không. Đấy chính là điểm quan trọng.

“Với người Nhật, người Việt Nam luôn có thái độ tôn trọng. Trên thế giới, Việt Nam là một trong ba nước có thiện cảm nhất với Nhật Bản. Chính trị trong nước và điều kiện xã hội rất ổn định. Người Việt Nam ôn hòa, đối xử thân thiện với nhau, rất cần cù, cố gắng. Đó là những nét đẹp tiềm ẩn”, ông Norio Hattori nói.

Theo ông Norio Hattori, ASEAN hiện đang tiến tới giai đoạn vàng của quá trình hội nhập kinh tế. Bây giờ chúng ta phải coi ASEAN là một chiến lược thị trường và đầu tư. Nhìn theo sự gần gũi của mối quan hệ giữa Nhật Bản, khoảng cách địa lý, dân số, lực lượng lao động, Việt Nam là đối tác đầu tư và kinh doanh tốt nhất tại ASEAN dành cho nhà đầu tư Nhật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top