Theo HoREA, cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS, cần phải có các giải pháp "hạ nhiệt" kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường BĐS, và để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, HoREA đề xuất các giải pháp để "hạ nhiệt" cơn "sốt giá ảo" đất nền hiện nay, như sau:
Thứ nhất, lãnh đạo thành phố công bố rõ hiện nay chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận, hoặc thành lập tổ chức hành chính thành phố trong thành phố ở khu Đông, khu Nam, khu Tây TP. HCM.
Đồng thời, các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các siêu dự án, như: Đại lộ ven sông Sài Gòn, Thành phố mới Củ Chi, Thành phố ven biển (Marina City) Cần Giờ... để được xét duyệt theo quy định và sớm công bố kết quả xét duyệt để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới "đầu nậu" và "cò" đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.
Thứ hai, UBND TP. HCM cần sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 quy định về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa ra riêng, nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp bị giới "đầu nậu" và "cò" đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan.
Thứ ba, UBND TP. HCM cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh BĐS của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh BĐS với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế.
Trong khi quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014 thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh BĐS phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định./.