Theo như Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp cũng như xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án) đã được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025, ngoài 11 tỉnh/thành không thực hiện sáp nhập, 52 tỉnh/thành còn lại sẽ sáp nhập thành 23 tỉnh/thành mới.
Theo như đề án đã được phê duyệt, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển và quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở Việt Nam, cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam đề xuất 6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm: Diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; tiêu chí về kinh tế cũng như địa chính trị và quốc phòng, an ninh.
Theo đề án, hiện có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp thành 23 tỉnh/thành mới.

Tỉnh mới Đồng Nai dự kiến được hình thành từ Bình Phước và Đồng Nai sẽ đứng thứ ba về quy mô dân số sau sáp nhập. Ảnh: Internet
Trong đó, tỉnh mới Lâm Đồng (dự kiến trên cơ sở sáp nhập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng) sẽ trở thành địa phương rộng nhất cả nước với tổng diện tích 24.233,1km2 với quy mô dân số 3.324.400 người.
Đứng ở vị trí thứ 2 là tỉnh mới Gia Lai (dự kiến trên cơ sở sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định) khi sở hữu diện tích 21.576,5km2 và quy mô dân số 3.153.300 người.
Sau sáp nhập, tỉnh mới Đắk Lắk – hình thành trên cơ sở hợp nhất giữa hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk – sẽ trở thành đơn vị hành chính có diện tích lớn thứ ba cả nước, với tổng diện tích 18.096km2 và dân số đạt 2.831.300 người.
Đáng chú ý, cả ba tỉnh mới được hình thành sau quá trình sắp xếp lần này đều có diện tích vượt qua tỉnh Nghệ An – địa phương hiện đang giữ vị trí số 1 về diện tích trên toàn quốc với 16.493,7km2. Theo đó, Nghệ An sẽ tụt xuống vị trí thứ tư trong "bảng xếp hạng" diện tích các tỉnh, thành cả nước sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Đồng Nai hiện là tỉnh giàu bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Internet
Đứng thứ năm về diện tích là tỉnh mới Quảng Ngãi, được sáp nhập từ tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, với tổng diện tích 14.832,6km2.
Về dân số, TP. HCM sau khi sáp nhập với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương mở rộng – sẽ vượt xa các địa phương khác, vươn lên dẫn đầu cả nước với 13.608.800 người.
Xếp ngay sau là TP. Hà Nội, dù không tham gia sáp nhập, nhưng vẫn giữ vị trí thứ hai với quy mô dân số ước tính khoảng 8.718.000 người (số liệu năm 2024).
Tỉnh mới Đồng Nai dự kiến được hình thành từ Bình Phước và Đồng Nai sẽ đứng thứ ba về dân số với 4.427.700 người.
Ở vị trí thứ tư là thành phố Hải Phòng, được hợp nhất từ tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, với dân số 4.102.700 người.
Tỉnh mới Ninh Bình, gồm ba địa phương sáp nhập là Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định, sẽ có quy mô dân số sau sáp nhập đạt 3.818.700 người, đứng thứ năm toàn quốc.
Theo Đề án, nguyên tắc xác định trung tâm hành chính – chính trị mới được xây dựng trên cơ sở lựa chọn từ một trong những đơn vị hành chính hiện hữu, nhằm bảo đảm quá trình chuyển giao được thuận lợi, giúp bộ máy chính quyền địa phương sớm đi vào hoạt động ổn định.
Cụ thể, đối với trường hợp sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành một tỉnh mới giữ nguyên tên gọi là tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính – chính trị sẽ được đặt tại thành phố Biên Hòa. Việc lựa chọn này được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và tiềm năng phát triển của khu vực. Thành phố Biên Hòa hiện đã có sẵn hệ thống hạ tầng hành chính tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập cơ quan quản lý mới và bảo đảm tính liên tục trong vận hành.
Bên cạnh đó, Biên Hòa sở hữu vị trí địa lý được xem là chiến lược – vừa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Đồng Nai, vừa là đầu mối giao thông quan trọng với các tuyến quốc lộ huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc – Nam, cùng nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang triển khai.
Đặc biệt, thành phố này nằm gần Sân bay quốc tế Long Thành, một trong những công trình giao thông lớn nhất cả nước đang được xây dựng, hứa hẹn sẽ mang lại lợi thế kết nối vùng và quốc tế rõ rệt cho tỉnh mới trong tương lai.
Đề án cũng nhấn mạnh nguyên tắc: trung tâm hành chính – chính trị mới cần có khả năng mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, đồng thời phù hợp với định hướng kinh tế – xã hội chung của đơn vị hành chính mới. Thực tế cho thấy, khu vực Biên Hòa và các vùng phụ cận vẫn còn nhiều không gian để mở rộng quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng hiện đại và dịch vụ công cộng, phục vụ cho cả cơ quan quản lý và đời sống dân cư.
Với vai trò là đô thị trung tâm của một tỉnh có nền kinh tế phát triển đa ngành – từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đến nông nghiệp và du lịch – Biên Hòa được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho tỉnh mới sau sáp nhập.
Việc lựa chọn Biên Hòa cũng cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng trong việc đảm bảo tính hài hòa về quy mô, hạ tầng và năng lực kết nối giữa hai tỉnh cũ. Theo nguyên tắc thứ tư của Đề án, sau khi mô hình chính quyền mới đi vào vận hành ổn định, tỉnh có thể nghiên cứu việc quy hoạch và xây dựng các trung tâm hành chính – chính trị mới phù hợp với thực tiễn phát triển và nhu cầu không gian đô thị.
Từ nền tảng hiện có, cùng với tiềm năng mở rộng trong tương lai, Biên Hòa – trung tâm của tỉnh Đồng Nai mới được định vị là một trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa quan trọng, đóng vai trò kết nối, lan tỏa phát triển không chỉ trong nội tỉnh mà còn trong toàn vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, Đồng Nai là một trong số các tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Đứng đầu danh sách này là tỉnh Bình Dương với thu nhập bình quân đầu người đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Đứng thứ hai là Hà Nội với mức thu nhập 6,86 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai giữ vị trí thứ ba với thu nhập bình quân 6,57 triệu đồng/người/tháng.