PV: Chuẩn bị bước vào quý IV/2023 nhưng nguồn cung bất động sản vẫn rất khan hiếm, ông đánh giá như thế nào về các hoạt động trên thị trường bất động sản hiện nay?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Nguồn cung nhà ở trong thời gian qua chưa có nhiều cải thiện tích cực, dự án nhà ở đang mở bán với nguồn cung đưa ra thị trường hầu hết là nguồn cung đến từ các dự án trong các giai đoạn tiếp theo, gần như không có dự án nào mới. Trước đó, chúng ta đã trải qua một giai đoạn thị trường bùng nổ lên quá cao, buông lỏng quản lý thì hiện nay thị trường phải chững lại là điều dễ hiểu.
Thực tế cho thấy, những con số và phản hồi tích cực của thị trường đang nghiêng về những dự án tầm trung để phục vụ nhu cầu ở thực, nằm riêng lẻ hoặc trong quần thể hiện đại đầy đủ tiện ích, có không gian sống trong lành và chính sách bán hàng hấp dẫn. Còn đối với các phân khúc khác sẽ phụ thuộc vào cơ chế thị trường, có cung ắt sẽ có cầu.
PV: Theo ông, phân khúc nào có triển vọng trong thời gian tới?
Một trong những phân khúc có thể nhìn thấy rõ nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội đang rất khan hiếm. Theo tôi, phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ là phân khúc dẫn đầu khi thị trường bất động sản quay trở lại.
Theo phân tích của giới chuyên môn, phân khúc nào chúng ta cần nó tăng trưởng thì càng phải tạo nhiều điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho nó phát triển, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hay nhà ở giá rẻ trong các đô thị. Đây là phân khúc luôn trong tình trạng thiếu nhưng nhu cầu lại rất cao. Chính vì vậy, về mặt vĩ mô cần phải điều tiết sao cho hợp lý để phân khúc này được phát triển mạnh mẽ.
Để làm được điều đó, vấn đề quan trọng nhất lúc này là các địa phương, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội cần phải thúc đẩy các dự án phát triển nhà ở đang bị ách tắc, nếu dự án nào không gỡ được thì cần đề xuất cấp trên xử lý, thậm chí cần thiết có thể đưa ra cơ chế đặc thù.
PV: Nhiếu ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản hết cảnh khó chồng khó, thời điểm người mua xuống tiền chờ chu kỳ mới đã tới, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Trong hoạt động đầu tư, quan trọng nhất phải nhìn ra sớm cơ hội và dự đoán được tiềm năng của cơ hội đó. Khi thị trường phục hồi, giá bất động sản sẽ tăng trở lại. Do vậy, thời điểm này chính là cơ hội tốt cho người có sẵn dòng tiền nắm bắt cơ hội lựa chọn những bất động sản vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá tốt, mức chiết khấu cao... Nếu qua giai đoạn này, bước vào thời điểm phục hồi thì không dễ săn được nhà tốt giá phải chăng.
Nhiều chủ đầu tư đã cắt giảm lợi nhuận và xây dựng giải pháp tài chính thông qua các chính sách bán hàng cũng như là tiến độ thanh toán, ưu đãi cho từng khách hàng. Điều đó đồng nghĩa, chủ đầu tư chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận xuống và đây là cơ hội cho người mua nhà có nhu cầu thực nắm bắt, lựa chọn thì sẽ là thời điểm tốt để xuống tiền.
Nhưng cũng cần lưu ý, nếu là những nhà đầu tư non trẻ mục đích lướt sóng đầu tư thì không nên tham gia thị trường lúc này.
PV: Nói như vậy, thị trường bất động sản đang có triển vọng, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn, tuy nhiên theo đánh giá của tôi, vào thời điểm giữa năm 2024, thị trường bất động sản có thể đi vào hoạt động ổn định và có chiều hướng đi lên khi các chính sách hỗ trợ đã dần “thẩm thấu” vào thực tiễn cuộc sống.
Quan sát thị trường thời gian qua cho thấy, khi thị trường bất động sản đang trên đà phát triển rầm rộ nhưng chịu tác động của các cơ chế chính sách đã lập tức phải dừng lại. Điều này đã cho thấy, cơ chế chính sách đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết thị trường bất động sản, nên nếu muốn thị trường phục hồi nhanh trở lại cũng rất cần các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ; ngược lại thì việc thụt lùi sẽ xảy ra. Với bất động sản, chỉ cần có nguồn lực và cơ chế chính sách phù hợp.
PV: Như vậy, thị trường bất động sản đang dần khởi sắc do có sự “thẩm thấu” từ các chính sách. Theo ông, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch và bền vững, chúng ta cần phải làm gì?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Thời gian qua, với việc Chính phủ liên tục có chỉ đạo yêu cầu gỡ vướng cho thị trường bất động sản, hàng loạt dự án sau thời gian dài đình trệ đã được khơi thông. Không chỉ tại TP.HCM, hàng trăm vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trên cả nước cũng đang dần được xử lý dứt điểm. Nhìn vào thực tế cho thấy, để thị trường khởi sắc trở lại, điều quan trọng nhất gỡ là “nút thắt”- các chính sách vĩ mô được ban hành phải đồng bộ, hợp lý mới tạo động lực thúc đẩy thị trường phục hồi.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, kịp thời trong giai đoạn hiện nay khi đại bộ phận doanh nghiệp bất động sản đang rất “đuối sức” hoặc không tiếp cận được với tín dụng do không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Trong giai đoạn này phải có cơ chế mang tính cởi mở đi vào thực tế cuộc sống.
Các cấp chính quyền địa phương phải chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; tín dụng, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường.
Đối với các doanh nghiệp, cần phải đi theo xu thế của tình hình mới như phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh. Rõ ràng, trong bối cảnh thay đổi thì các doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, kịp thời nắm bắt theo xu thế để tồn tại và phát triển.
PV: HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua tờ trình của UBND TP.Hà Nội về đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Dưới góc độ chuyên gia, theo ông liệu tình trạng “bong bóng” bất động sản có thể quay trở lại một lần nữa?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Khi huyện lên quận, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội sẽ được chú trọng đầu tư, người mua cần sáng suốt trước chiêu trò tung tin, đẩy giá đất nhằm trục lợi. Với những người có nhu cầu mua nhà để đảm bảo nơi sinh sống, công tác lâu dài ở Hà Nội, cần hết sức cẩn trọng.
Điều quan trọng nhất đối với bất kỳ loại hình bất động sản nào vẫn là tính pháp lý. Tâm lý “an cư lạc nghiệp” vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn đối với những người muốn ở lại Hà Nội để công tác lâu dài. Một căn nhà có giấy chứng nhận sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ là điều tiên quyết trước khi quyết định xuống tiền.
Thực tế trong thời gian qua, rất nhiều dự án nhà ở trên địa bàn Thủ đô bị vướng mắc về thủ tục pháp lý, trong đó có lượng lớn dự án vướng mắc về việc xác định giá đất cụ thể để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến việc mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng nhiều năm không thể giải phóng mặt bằng giao đất cho chủ đầu tư triển khai dự án.
PV: Xin cảm ơn ông!