Aa

Ngầm hóa đô thị: Muộn còn hơn không

Thứ Hai, 23/09/2019 - 06:00

Ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm khói bụi… những hệ quả của sự gia tăng dân số đô thị đã đặt ra vấn đề cấp bách phải tìm lời giải cho bài toán phát triển không gian ngầm, hướng tới sự phát triển bền vững.

Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, việc khai thác không gian ngầm làm trung tâm thương mại, giao thông… sẽ giải quyết nhiều vấn đề khi hạ tầng đô thị nổi trở nên quá tải.

Vốn có quỹ đất đô thị hạn hẹp nhưng nhờ vào quy hoạch phát triển không gian ngầm bài bản, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đi đầu trong sử dụng không gian hiệu quả với hệ thống tàu điện ngầm, khu mua sắm ngầm, cao tốc ngầm, phố đi bộ ngầm, hầm kỹ thuật chung (common conduit), bể chứa nước và sông ngầm chống ngập...

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều tuần này, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng,  xây dựng hệ thống hạ tầng ngầm được coi là giải pháp chiến lược cho quá trình phát triển đô thị bền vững, không chỉ giúp giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng trên mặt đất mà còn giúp khai thác, tận dụng tối đa giá trị đất đai ở đô thị. Đó là chưa kể vấn đề thoát nước và cả an ninh.

“Nếu chúng ta khai thác một cách tốt nhất không gian ngầm đô thị thì trên mặt đất sẽ có độ thông thoáng rất lớn, các khoảng không sẽ phục vụ cho mục đích công cộng của đô thị về vấn đề văn hóa, môi trường, chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Quảng cho biết thêm.

Các nước phát triển đã nhận thức được vai trò của không gian dưới mặt đất và đã thực hiện ngầm hóa đô thị từ rất lâu. Còn tại Việt Nam, việc khai thác không gian ngầm thời gian qua, tuy đã bắt đầu có sự quan tâm nhưng còn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ, chỉ mang tính cục bộ, khai thác cho mục đích riêng của từng dự án chứ không có sự kết nối. Dẫn đến vẫn còn rất nhiều “khoảng trắng” không gian ngầm.

Tại tuyến metro được mệnh danh là rùa thập kỷ, Nhổn – Ga Hà Nội, sau nhiều lần lùi tiến độ, 4km ga ngầm đầu tiên của Hà Nội gần đây mới được thi công, dự kiến tới năm 2022 mới có thể đưa vào sử dụng.

Phương tiện giao thông gia tăng, Hà Nội thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, một loạt bãi đỗ xe tự phát xuất hiện, lấn chiếm hành lang giao thông và phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Thế nhưng sau nhiều lần bàn bạc, Hà Nội vẫn chưa có một bãi xe ngầm công cộng nào để giải quyết tình trạng trên.

Còn tại đường hầm dành cho người đi bộ, nơi thì chứa đầy rác, nơi đóng cửa bỏ không, có nơi chỉ lác đác vài người qua lại, còn người đi bộ vẫn ngang nhiên bất chấp nguy hiểm băng băng qua đường.

Diện tích không gian ngầm dưới lòng đất tại các đô thị gần như đang bị bỏ trống, rất lãng phí, hoặc không phát huy hiệu quả. Việc xây dựng các công trình ngầm thời gian qua diễn ra khá tùy tiện, thiếu sự liên kết. Trong khi, không gian trên mặt đất đã quá ngột ngạt, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng đang diễn ra ngày càng trầm trọng.

Việc hình thành các trung tâm thương mại dưới lòng đất như tại Times City hay Royal City có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận, nhưng với việc thiếu quy hoạch tổng thể và số lượng còn ít, khiến các trung tâm thương mại ngầm này thu hút quá đông người sử dụng dịch vụ, càng làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực xung quanh. Sâu xa hơn nữa, việc xây dựng không gian ngầm đơn lẻ, thiếu tầm nhìn dài hạn, dẫn đến nguy cơ tài nguyên đất ngầm bị sử dụng lãng phí.

“Đến lúc này mới đặt vấn đề quy hoạch đô thị ngầm là rất muộn, nhưng… muộn còn hơn không”

Nói rõ hơn về tầm quan trọng và thực tế phát triển không gian ngầm tại Việt Nam,TS.KTS Trương Văn Quảng cho hay:

“Khu vực nội thành hiện nay, quy mô dân số, các phương tiện giao thông cá nhân tăng lên rất khủng khiếp. Chúng ta đang thiếu trầm trọng quỹ đất để giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể để làm sao khai thác hiệu quả nhất không gian ngầm.

Thực tế chúng ta dường như vẫn còn bỏ ngỏ không gian ngầm của các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Các tiềm năng của không gian ngầm chưa được đánh thức để khai thác một cách hiệu quả.

Ở Nhật, họ còn sử dụng không gian ngầm để giải quyết vấn đề ngập úng trong đô thị bằng cách tích nước. Ví dụ như các đô thị ở Nhật có những bể nước rất lớn ở dưới lòng đô thị, khi lượng mưa rất lớn trên bề mặt có thể thoát vào trong bể đó, giảm thiểu đáng kể tình trạng ngập úng. Còn lượng nước đó có thể sử dụng để rửa đường, tưới cây… Thế thì tại sao Việt Nam lại không học tập kinh nghiệm của các nước phát triển”?

Vị chuyên gia quy hoạch nhấn mạnh, hiện tại việc phát triển không gian ngầm đã là muộn chứ không còn sớm. Nếu không tiếp tục triển khai thì sau này việc triển khai lại càng khó khăn. Khi mà tất cả những gì chúng ta triển khai trước đó đều chưa có quy hoạch cụ thể, có thể chồng chéo nhau nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bước tiếp theo khi triển khai tiếp các công trình ngầm khác.

Ông Quảng cho hay, hiện nay, theo Luật quy hoạch, các thành phố lớn bắt buộc phải có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong đó có cả quy hoạch hệ thống không gian ngầm. Nhưng hiện tại nhiều đô thị vẫn lúng túng trong vấn đề quy hoạch, ví dụ như Hà Nội đến nay vẫn chưa phê duyệt được.

Thực tế từ năm 2015, Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án quy hoạch chung này thuộc địa giới hành chính các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.
Đầu năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cho đồ án này. Cùng thời điểm, TP đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về không gian ngầm cũng như khảo sát điều tra về hệ thống công trình ngầm hiện trạng. Tuy nhiên, sau 3 năm nghiên cứu thẩm định, lấy ý kiến các chuyên gia nhưng vẫn chưa duyệt được quy hoạch không gian ngầm chung cho toàn TP.

“Tất nhiên nó cũng liên quan rất nhiều đến các vấn đề khác như cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các vấn đề sở hữu, nguồn vốn…

Đặc biệt hệ thống cơ sở pháp luật của chúng ta vẫn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh để giải quyết được vấn đề liên quan đến vai trò, lợi thế của các không gian ngầm của đô thị.

Trong tương lai gần, rõ ràng chúng ta phải khai thác không gian ngầm một cách hiệu quả nhất, có kế hoạch theo từng bước một. Các không gian ngầm có thể là trung tâm tài chính thương mại, du lịch, kết nối với nhau. Hiện nay chúng ta mới chỉ đưa ra mô hình nhưng chưa có giải pháp thực hiện để giải quyết các vấn đề cấp bách”, ông Quảng nêu vấn đề. 

Chính vì vậy, theo TS.KTS Trương Văn Quảng, muốn xây dựng được hệ thống không gian ngầm đáp ứng đủ các yếu tố thì việc xây dựng bản quy hoạch chung là rất cần thiết và quan trọng.

“Các chính quyền đô thị cần phải có đủ các cơ sở pháp lý cũng như đề ra bản quy hoạch mang tính tổng thể cho việc phát triển hệ thống không gian ngầm ở đô thị, có ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu ở cả hiện tại và tương lai”, ông Quảng cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc quy hoạch không gian ngầm phải đảm bảo sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; kết nối tương thích và đồng bộ các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất; đồng thời, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, an toàn các công trình ngầm và phần ngầm của các công trình trên mặt đất.

Đồng thời, các không gian ngầm phải gắn bó mật thiết với kết cấu không gian mặt đất để cung cấp và bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống dịch vụ còn thiếu, góp phần giải quyết vấn đề giao thông và bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị.

Thu hút đầu tư bằng cách nào?

TS.KTS Trương Văn Quảng cho rằng, phát triển các công trình hạ tầng ngầm thường phức tạp và tốn kém nhiều chi phí hơn so với trên mặt đất: “Rõ ràng, khi chúng ta triển khai các kỹ thuật của công trình ngầm sẽ khó hơn trên mặt đất, nguồn vốn để đầu tư chắc chắn sẽ cao hơn. Ngoài ra còn có nhiều vấn đề liên quan đến nhận thức. Ví dụ như nhà ga C9 của tuyến ngầm đô thị Hà Nội, sát vào khu vực Hồ Gươm, cho đến nay vẫn còn tranh luận vì liên quan đến vấn đề tâm linh và rất nhiều vấn đề khác liên quan đến văn hóa, lối sống. Tất cả những vấn đề đó cần được giải quyết một cách đồng bộ thì mới có thể tạo ra được môi trường tốt nhất cho việc khai thác hiệu quả không gian ngầm của đô thị".

Theo vị chuyên gia này, chính quyền đô thị phải dành sự quan tâm nhiều hơn, cơ chế, chính sách phải rõ ràng, đồng thời phải có ưu đãi đối với các nhà đầu tư như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh. Với loại không gian ngầm mang tính cấp bách như bãi đỗ xe ngầm, công trình đầu mối ngầm, hào kỹ thuật ngầm... nên sớm có riêng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư.

“Nếu cứ tiếp tục tình trạng đưa đi đẩy lại, trao đổi, xin ý kiến, nhưng vẫn không ra quyết định thì cuối cùng sẽ bị chậm trễ trong thực hiện xây dựng các không gian ngầm. Việc chậm trễ càng lâu thì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đô thị càng lớn.

Hiện nay chúng ta đã có hình thức hợp tác công tư, tôi cho rằng các chính quyền đô thị, đặc biệt là đô thị lớn, cũng cần thiết phải khai thác hiệu quả những hình thức này, để làm sao phát triển được không gian ngầm. Nếu không, Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục bị ách tắc, rất nhiều vấn đề của đô thị không thể giải quyết được”, ông Quảng nhấn mạnh.

Đối với các nhà đầu tư, ông Quảng cho rằng, việc đầu tư và cùng xây dựng hệ thống không gian ngầm cũng mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư không chỉ vấn đề về kinh tế mà cùng có lợi về môi trường và xã hội, đặc biệt là vai trò và vị thế thương hiệu của nhà đầu tư cũng được nâng lên: “Nếu doanh nghiệp nào có đủ các khả năng về tài chính cũng như sự nghiêm túc trong việc xây dựng được công trình ngầm nào đó mang tính đột phá thì chắc chắn họ sẽ nổi danh, đồng thời họ cũng có được lợi nhuận thông qua đó. Rõ ràng phải có cơ chế, chính sách làm sao để cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng có lợi”.

“Chúng ta có quyền hy vọng một ngày sớm nhất, đô thị được ngầm hóa, người dân có thể đi mua sắm ở trung tâm thương mại ngầm, sau đó đi tàu điện ngầm về nhà, gửi xe ở bãi xe ngầm… mà không phải lo ùn tắc. Đó là trách nhiệm của những người làm quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị, để chúng ta có một đô thị hoàn chỉnh, hiện đại hơn và đi theo chiều hướng vị nhân sinh hay nói cách khác là vì con người”, ông Quảng nêu quan điểm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top