Theo phân loại khoa học thì cây bún thuộc chi Crateva, thuộc họ cáp. Ngoài tên gọi dân gian là cây bún, còn có tên gọi khác là bạch hoa hay màn màn.
Theo tài liệu khoa học, cây bún là một loài cây gỗ nhỡ, cao 15 - 20m, thân mập hình trụ tròn, phân cành mạnh, vỏ màu xám nâu; cành thường cong rũ, rất dẻo dai và có người cho rằng có lẽ vì thế mà có tên cây bún, tức mềm như bún. Cũng có người cho rằng, khi ra hoa mỗi chùm hoa trông giống như một con bún và cả cây hoa thì như một rổ bún, nên người ta gọi là cây hoa bún. Cây bún có lá kép 3 lá chét dạng trứng thuôn ngược, đầu có mũi nhọn, màu xanh lục hơi mốc mốc.
Cây bún có nguồn gốc ở Nhật Bản, Australia, phân bố rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc (có nhiều ở Quảng Đông, Hải Nam, gọi là cây Ngư mộc); ở nhiều nước Đông Nam Á như Bhutan, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và một ít ở các đảo Nam Thái Bình Dương. Từ lâu, nhiều nơi ở miền Nam Trung Quốc và vùng Đông Nam Á, người ta đã chọn cây bún làm cây cảnh quan.
Ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cây hoa bún thường được trồng ở các đền chùa, thánh thất... nên nó cũng được gọi tên là Temple Plant. Cũng chính vì phát hiện cây bún thường gắn liền với các đền đài, chùa, miếu, thánh thất... nên khi đặt tên khoa học cho nó, Forster - nhà thực vật học người Đức đã dùng tính từ Latin "religiosa" (thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng) làm tính ngữ cho tên loài. Từ đó tên loài của nó là Crateva religiosa.
Cây bún cho tán đẹp, tỏa nhiều bóng mát. Đến cuối đông, lá héo dần nhưng nhiều khi không chịu rụng xuống mà vẫn đeo trên cành. Đợi đến khi mưa xuân, lá cây mới trút xuống trơ những cành khẳng khiu và khi có nắng ấm, cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc và ra hoa. Cũng có khi cây ra hoa rộ khi cành đã trút gần hết lá.
Hoa bún khi mới nở có màu trắng, trắng sữa, sau chuyển dần sang vàng nhẹ. Đến khi hoa chuyển màu vàng đậm hơn thì cũng là lúc hoa bắt đầu tàn. Hoa bún khá bền, thường từ lúc nở đến khi rụng kéo dài 10 - 20 ngày.
Cụm hoa ở đầu cành, mang nhiều hoa to, cánh mỏng manh khá giống hoa giấy. Mỗi hoa mang từ 13 - 18 nhị rất dài, nuột nà. Tôi nghĩ có lẽ vì thế chăng mà người ta gọi là hoa bún, tức nhị hoa trông như sợi bún. Tua nhị đỏ hay tím, khi hoa nở các nhị tua tủa trước những cánh hoa trông tựa con nhện, nên cây cũng có tên tiếng Anh là Spider tree, tức con nhện.
Hoa bún nếu nhìn riêng từng bông hoa thì chưa thấy hết được vẻ đẹp của nó, bởi từng cánh hoa trông chẳng khác gì những chiếc lá (mà suy cho cùng thì thực chất cánh hoa cũng là do lá cây biến đổi thành mà thôi), chỉ khác là cánh hoa màu trắng hay vàng. Phải ngắm cả chùm hoa, cả cành hoa, cả vòm hoa khi cánh hoa hòa quyện với chùm nhị dài, bông hoa trắng xen lẫn hoa vàng và từng cụm hoa như những con bún xếp tầng tầng lớp lớp… khi ấy, hoa bún mới phô hết vẻ đẹp của nó.
Quả bún ăn được, người Trung Quốc dùng quả khô để chữa bệnh. Ở Ấn Độ, quả cây bún được dùng làm thuốc lợi tiểu, làm dịu và chống viêm nhiễm...; vỏ dùng trong điều trị rối loạn chức năng hệ tiết niệu, nhiễm trùng đường tiểu, đau và nóng rát trong chứng tiểu rắt, sỏi thận và bàng quang... Một số tài liệu cây thuốc ở Việt Nam có công bố vài loài bún tương cận, có tên khoa học là Crateva nurvala và Crateva unilocularis với những tác dụng tương tự loài trên.
Các nhà khoa học cho rằng, so với nhiều loài trồng trong thành phố, cây bún không thua về độ che phủ lấy bóng mát, thậm chí có phần hơn nhờ vẻ đẹp rực rỡ vào mùa hoa nở. Chỉ tiếc là một loài cây có tán đẹp, hoa đẹp, cũng dễ trồng như thế nhưng lại rất hiếm hoi trên đất Hà Thành vốn được mệnh danh là 12 mùa hoa này…