Aa

Ngắm cầu cổ đẹp nhất Việt Nam sau lần thứ 5 trùng tu

Thứ Ba, 23/02/2021 - 06:00

Cầu ngói Thanh Toàn tại xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa lưu thông trở lại sau lần trùng tu thứ 5 kể từ khi xây dựng cách nay 245 năm (1776). Công trình vừa đảm bảo yếu tố “gốc”, vừa an toàn.

Trao đổi với Reatimes, ông Võ Ngọc Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TX. Hương Thủy, Chủ đầu tư dự án công trình bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia cầu ngói Thanh Toàn cho biết, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, với khoảng 95% các hạng mục.

Để tạo điều kiện cho nhân dân địa phương, du khách tham quan, đi lại, dịp tết Tân Sửu cầu ngói Thanh Toàn đã được vận hành kỹ thuật, mỹ thuật. Sắp tới, Ban quản lý dự án còn điều chỉnh một số chi tiết nhỏ nữa là hoàn tất, chính thức bàn giao, sử dụng sau khoảng 1 năm hạ giải, tu bổ.

Cầu ngói Thanh Toàn - Cây cầu được xem là cổ nhất tại Việt Nam. Ảnh: Đình Huân

Cầu ngói Thanh Toàn lâu nay được xem là một trong ba cây cầu cổ đẹp nhất Việt Nam, đó là cầu ngói chợ Lương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), cầu ngói Thanh Toàn và cầu Chùa/ cầu Lai Viễn (người dân quen gọi là Chùa Cầu, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Điểm chung nổi bật nhất giữa các cây cầu này là lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều”, tức trên nhà, dưới cầu. Cả 3 cây cầu cổ này cùng được Nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1990.

Trẻ em vui vẻ nô đùa trên cây cầu mới được trùng tu

Khác với cầu ngói chợ Lương, Chùa Cầu, điều đặc biệt ở cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu được đầu tư xây dựng bởi một người phụ nữ người dân địa phương ở làng Thanh Toàn (sau này là Thanh Thủy) tên là Trần Thị Đạo, là vợ của một vị quan đầu triều thủ phủ xứ Thuận Hóa. Bà là người phụ nữ đức hạnh, được dân làng, bà con địa phương ngưỡng vọng.

Cầu ngói Thanh Toàn có hệ thống cột bằng gỗ có 18 trụ 3 hàng được bảo tồn khi tu bổ

Xuất phát từ tình yêu quê hương xứ sở, nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông, đi lại và hình thành điểm nghỉ ngơi, hóng mát, thư giãn cho những người dân vùng quê chiêm trũng thuần nông cũng như lữ khách muôn phương, bà Đạo đã dùng tiền tích góp của cá nhân để cúng cho làng, nhằm huy động nhân lực, vật lực, xây nên Cầu ngói Thanh Toàn độc đáo vào năm 1776.

Bà từng được vua Lê Hiển Tông có sắc chỉ ban khen năm 1776, rồi năm 1925 bà cũng được vua Khải Định ban sắc phong trần với danh hiệu Dực Bảo Trung Hưng Linh phò, lệnh cho người dân địa phương lập gian thờ bà ngay giữa gian chính trong 7 gian cầu.

 

Kiến trúc độc đáo của cây cầu cổ nhất Việt Nam

Điều khác biệt nữa ở Cầu ngói Thanh Toàn là cầu có 18 cột trụ và toàn bộ đều bằng gỗ tốt, khác với hệ thống cột trụ bằng bê tông ở Cầu ngói Chợ Lương và Chùa Cầu.

Vào tháng 4/2020, Cầu ngói Thanh Toàn chính thức được hạ giải để thực hiện trùng tu, bảo tồn tu bổ. Vào thời điểm ấy, do xuất hiện tấm hình phối cảnh cầu ngói Thanh Toàn sau khi hình thành khá xấu và lòe loẹt nên đã dấy lên luồng dư luận quan ngại về tính bảo tồn nguyên vẹn, yếu tố gốc của di tích.

Tuy nhiên, các nhà thầu và chủ đầu tư sau đó đã thực hiện công việc tu bổ, phục hồi hệ thống ván sàn và kết cấu khung chính bằng gỗ lim (cột, kèo, xuyên, trến, lan can, kệ ngồi...); phục hồi hệ thống mái lợp bằng ngói âm ống men Thanh Lưu Ly; trang trí bờ mái, bờ quyết, ô hộc, bờ nóc, con giống gắn sành sứ... theo công nghệ truyền thống; xây phục hồi hai tường đầu hồi; phục hồi nguyên gốc hai câu đối, các chi tiết trang trí gắn sành sứ và toàn bộ màu sắc tổng thể công trình bằng sơn truyền thống... Cùng với với hệ thống đèn led chiếu sáng nghệ thuật, hệ thống báo cháy tự động cũng được thiết lập và đây là những công năng mới so với “nguyên bản”.

Vị trí cây cầu này cũng khá đặc biệt khi nằm bắc qua mương nước của làng, nhập vào sông Như Ý bên cạnh, tạo nên một bức tranh đồng quê đầy thi vị.

Theo ông Võ Ngọc Thành, khi trùng tu, tu bổ, công trình Cầu ngói Thanh Toàn, kỹ thuật sơn chống hà, chống mối mọt lên hệ thống trụ cột cấu kiện của cầu là một yêu cầu nghiêm ngặt và đã được đảm bảo thực hiện xuyên suốt.

“Đây là một công trình quan trọng, di tích rất quý giá nên chúng tôi cũng gặp áp lực khá lớn, nhất là làm sao đảm bảo việc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị, yếu tố gốc của công trình, vừa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với quá trình tu bổ. Do vậy, chúng tôi đã thực hiện công việc hết sức kỹ lưỡng, tiến hành nhiều cuộc hội thảo đầu bờ; tham vấn nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý; tuyển những người thợ có tay nghề giỏi về nề ngõa, khảm… sao cho công trình tu bổ tối ưu nhất. Nay thì chúng tôi cũng đã vui mừng vì các cụ, bà con dân làng và dư luận ghi nhận, hài lòng sau khi cầu được tu bổ", ông Thành thổ lộ.

5 lần trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vòm bằng gỗ với mái ngói, nằm cách TP. Huế khoảng 8km về phía Đông. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.

Cầu có chiều dài thuở đầu 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian. Tuy nhiên, sau một số lần trùng tu, tu bổ cây cầu hẹp lại với chiều dài gần 17m, rộng chừng hơn 4m. Đặc biệt, cùng với hệ thống sàn gỗ lót hình vòm để đi lại lưu thông, hai bên cầu đều có hai dãy bục gỗ và hệ thống lan can để người ta có thể ngồi tựa lưng nghỉ ngơi, ngắm cảnh, thư giãn.

Cho đến nay, Cầu ngói Thanh Toàn đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1847, 1906, 1956, 1971 và 2020 - 2021. Ở lần trùng tu thứ 5, công trình được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với nguồn kinh phí 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TX. Hương Thủy, chủ đầu tư công trình cho hay công trình hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 10,2 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top